“Xế ôm” làm giám đốc khách sạn 5 sao

“Xế ôm” làm giám đốc khách sạn 5 sao
TP - Một anh chàng nghèo rớt mồng tơi trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang), chuyên chầu chực trước các nhà hàng, khách sạn mời khách đi xe ôm. Rồi một ngày anh lọt vào “đôi mắt xanh” của… ông Tây. Họ bắt tay nhau làm du lịch.
“Xế ôm” làm giám đốc khách sạn 5 sao ảnh 1
Giám đốc Mẫn

Và anh xe ôm thu tiền cắc bỗng trở thành giám đốc quản lý Cty có số vốn đầu tư lên tới 15 triệu USD.

Quản tài sản trị giá 15 triệu USD

Năm 1994, Nguyễn Văn Mẫn (SN 1953) cùng vợ con từ Châu Đốc (An Giang) dắt díu nhau vượt biển ra đảo Phú Quốc tìm kế sinh nhai.

Họ mua một miếng đất nhỏ tại thị trấn Dương Đông, cất chòi ở tạm bợ. Hàng ngày anh Mẫn dùng chiếc xe Honda 67 vừa chạy xe ôm vừa tìm hỏi nơi nào có tôm tép, cá của ngư dân đánh bắt trên biển mua về cho vợ ra chợ bán lại.

Hồi ấy du khách đến với đảo Phú Quốc còn rất ít, có khi chầu chực cả ngày không có khách nào, nhất là những ngày mưa bão. Vợ chồng, con cái xanh xao gầy ốm. Lắm lúc vợ của Mẫn thở dài bàn tính về lại đất liền. Mẫn vẫn kiên trì chạy xe ôm khi chưa tìm ra được lối thoát nào khác. Hàng ngày anh vẫn chầu chực trước các nhà hàng, khách sạn chờ khách.

Buổi sáng nọ có một ông Tây (mãi sau này Mẫn mới biết đó là ngài Dominic Seriven, OBE – Giám đốc của Dragon Capital – Người được Nữ hoàng Anh phong tước vì đã có công trong quan hệ bang giao với Việt Nam) đến nhờ Mẫn chở “đi dạo” trên đảo. Và ngay lần gặp mặt đầu tiên này, ông Tây đã rất hài lòng về Mẫn.

Năm sau, rồi những năm sau nữa ông Tây lại ra đảo Phú Quốc, người đầu tiên ông tìm để nhờ chạy xe ôm vẫn là Mẫn và nơi đến thư giãn lại là những nơi vắng dấu chân người.

Quá trình quen với ông Tây, Mẫn mày mò học tiếng Anh, trong khi đó thì ông Tây cũng đã tích lũy được tiếng Việt kha khá. Đến đầu năm 1999, trong một lần tâm sự, ông Tây bày tỏ muốn mở một Khu du lịch sinh thái tại Phú Quốc, địa điểm càng xa khu dân cư, càng hoang vắng càng tốt.

Ngay sau lời “tỏ tình” ấy, Mẫn ráo riết truy lùng tìm địa điểm làm sao cho ông Tây này hài lòng với mong muốn duy nhất để khỏi mất mối… xe ôm. Khi ông Tây quay lại đảo Phú Quốc, Mẫn đưa đến một eo biển tại ấp Ông Lang (xã Cửa Dương), cách thị trấn Dương Đông khoảng 6 km về phía tây.

Vẻ đẹp hoang dã nơi đây đã hút hồn ông Dominic. Eo biển với cát trắng và những khối đá khổng lồ mang hình dáng một trái xoài đã làm cho ông Dominic thốt lên: “Mango Bay!” (eo xoài).

“Xế ôm” làm giám đốc khách sạn 5 sao ảnh 2
Những “ngôi nhà hoang dã” ở Mango Bay đang thu hút du khách

Một bất ngờ đến với Mẫn khi ông Tây lại lên tiếng nhờ Mẫn làm Giám đốc Cty cổ phần du lịch sinh thái Mango Bay. Đây là một Cty do ông Dominic cùng với 2 người bạn là Lawson (người Úc) và Andrew (người Anh) hùn vốn làm ăn.

Quá bất ngờ, mãi 5 ngày sau anh mới dám tâm sự với vợ. Chị Nga (vợ Mẫn) cũng chẳng đưa ra được lời khuyên hay góp ý nào cho chồng. Xưa nay chị chỉ biết làm sao mua được cá, tôm tép rẻ, bán có lời lấy tiền nuôi con ăn học.

