Xuất ngoại làm sếp: chiến lược nguồn nhân lực

Xuất ngoại làm sếp: chiến lược nguồn nhân lực
Ở các tập đoàn lớn tại VN, nhiều nhà quản lý (manager) trẻ tuổi  được “xuất khẩu lao động” ra nước ngoài nhưng không phải để thực tập mà làm “sếp” trong hệ thống toàn cầu của các tập đoàn.
Xuất ngoại làm sếp: chiến lược nguồn nhân lực ảnh 1
Nguyễn Hải Hà (bìa phải), 30 tuổi, đang là trưởng nhóm châu Mỹ, chuyên nghiên cứu thị trường vận tải khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latin của Tập đoàn AP Moller - Maersk - Ảnh: CTV

Bà Nguyễn Phượng Loan, phó chủ tịch phụ trách nhân sự của Tập đoàn Unilever VN, cho biết hiện có gần 20 người VN đang đi làm quản lý cho Unilever tại các nước châu Á ở các lĩnh vực marketing, phát triển khách hàng, tài chính (kiểm toán khu vực), nhân sự, sản xuất...Và tất cả đều ở lứa tuổi 28-30. Theo kế hoạch, họ có thể đi làm việc từ 1-3 năm.

Các công ty khác như Coca Cola VN, AP Moller - Maersk (Maersk VN), P&G VN... cho biết họ cũng đang thực hiện chương trình này. P&G VN hiện đang có 10 nhà quản lý cấp cao trẻ tuổi người Việt đang làm việc ở Singapore, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Đức với các chức danh quản lý ngành hàng, nhãn hàng, siêu thị..., trong đó cao nhất là phó tổng giám đốc ngành hàng khu vực Đông Nam Á, Úc và Ấn Độ.

Còn tập đoàn vận tải nổi tiếng Maersk  hiện có sáu người VN làm tại Singapore, hai tại Trung Quốc, một tại Mỹ và một ở Đan Mạch, trong đó có hai người là nhà quản lý cao cấp.

Nguyễn Hải Hà, 30 tuổi, cách đây hai năm làm phụ trách marketing khu vực Đông Nam Á của Maersk tại Singapore, còn bây giờ là trưởng nhóm châu Mỹ, chuyên nghiên cứu thị trường vận tải khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latin.

Nằm trong chiến lược phát triển của các công ty, đây là một bước mới để chứng tỏ nhân sự cao cấp người Việt hoàn toàn có khả năng lãnh đạo khi làm việc trong môi trường toàn cầu. Các nhà quản lý được bổ nhiệm và linh động tạo điều kiện để chứng tỏ khả năng của mình ở mức cao nhất.

Bà Phượng Loan kể: “Một người đang làm quản lý một nhãn hàng ở VN có thể đi phát triển chính nhãn hàng đó ở một nước khác. Hoặc đôi khi chuyển sang quản lý một ngành hàng khác. Thường họ làm ở vị trí bằng hoặc cao hơn ở VN, mà với Unilever, nhân sự cao cấp nhất VN đang làm ở nước ngoài là trưởng nhãn hàng khu vực hay giám đốc nhân sự. Họ có cơ hội cọ xát với môi trường làm việc ở nước ngoài, phụ trách nhân viên người nước ngoài, học hỏi nhưng đồng thời cũng phổ biến những kinh nghiệm của mình cho người ta”.

Phó chủ tịch phụ trách nhân sự của Unilever VN Nguyễn Phượng Loan: “Qua việc đưa những nhân sự cao cấp người VN ra nước ngoài làm việc, chúng tôi muốn khẳng định rằng người VN xứng tầm trong top nguồn nhân lực của Unilever châu Á - Best Asian Leaders”.         

Tháng 11-2006, cô Trần, một sếp VN, sẽ sang làm việc ở Unilever Nhật Bản để phụ trách quản lý phát triển nhãn hàng khu vực.

Giám đốc nhân sự của một công ty cho rằng việc đưa các nhà quản lý cao cấp người VN ra nước ngoài làm việc là nằm trong kế hoạch phát triển của công ty đó. Đặc biệt khi VN gia nhập WTO, các tập đoàn toàn cầu tại VN không chỉ muốn có nhân sự cao cấp sắc bén về tài quản lý, mà còn phải có khả năng làm việc với đối tác vùng hay châu lục; hiểu biết về kinh doanh quốc tế, ứng xử phù hợp và vượt qua những cách biệt về văn hóa trong giao tiếp.

Nguyễn Hải Hà (Tập đoàn Maersk) trước đây phụ trách nhân viên người châu Á, nay làm sếp các nhân viên Đan Mạch và Colombia. Anh nói: “Mình phải xem xét kỹ là đang làm việc với ai, văn hóa của họ như thế nào để có cách tiếp cận hiệu quả nhất”.

Bắt đầu với chiến lược đào tạo để nội địa hóa nguồn nhân lực, các công ty săn đón sinh viên từ trường ĐH đưa về đào tạo, rồi tung ra các chương trình quản trị viên tập sự, học bổng khởi đầu bởi Unilever VN năm 1998, sau đó là P&G VN, Coca Cola VN... dành cho SV giỏi sắp tốt nghiệp ở các trường ĐH.

Với Maersk VN, chương trình nhằm đào tạo những nhân viên quản lý nòng cốt làm việc khắp toàn cầu. Mục đích của các công ty: sau hai năm, những quản trị viên tập sự, SV giỏi được nhận vào có thể lên làm quản lý, những người xuất sắc thì lên làm giám đốc lĩnh vực; điều này chứng tỏ VN có những nhà lãnh đạo có thể làm việc khắp toàn cầu. Nguyễn Hải Hà của Maersk hay nhiều nhà quản lý cao cấp của Unilever VN cũng từng là SV các trường kinh tế, ngoại thương bắt đầu bằng chương trình quản trị viên tập sự như thế.

Theo Vũ Thanh Bình
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.