Xoay sở với 2 triệu đồng

Xoay sở với 2 triệu đồng
TP - Trần Thu Trang bây giờ là một cái tên nổi tiếng. Sách tái bản liên tục, và cái gì Trang viết ra cũng… bán được. Cho nên khi nghe tác giả thật thà công bố, thu nhập bình quân của cô chỉ được “hai triệu mấy một tháng” (lời nguyên văn) không khỏi giật mình.

Thế mà Trang vẫn xoay sở được để tiếp tục gắn bó với việc viết lách.

Xoay sở với 2 triệu đồng ảnh 1
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thu nhập đủ nuôi mình và một con mèo

Nghe Trang công bố mức thu nhập bình quân thế này nhiều fan hẳn rất choáng?

Nhiều người nhìn sách của tôi ra đều cũng tưởng Trần Thu Trang giàu lắm. Nhưng mức thu nhập hai triệu mấy đó là còn tính cả tiền viết báo, tiền chụp ảnh và làm vô số việc linh tinh khác.

Chỉ trông vào tiền bán sách và ngồi chờ mức nhuận bút của các nhà văn best-seller nước ngoài thì chết chắc.

Chủ nhân của “hai triệu mấy” phân chia số tiền đó như thế nào?

Nó được chia đều cho xăng xe, thuê bao internet, điện thoại, ăn uống, bao gồm cả của mình và một con mèo. May mà nhà cửa ở nhờ của mẹ. Có giai đoạn nhà xây lại, phải đi ở thuê, cũng lao đao.

Thực ra thu nhập từ sách của Trang so với các nhà văn khác vẫn là cao, vì mật độ tái bản khá dầy?

Cũng nhờ vào những “cục” được trả một lúc vậy nên tôi mới có khoản để đầu tư vào những thứ đắt tiền, như máy ảnh hay laptop chẳng hạn. Kinh nghiệm xương máu là nếu có tiền thì tống ngay vào ngân hàng, và đến lúc cần sẽ có cái để trông vào. Tôi coi mấy cuốn sách như “của để dành”.

Một nhà văn trẻ biết lo xa, hiếm đấy chứ?

Từ nhỏ tôi đã được mẹ giáo dục cho tình yêu vô biên đối với tiền nên ít khi xa xỉ. Tôi biết cân đối trong điều kiện của mình. Có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít.

Có khi nào bị bức bách vì tiền không?

Bị nhiều chứ. Cũng may là vận hạn qua nhanh. Thường tôi tự cứu mình bằng cách đưa câu “Tiền ơi mày ở đâu?” lên blash, thế là sau đó kiểu gì cũng có cơ hội kiếm tiền.

Đã biết cách ra giá

Thực ra, cơ hội kiếm tiền với một người năng động như Trang không hiếm, thu nhập thấp là thái độ lựa chọn hơn là “cùng đường”, đúng không?

Một phần. Vì thực ra tôi cũng không phải người có nhiều nhu cầu trong cuộc sống. Trong gia đình cũng không phải nuôi ai.

Có thời điểm có cơ hội để đẩy thu nhập lên gấp hai, gấp ba nhưng tôi biết cái giá phải trả là gì. Là mất thời gian, là già, là mệt, là nô lệ của tiền. Nên thôi, bằng lòng với cuộc sống của một trung lưu hạng dưới.

Có người từng cộng tác với Trang nói rằng Trang rất sòng phẳng và rõ ràng về tiền bạc?

Đấy là tính nết từ nhỏ của tôi. Tôi không thích làm cái gì không công. Hay nói đùa với bạn bè rằng: nhà văn Trần Thu Trang không cần tiền nhưng mẹ nhà văn thì cần, chó mèo của nhà văn cần.

Vui vậy nhưng tôi nghĩ, mình làm việc gì cũng là phải bỏ công sức và chất xám, cho nên mình xứng đáng được trả công để tái tạo sức lao động.

Nhiều người viết trẻ thường ngại khi phải ra giá và nói chuyện về tiền bạc, họ bị nhồi sọ rằng nhà văn mà dính vào cơm áo gạo tiền là kém sang. Trang không từng bị cảm giác ấy sao?

Tôi cũng đã từng ngại nói đến thù lao vì sợ bị đánh giá. Hậu quả là người ta trả một cái giá thấp thê thảm. Nên rút kinh nghiệm ngay, cần là nói giá từ đầu, để hai bên cùng thoải mái. Cũng phải trải qua nhiều mất mát (về tiền bạc), giờ tôi mới biết cách nói thẳng về tiền.

Trần Thu Trang định giá cho mình thế nào?

Nếu được thì tôi sẽ định rất cao. Vì tôi biết làm những việc mà nhiều nhà văn khác không làm được.

Ngoài viết, tôi biết chụp ảnh, biết tìm ảnh, biết thiết kế, làm bìa, PR v.v… Nếu tôi sống ở một nước có các khung giá trị rõ ràng, không nhập nhèm, chắc tôi giàu rồi.

Xa xỉ nhất là nước hoa

Nãy giờ toàn thấy Trang nói về những chi trả tinh thần, còn vài thứ xa xỉ nhưng rất cần với con gái thì sao, thời trang chẳng hạn, nó tác động đến cuộc sống của Trang như thế nào?

Tôi cũng mê thời trang nhưng vì điều kiện nên không thể sa đà. Tủ quần áo của tôi còn nhiều chỗ trống. Tôi học cách hài lòng với điều đó.

Những người làm nghệ thuật thường thích mình có một gu riêng trong ăn mặc, có thể không tốn nhiều tiền mà vẫn có gu không?

Có thể chứ. Với tôi, chất liệu cũng là gu. Tôi chỉ mặc hàng ngoại nhập hoặc hàng Việt Nam xuất khẩu vì thường có chất liệu tốt. Không bao giờ đụng đến quần áo Quảng Châu.

Kiểu cách tôi chọn luôn đơn giản, dễ phối. Tôi không mua nhiều nhưng mua là chọn cái tử tế. Cái áo chống nắng chuyên dụng của tôi giá 600.000đ, xa xỉ chưa?

Mỹ phẩm thì sao?

À, khoản này phải nói bé bé một tí không các hãng mỹ phẩm nghe thấy lại ghét. Là vì tôi chẳng bao giờ tốn tiền cho mỹ phẩm. Có lẽ tại nó quá đắt.

Thứ duy nhất tôi phải nghiến răng đầu tư là nước hoa. Cách dưỡng da của Trần Thu Trang là lấy lá lô hội bôi lên mặt. Cũng thỉnh thoảng mới làm vì lười.

Vì sao lại là nước hoa? Thông thường phụ nữ nghĩ đến nước hoa sau sữa rửa mặt và kem dưỡng?

Đơn giản nước hoa phục vụ cho việc viết lách. Các nhân vật của tôi toàn là gái sành điệu. Gái sành là phải dùng nước hoa. Và nhà văn bắt buộc phải biết những cái đó để miêu tả. Mùi hương rất khó tả nếu bạn không có trải nghiệm.

Nghề mới của Trang: chụp ảnh cưới

Xoay sở với 2 triệu đồng ảnh 2
Bắt đầu từ vụ chụp hộ bạn từ mùa cưới 2008, Trang đưa ảnh lên blog cho vui. Không ngờ nhiều người thích và rụt rè đặt hàng. Đa số những khách hàng của Trang cũng đều là người cá tính. Có chuyến, Trang một mình một xe lên tận Tây Bắc chụp trăng mật cho bạn.

Bây giờ, khách hàng đã kha khá, cô phải mua một máy ảnh xịn hơn, vì khách hàng ngày càng có nhu cầu phóng ảnh lớn. Có người muốn cả cái phông cưới của mình là ảnh hai vợ chồng, máy “phọt phẹt” đương nhiên không đáp ứng được những mong muốn này.

Trang là người có nhiều ý tưởng (điều này không cần chứng minh), cho nên khách hàng nào muốn có những bộ ảnh “không đụng hàng” gặp cô đều như cá gặp nước.

Không thể tin nổi, bộ ảnh trăng mật Trang chụp, cô dâu chú rể đều mặt mộc, thậm chí đôi cái mệt mỏi. Người duy mỹ nhìn vào ngán ngẩm, nhưng các nhân vật chính thì thích, là bởi nhìn vào đó họ thấy kỷ niệm, thấy tình yêu, cái mà những hiệu photoshop không làm được.

Gặp Trang mùa này rất khó, lúc nào cũng “chị chờ em tí, đang bận mấy vụ ảnh cưới”. Thế nhưng, cũng chỉ làm cầm chừng. Không ham nhận xô bồ, vì như vậy dễ thành “hàng chợ” và lại thành “nô lệ của tiền”.

Đủng đỉnh để còn có thời gian đi chơi, hóng hớt và ăn hàng. Trang thích đi ăn một mình. Tất nhiên, việc nào cũng có lý do cả. Vì chúng đều là những vốn liếng mà sau này Trang đưa vào tác phẩm.

MỚI - NÓNG