Xe lăn điện sinh viên

Xe lăn điện do sinh viên sản xuất. Ảnh: T.H (Thanh Niên)
Xe lăn điện do sinh viên sản xuất. Ảnh: T.H (Thanh Niên)
Sản phẩm xe lăn điện với kiểu dáng bắt mắt, nhiều tính năng và dễ sử dụng được nhóm giảng viên trẻ và sinh viên ngành Tự động hóa - khoa Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội sản xuất.

Xe lăn điện sinh viên

Sản phẩm xe lăn điện với kiểu dáng bắt mắt, nhiều tính năng và dễ sử dụng được nhóm giảng viên trẻ và sinh viên ngành Tự động hóa - khoa Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội sản xuất.

Xe lăn điện do sinh viên sản xuất. Ảnh: T.H (Thanh Niên)
Xe lăn điện do sinh viên sản xuất. Ảnh: T.H (Thanh Niên).

Ý tưởng cho ra đời chiếc xe điện 3 bánh bắt đầu nhen nhóm từ 3 năm trước, khi đó Nguyễn Duy Đỉnh (giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội) đang là sinh viên năm thứ 4 ngành Tự động hóa xí nghiệp công nghiệp. Đỉnh kể: “Một lần, đang đi trên đường, trong dòng người hối hả ngược xuôi, mình trông thấy một người khuyết tật khó nhọc di chuyển chậm chạp bằng xe lắc. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh khiến mình nảy ra sáng kiến thiết kế một chiếc xe lăn chạy bằng điện. Đem ý tưởng đó trình bày với thầy giáo mình là PGS-TS Tạ Cao Minh, thầy nhiệt tình ủng hộ và hướng dẫn”.

Khác với một số loại xe lăn điện dùng ghi đông hoặc nút bấm, ưu điểm vượt trội của xe lăn điện do nhóm thiết kế chính là sử dụng cần lái rất dễ điều khiển. Để việc chuyển động theo đúng ý người lái, xe sử dụng công nghệ “tự chỉnh”. Muốn xe chạy về hướng nào, tiến, lùi, rẽ trái, phải với người điều khiển chỉ cần hướng cần lái về hướng đó.

Nguyễn Duy Đỉnh giải thích: “Dùng ghi đông đòi hỏi lúc nào người dùng cũng phải giơ tay ra để giữ ghi đông. Đối với người khuyết tật, việc này sẽ làm họ nhanh mỏi tay và việc lên xuống xe có phần khó khăn do ghi đông choán chỗ. Nếu dùng nút nhấn thì sẽ có khá nhiều nút khiến việc điều khiển trở nên phức tạp, nhất là khi cần xử lý nhanh. Còn dùng cần lái, việc điều khiển chỉ quy về chỉnh hướng. Bộ điều khiển sẽ giải mã và ra lệnh cho xe theo hướng của cần lái”.

Từ phiên bản một đơn giản, Nguyễn Duy Đỉnh và nhóm sinh viên đã hoàn thiện đến phiên bản 3 với những tính năng như mong muốn ban đầu. Ngô Tuấn Minh, sinh viên ngành Tự động hóa - bộc bạch: “Những kiến thức trên lớp học chỉ là những nguyên lý cơ bản, kiến thức chuyên ngành nên khi bắt tay vào nghiên cứu thực tế bọn mình vỡ thêm được nhiều vấn đề. Không chỉ học hỏi được các thầy phương pháp tư duy, là những sinh viên đi sau, bọn mình muốn được góp sức mình cùng các thầy phát triển và hoàn thiện đưa đến sản phẩm hoàn hảo nhất”.

Nói về dự định sắp tới, Trần Đại Dương - thành viên trong nhóm - hào hứng: “Nhóm nghiên cứu mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện xe trong các phiên bản sau. Trước mắt, làm sao cho xe tiết kiệm năng lượng nhất, chuyển động ổn định trên địa hình gồ ghề hay bãi cỏ”.

Sản phẩm xe lăn điện đã mang về cho nhóm nghiên cứu nhiều giải thưởng như: Cúp vàng Techmart Asean+3; giải nhất nghiên cứu khoa học cấp trường... Nguyễn Duy Đỉnh cho hay sau khi mang sản phẩm đi triển lãm, đơn đặt hàng tới tấp gọi đến. Rất nhiều khách hàng từ những tỉnh thành xa xôi như Bắc Giang, TP.HCM sẵn sàng đặt cọc cả nghìn USD, lại còn có cả doanh nghiệp ở Hàn Quốc muốn hợp tác đặt hàng 400 chiếc xuất sang Hàn Quốc.

“Ở Việt Nam, giá thành xe lăn điện rất đắt, cao nhất cỡ 40 triệu đồng. Thấp cũng trên 25 triệu đồng. Do còn trong giai đoạn nghiên cứu, các linh kiện, thiết bị phải mua lẻ nên có giá rất đắt. Tuy nhiên, nếu được thương mại hóa, giá thành của xe sẽ rẻ hơn nhiều. Có thể không rẻ hơn xe của Trung Quốc nhưng rẻ hơn xe của Nhật, châu Âu… có cùng tính năng và chất lượng chắc chắn hơn xe Trung Quốc”, Đỉnh khẳng định.

Theo Hải Bình
Thanh Niên

MỚI - NÓNG