Xí nghiệp May Thanh Niên 8X

Xí nghiệp May Thanh Niên 8X
TP - Phan Ngọc Minh (24 tuổi, Phó Bí thư Đoàn phường Hòa Phát, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cùng ba bạn trẻ thế chấp sổ đỏ vay gần 200 triệu đồng mở xí nghiệp may thanh niên, tạo việc làm cho hàng chục lao động.
Xí nghiệp May Thanh Niên 8X ảnh 1

Công nhân tại xí nghiệp may Thanh Niên (Đà Nẵng)  -ảnh Nguyễn Huy 

Gần một năm hoạt động, cơ sở may (tại tổ 38 Hoà Phát) ngày càng khang trang với hơn 30 lao động. Minh kể: “Khi Hoà Phát được chia tách và nâng từ cấp xã lên phường, thấy nhiều thanh niên thiếu việc làm vì đất nông nghiệp bị đô thị hoá, chúng tôi nghĩ nên làm cái gì đó.

Từ đó, Minh cùng nhóm bạn Trần Thị Thu Hà (công nhân Cty may mặc 29 - 3 Đà Nẵng), Tuấn và Lương (làm nghề xây dựng) chơi thân với nhau từ nhỏ, bắt tay vào những dự án mới.

Năm 2005, nhóm thành lập mô hình trang trại tạo việc làm cho hơn chục thanh niên. Năm 2006 – 2007, họ hướng vào kinh doanh internet, nuôi trồng thủy sản... Nhưng vốn ít, thiếu kinh nghiệm nên các dự án lần lượt bị phá sản.

Cuối năm 2007, tôi đưa ra ý tưởng mở xí nghiệp gia công hàng may mặc, Hà cho biết. Cả nhóm bàn cách thuyết phục bạn bè, gia đình để vay tiền. Phân tích mãi gia đình mới tin tưởng và đồng ý đưa cho sổ đỏ thế chấp vay hơn 20 triệu đồng” - Minh kể.

Xí nghiệp May Thanh Niên 8X ảnh 2
Minh động viên công nhân xí nghiệp may Thanh Niên  Ảnh: Nguyễn Huy
“Còn nhiều công nhân bị mất việc rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nên tới đây bọn mình cố gắng mở rộng đối tác và quy mô của xí nghiệp để tạo thêm nhiều việc làm cho các bạn trẻ - Phan Ngọc Minh cho hay”.

Cuối cùng mỗi người cũng kiếm đủ số tiền 40 triệu đồng, góp chung mua sắm máy móc, thuê khoán mặt bằng mở xí nghiệp. “Khi tham khảo giá đất thị trường, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì giá thuê quá cao. May có gia đình vợ của Lương đồng ý hỗ trợ chỗ đất trống  để cho bọn mình mở xí nghiệp”.

Tháng 3/2008, xí nghiệp chính thức đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, thu nhập trung bình của công nhân đạt gần hai triệu đồng/tháng. Ngoài ra, xí nghiệp hỗ trợ 50.000đồng/tháng tiền thuê nhà cho mỗi công nhân.

Chị Trần Thị Vân Anh, tổ trưởng tổ quản lý công nhân, Xí nghiệp may Thanh Niên, tâm sự: “Ban lãnh đạo, hoạt động trong phong trào Đoàn Hội nên, ngoài giờ hành chính, xí nghiệp tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, sinh nhật, liên hoan, khiến công nhân vui vẻ, thân thương như gia đình”.

Chị Hoàng Thị Thuận (27 tuổi, huyện Phong Điền, TT - Huế) công nhân xí nghiệp, nói: “Lặn lội nhiều nơi mới tìm được một chỗ làm, bất ngờ công ty bị phá sản nên mất việc. May gặp đúng lúc xí nghiệp tuyển lao động, giờ thì đời sống của mình đã ổn định hơn nhiều”. Được công ty hỗ trợ tiền trọ, chị Thuận cùng một số công nhân khác ở chung tiết kiệm nhiều chi phí sinh hoạt.

Không riêng chị Thuận, anh Nguyễn Văn Huy (25 tuổi, quê Gia Lai), sau hơn bảy năm lăn lộn làm đủ nghề ở TP.HCM giờ mới tìm được sự yên ổn ở Xí nghiệp Thanh Niên.Ngoài đảm bảo đời sống cho mình, mỗi tháng Huy gửi về nhà gần một triệu đồng phụ giúp hai em đang học đại học ở Tây Nguyên...

MỚI - NÓNG