Xế hộp mô hình 'made by sinh viên'

SV chế tạo xe mô hình
SV chế tạo xe mô hình
TP - Chơi xế hộp mô hình phổ biến trong giới trẻ, nhưng hầu hết được nhập nguyên chiếc từ nước ngoài. Tuy nhiên, sinh viên (SV) CLB Bkit Hardware (ĐH Bách Khoa TPHCM) đang cho ra đời hàng loạt mẫu xe do chính họ sáng chế.

> Dân chơi siêu xe mô hình

Một chiếc xe mô hình nhập nguyên chiếc từ Nhật Bản, Trung Quốc có giá trung bình từ 300-500 USD, nếu là siêu xe còn đắt gấp nhiều lần nên ở ngoài tầm với của hầu hết SV.

“Ngoài việc có xe, người chơi phải thực sự làm chủ nó, khám phá hết tất cả những bộ phận. Vì vậy, quá trình chế tạo nên một chiếc xe mô hình mang lại cho người chơi những cảm xúc đặc biệt”, Minh Hùng, SV ĐH KHTN TPHCM cho biết.

Để chế tạo một chiếc xe mô hình không đơn giản. Thầy Phan Đình Thế Duy, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “SV phải học đến cuối năm 3 mới có đủ kiến thức về mạch điện, lập trình phần mềm để chế tạo xe. Ngoài ra, một chiếc xe hoàn thiện phải mất mấy tháng trời với kinh phí từ 2-3 triệu đồng”.

SV phải tận dụng tất cả vật liệu có thể giúp làm giảm giá thành. Khung xe, trục xe đều được các bạn gia công tỉ mỉ từ bìa carton, gỗ, thiếc… Sau đó khoan và bắt vít để cố định khung xe.

Lốp xe được tận dụng từ lốp của những chiếc xe đồ chơi cũ. Có bạn khéo léo cắt từ chiếc ruột xe đạp cũ để chế lốp cho xe mô hình. “Lốp xe mô hình nhập khẩu giá cả triệu đồng nên tụi mình mày mò chế lốp xe từ cao su cũ”, Võ Hải Thông, SV năm 4 ĐH Bách Khoa cho biết.

Có niềm đam mê với xe mô hình từ lâu, nhưng phải đến cuối năm 3, Hải Thông mới có điều kiện bắt tay vào chế tạo xe mô hình.

“Vừa học kiến thức ở trên trường vừa tranh thủ học thêm trên mạng, học hỏi kinh nghiệm của đàn anh khóa trước mới đủ hiểu biết và dám chế tạo xe mô hình”, Hải Thông chia sẻ. Chính vì sự khó nhằn này mà không phải SV nào cũng có thể trở thành nhà sáng chế xe mô hình.

Ra đời từ năm 2009, với vài chiếc xe mô hình của Nhật Bản, hiện CLB Bkit Hardware thường xuyên có hơn 30 thành viên là SV. Sau giờ học, các bạn lại tập trung về phòng cùng nghiên cứu, chế tạo. Chiếc xe chạy nhanh nhất của CLB đạt tốc độ hơn 3m/s.

“Xe được lập trình qua một con chip và vận hành tự động hoàn toàn. Xe phải thông minh để cảm nhận những sự thay đổi trên đường đua, nhận biết được những đoạn của vuông, gấp khúc hay chuyển làn”, Hải Thông cho biết.

Đối với những SV đam mê kỹ thuật, được sống và sáng tạo cùng máy móc đã là một niềm vui.

“Trò chơi này không những giúp SV xả stress sau giờ học mà còn giúp trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Trong tương lai, CLB sẽ tổ chức nhân rộng mô hình này, tạo sân chơi không chỉ cho SV trong trường mà còn thu hút sự tham gia của SV kỹ thuật nói chung”, thầy Phan Đình Thế Duy, Chủ nhiệm CLB cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG