Xe điện mặt trời “made by sinh viên... miền Tây”

Xe điện mặt trời “made by sinh viên... miền Tây”
Một nhóm sinh viên khoa công nghệ Trường ĐH Cần Thơ đã chế tạo thành công xe điện chạy bằng năng lượng mặt trời, tận dụng nguồn năng lượng “sạch” này làm nhiên liệu.
Xe điện mặt trời “made by sinh viên... miền Tây” ảnh 1

Xe điện chạy bằng năng lượng mặt trời do nhóm sinh viên khoa công nghệ ĐH Cần Thơ thiết kế, chế tạo - Ảnh: P.D.

Năm học 2005, Trường ĐH Cần Thơ kêu gọi SV khoa công nghệ vừa học lý thuyết vừa thực hành, và xưởng cơ khí của trường chính là nơi được tận dụng để thực hiện những ý tưởng mới.

Nhà trường có đợt phát động SV tham gia nghiên cứu khoa học, ý tưởng lớn về “xe điện chạy bằng năng lượng mặt trời” của tám SV lớp cơ khí K29 của trường gặp nhau.

Cả nhóm cùng phân tích số giờ nắng ở nước ta khá lớn, miền Bắc khoảng 1.500-1.700 giờ, trong khi ở miền Nam con số này đạt 2.200-2.600 giờ/năm.

Trên khắp nước ta đều nhận được nguồn năng lượng khá lớn từ Mặt trời. Nắng nóng từ 22oC trở lên là điều kiện nạp điện lý tưởng đối với pin mặt trời. Đây là nguồn năng lượng vô tận, không phải trả tiền nên việc tận dụng nguồn năng lượng này là rất tiện ích.

Các thông số ban đầu về chiếc xe được phác thảo: xe bốn bánh, tải trọng chở hai người, tấm pin mặt trời nằm trên mui xe, trọng lượng xe gọn nhẹ, phần “áo” của xe làm bằng vật liệu composite, xe sẽ phục vụ tại các điểm vui chơi giải trí...

... Đến chế tạo xe thật

Nhóm lần dò áp dụng các công thức đã học tìm ra công suất của động cơ, chọn đường kính và tính số vòng quay của bánh xe. Sau đó dự đoán thời gian tiêu thụ năng lượng và tìm ra loại bình ăcqui trữ điện phù hợp.

Từ đó củng cố công suất động cơ, nhưng việc tìm những tấm pin mặt trời có thông số phù hợp cho cả hệ thống xe lại là một việc khá khó khăn. Nhóm đã cử thành viên khăn gói lên tận TP. HCM để xin bảng giá những tấm pin và các thông số thích hợp với xe, đồng thời vừa túi tiền.

Ngày báo cáo đề tài, các giảng viên đặt ra nhiều câu hỏi: Tải trọng trên được tính như thế nào? Vì sao các động cơ đều mắc nối tiếp mà không phải là cách khác? Đã tính đến chuyện cua vòng thì các bánh xe phải thay đổi vận tốc chưa?... Thế nhưng, các bạn trong nhóm đã giải thích thuyết phục và đề tài xe điện mặt trời được hỗ trợ kinh phí 45 triệu đồng.

Năm tuần sau, chiếc xe đã thật sự “trình làng” với trọng lượng 133kg, có kích thước dài 2,7m, ngang 1,3m, cao 1,64 m và tải trọng 120kg, có thể vận hành liên tục trong vòng sáu giờ với vận tốc 25km/giờ, công suất động cơ 2x250W.

Các thiết bị hoạt động theo một qui trình: các tấm panel được nối với hai bình ăcqui thông qua bộ điều khiển, nạp điện vào bình ăcqui và xe vận hành nhờ vào nguồn điện này.

Tất nhiên, xe này không có tiếng ồn, không gây ô nhiễm. Đạt được thành công này, nhóm đang có ý định đưa vào áp dụng cho các khu du lịch sinh thái và hăng say hoàn thiện ý tưởng chế tạo những chiếc tàu du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời dành cho hai người trên sông nước miền Tây.

Theo Phạm Diễn
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG