Xuân về, sinh viên ở trọ: Nháo nhác gửi đồ

Xuân về, sinh viên ở trọ: Nháo nhác gửi đồ
TP - Hàng trăm ngàn sinh viên rời các thành phố lớn về quê, một tuần trước và một tuần sau Tết, nhao nhác chuyện đi về và gửi đồ.
Những năm trước, khi không có chỗ nào để gửi xe máy cư dân ét vê xịt lốp xe đạp, xả hết xăng xe máy, mua thêm dây xích cửa phòng. “An toàn hay không thì sau tết mới biết”, Trần Quang Bắc - sinh viên khoa Sử - ĐH Khoa học Huế, nói.

ĐHQG TPHCM có khoảng 50.000 SV của sáu trường ĐH và đơn vị thành viên. Tết này khoảng 200 sinh viên (SV) ở lại ký túc xá (KTX).  Mỗi SV nhận quà tết khoảng 150.000 đồng.

Ngoài ra, nhà trường còn liên hệ với các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để tổ chức Tết cho SV trong KTX  tại hai địa điểm. Tiệc mừng năm mới, ngoài bánh chưng, mai vàng và rượu đào, ban giám đốc ĐHQG TPHCM, lãnh đạo KTX sẽ đến chúc các trò một năm mới may mắn và thành công.

Năm nay, có 54 SV Trung Quốc ở lại dịp tết cổ truyền, ĐHQG TPHCM cũng đang lên phương án để ngày tết của các SV xa nhà thắm đượm tình cảm gia đình Việt Nam khi xuân đến.

SV về quê ăn tết (hai tuần, trước và sau Tết)  không phải lo gì về tài sản của mình bởi nhà trường luôn có lực lượng bảo vệ hùng hậu làm nhiệm vụ.

ĐHQG Hà Nội cũng đang tập hợp kế hoạch cụ thể của các trường thành viên để tổ chức tết cổ truyền cho họ SV ở lại KTX ăn tết.

Với khoảng 4.000 SV trong KTX, ĐHQG HN chỉ có khoảng vài chục SV ở lại ăn Tết. Những SV có khó khăn được nhà trường hỗ trợ kinh phí để về quê.

Số SV ở lại KTX ăn tết chủ yếu là SV nước ngoài như các bạn Lào và Campuchia. Nhà trường tặng bánh chưng, bánh kẹo, rượu và tổ chức đón giao thừa cho họ.

Ông Đào Văn Hải - GĐ TT hỗ trợ sinh viên ĐHQG  Hà Nội cho biết, SV về quê có thể gửi đồ ngay tại phòng ở của mình mà không phải chuyển đồ đi nơi khác.

Tại ĐH Sư phạm Hà Nội, sân trường không náo nhiệt chỉ vì các SV năm thứ ba và thứ tư  đi thực tập từ  trước Tết. Số còn lại nghỉ hai tuần như SV các trường ĐH khác ở khu vực Hà Nội. Các SV này tổ chức biểu diễn văn nghệ,  liên hoan tất niên  trước khi về quê.

Ở ĐHBK chỉ bắt gặp những  SV trong chiếc áo tình nguyện (chủ yếu SV Hà Nội)  tình nguyện bảo vệ KTX trong dịp tết mặc dù trường này thuê hẳn một  công ty bảo vệ.

Về ăn tết nhưng SV ĐHBK không được nghỉ ngơi hoàn toàn. Những ai chưa thi thì cả trước và sau Tết, đều phải thi; ai thi rồi thì cũng có cả mớ  bài tập.

ĐH Kinh doanh & Công nghệ HN là một trường dân lập, không có KTX nên không phải lo việc giữ đồ cho SV hay việc lo ngày Tết cho họ.

Sau Tết, ngoài hai tuần nghỉ, liệu có khả năng SV sẽ theo đà ở lại quê nhà hưởng thêm không khí xuân với gia đình không? Ông Lê Văn Toàn, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh & Công nghệ HN, khẳng định là không.

“Trường thực hiện chế độ trừ điểm chuyên cần, và điểm này sẽ ảnh hưởng đến việc SV có được thi hay không”.

Gửi đồ chưa hết lo

Trên các diễn đàn, sinh viên  nháo nhác hỏi nhau “gửi đồ về Tết ở đâu?”. Nhiều trung tâm như 4.mua.vn đăng tin nhận trông đồ điện tử, xe máy qua tết. Chi phí mỗi món đồ giá 20.000 đồng/ngày và khách hàng được bảo lãnh bằng tiền mặt.

Nhiều sinh viên có kinh nghiệm khuyên không nên gửi vào những địa chỉ chưa đáng tin cậy vì sợ bị luộc, tráo đồ.

Ngược lại với sự an tâm về đồ đạc của những sinh viên được ở trong KTX, hầu hết sinh viên ở trọ ôn thi cuối kỳ vừa tất bật tìm chỗ gửi đồ. Chưa gửi được đồ đã đành, gửi được chưa hẳn hết lo.

Ngày 20 âm lịch, thi môn cuối cùng mới được về quê Hà Tĩnh đón tết với gia đình nhưng Lê Trung Sơn, sinh viên khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa (Hà Nội), đã gửi đồ gọn ghẽ ở nhà người quen từ mấy hôm trước.

Sơn cho biết những món đồ giá trị trên 100.000 đồng như quạt, bếp ga, máy tính, tivi... đều phải mang đi gửi.

Không phải ai cũng may mắn như Sơn. Hầu hết sinh viên các xóm trọ không có chủ nhà hoặc có chủ nhưng họ nói thẳng “tự bảo quản, mất không chịu trách nhiệm” đều chung nỗi lo gửi đồ. Hạnh nhà ngõ 81 Phùng Khoang nói: Tìm được chỗ gửi là may.

Ít sinh viên có may mắn như Nguyễn Cao Bắc, Khoa Thể dục, ĐH Sư phạm Vinh (TP Vinh, Nghệ An). Chủ nhà bỗng nhiên nhận trông nhà cho cả xóm. Xóm Bắc có hơn 10 phòng nằm trong hẻm phường Bến Thủy.

Ngày thường, điện thoại, quần áo đang phơi, mất như cơm bữa. Tết này chủ nhà lắp thêm bóng điện chong cả đêm, và mua thêm dây xích khóa cổng.

Tuy nhiên những món đồ như xe máy, sinh viên phải cố mà chạy về quê nếu không gửi được nhà người quen.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.