Ông Dominic giao toàn quyền cho Mẫn đứng tên trong việc lo quan hệ với huyện, tỉnh về thủ tục giao đất, giấy phép đăng ký kinh doanh, qui hoạch, xây dựng…

Đến đầu năm 2000, Mango Bay được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận phê duyệt Dự án Khu du lịch sinh thái. Diện tích được giao 20 ha (kể cả quản lý bảo vệ rừng), tổng vốn đầu tư 15 triệu USD. Hiện Mango Bay đang trình xin UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng khách sạn 5 sao…

Khách sạn “ba không”

Từ sân bay Phú Quốc rẽ trái theo hướng tây là con đường đất đỏ xuyên qua những vườn tiêu, xoài tươi tốt. Anh Mẫn vừa chạy xe hon da vừa giải thích với tôi: “Người phương Tây khi đi du lịch trên đảo họ lại thích tới những con đường đất như thế này, thích đi qua những làng quê yên tĩnh, có con trâu gặm cỏ, con bò kéo xe…

Chính vì thế mà Mango Bay đã xây dựng một hệ thống 16 nhà nghỉ theo phong cách hết sức hoang dã. Tất cả các bức tường đều được xây dựng bằng một loại đất đặc biệt trên đảo”.

Mẫn giải thích với tôi, đất đặc biệt được sàng lọc tạp chất, chỉ trộn khoảng 6% xi măng và nén vào khuôn theo thiết kế ngôi nhà, vài ngày sau khô cứng tháo khuôn ra, chà bóng.

Bức tường nâu tạo cảm giác ấm, gần gũi với… đất nhưng không lây bẩn sang quần áo. Công nghệ đổ tường đất này phải nhờ đến một chuyên gia từ Anh qua thực hiện. Giá thành cao gấp khoảng 3 lần xây bằng xi măng.

Tất cả cột, kèo, cửa sổ… đều bằng gỗ, mái che bằng lá rừng. Nội thất cũng đơn giản, từ cái gạt tàn thuốc lá bằng vỏ dừa khô đến tủ, giường nằm đều bằng gỗ đơn sơ. Phòng nghỉ của Mango Bay thực hiện 3 không: Không TV, không điện thoại và không máy lạnh.

Khu nghỉ có vẻ chỉ dành cho những người… trốn chạy cuộc sống công nghiệp. Tất cả các nhà nghỉ đều hướng ra biển, nằm biệt lập, cách nhau khoảng vài chục mét, ẩn hiện dưới những lùm cây. Ngay cả nhà vệ sinh và phòng tắm cũng chẳng có phòng riêng, chúng được bố trí phía sau mái nhà trống trải với không gian rộng đầy nắng và gió.

Những con bò của dân trên đảo vẫn ung dung gặm cỏ quanh những ngôi nhà nghỉ. Chẳng có ai xua đuổi chúng vì du khách muốn thế.

Mango Bay có cả một tổ chuyên bảo vệ và trồng rừng. Ông Dominic còn là Phó Chủ tịch Hội bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam. Vì thế nhân viên của Mango Bay nếu bắn, giết động vật hoang dã thì ngay lập tức phải nghỉ việc.

Mẫn kể: Có lần anh ra sân bay đón một ký giả người Mỹ, về đến khách sạn anh này xin được gặp Giám đốc để phỏng vấn. Khi cô nhân viên chỉ vào Mẫn thì anh ký giả nọ mới ồ… lên vì cứ tưởng anh là dân… xe ôm. 

Tôi hỏi cuộc sống của gia đình anh bây giờ thế nào? Vị giám đốc “áo thun, dép lê” này cười thân thiện nói: Tôi vẫn ở căn nhà lợp tôn lụp xụp như ngày nào chạy xe ôm. Lương và các khoản khác được trên 5 triệu đồng/tháng, tất cả dồn cho 2 đứa con (một trai một gái) đang học Đại học Quản trị Kinh doanh ở Cần Thơ. Vợ tôi cũng không còn đi bán cá ở chợ nữa, cô ấy đang học tiếng Hoa. Học để hi vọng tìm kiếm việc làm cho tương lai.

Giám đốc Mẫn cho biết: Vào mùa bấc (từ tháng 11 đến tháng 5) khách phải đăng ký trước mới có phòng. Khách đến với Mango Bay chủ yếu là người Đức (khoảng 60%), còn lại đến từ Anh, Pháp, Úc…

Nhiều du khách cho biết họ đến với Mango Bay theo thông tin từ báo chí đăng tải trên nước họ. Khi nâng cấp lên khách sạn 5 sao thì chúng tôi vẫn ưu tiên phát triển mô hình nhà nghỉ một tầng với 156 chiếc.

MỚI - NÓNG