Xúc động trước Lá thư tuyệt mệnh của một tình yêu bị ruồng bỏ

Xúc động trước Lá thư tuyệt mệnh của một tình yêu bị ruồng bỏ
TP - Bài viết (thực ra là tâm sự gan ruột của tác giả và là chị của nhân vật chính). Lá thư tuyệt mệnh của một tình yêu bị ruồng bỏ đã làm xúc động rất nhiều bạn đọc mọi lứa tuổi. Tiền phong xin trích đăng một số trong rất nhiều ý kiến mà bạn đọc đã gửi đến Tòa soạn.

>> Mời các bạn tham gia "Diễn đàn tuổi Teen"

Hãy ra khỏi ký ức buồn đau

Đọc xong bài báo này, tôi đã rất phẫn nộ, bạn bè cùng lớp tôi cũng vậy. Tại sao yêu đương mặn nồng, đã “đầu gối tay ấp” và vẫn tàn nhẫn với nhau đến thế.

Là con gái (tôi cũng đang yêu), tôi hiểu được sự chịu đựng nhẫn nại của bạn để tình yêu của mình được bình yên, để mọi chuyện tốt đẹp hơn.

Nhưng bạn đã quên mất một điều là khi chúng ta đã dâng hiến cho đàn ông sự trong trắng của mình, cũng là lúc chúng ta rơi vào thế yếu.

Chúng ta càng níu kéo, càng chiều chuộng lại càng bị yếu thế. Bạn đã dùng tình cảm, dùng thể xác, dùng sự nhẫn nhục của mình để cứu tình yêu, nhưng rất tiếc tình hình càng ngày càng tồi tệ.

Người yêu bạn đã gọi bạn là “con đĩ”, “đồ khát trai”… thú thật tôi chẳng biết phải diễn tả cảm giác ấy như thế nào nếu tôi bị người yêu gọi như thế. Anh ta đã khinh bỉ bạn (chứ không phải là thiếu tôn trọng).

Đọc bài báo, cả nhà tôi đều ôm nhau khóc!

Sau khi bài kể báo trên phát hành một ngày, Diễn đàn tuổi teen đã nhận được bức thư của một phụ huynh tên là Nguyễn Văn Thưởng, Thọ Đa,  Hiệp Lực, Ninh Giang, Hải Dương.

Trong thư tác giả viết bằng một giọng văn đớn đau, xót xa. Thư có đoạn: “Đọc xong bài viết Lời tuyệt mệnh của một tình yêu bị ruồng bỏ, của tác giả Đỗ Thị Huế trên Diễn đàn tuổi teen, cả gia đình tôi đều ôm nhau khóc.

Số phận của người em gái nhỏ trong bài viết này sao giống số phận của Dạ Lan- con gái  tội nghiệp chúng tôi. Chỉ tiếc rằng, con gái tôi đã qua đời…”.

Tác giả cũng đã gửi kèm một lá thư tuyệt mệnh của Dạ Lan, viết về những đau khổ trong tình yêu khi lên Hà Nội học đại học.

Chúng tôi sẽ trích đăng bài viết của tác giả Nguyễn Văn Thưởng và thư tuyệt mệnh của Dạ Lan (cô gái đã tự tử vì tình) trong số báo tới trên Diễn đàn tuổi teen.

 Người phụ trách 

Đau lòng thay, khi anh ta lại cho rằng, mình được quyền cặp với người này người khác, trong khi bạn một mực yêu anh ta mà vẫn nhận được câu tuyên ngôn (từ anh ta):

Đàn ông được quyền như thế. Có lẽ tôi không có lời nào để miêu tả cái thiếu văn hóa, cái tệ bạc, cái vong ơn bội nghĩa… của người đàn ông này.

Tôi thông cảm, chia sẻ và tận đáy lòng mình tôi cũng thấy đau khi trong tình yêu lại có một cô gái bị tổn thương như thế.

Bạn đã không tâm sự với ai (có thể chuyện đã vượt quá mức tâm sự cho ai nghe?), mà chỉ ghi vào dòng nhật ký. Buồn, chán, tuyệt vọng… bạn đã tìm đến cái chết. Rất may bạn đã không chết.

Tôi nói thật, bạn đã quá dại dột, thậm chí ngốc nghếch. Sao bạn lại tìm đến cái chết bởi một kẻ bạc bẽo như thế?

Có lẽ bố mẹ bạn, chị bạn (chị Đỗ Thị Huế) đã đau lòng và cảm thấy bị xúc phạm khi bạn dám bỏ tất cả chỉ vì một người như thế.

Tôi không bao giờ đồng tình với cách cách nghĩ nông cạn như vậy của bạn.

Đã đành tình yêu có lý lẽ riêng, nhưng bạn nên quên đi mối tình cay đắng này (mặc dù bạn được quyền buồn, được quyền nuối tiếc).

Chưa là vợ chồng, chưa phải chịu sóng gió của cuộc sống, chưa hy sinh cho nhau… mà anh ta đã không ngần ngại xúc phạm bạn bằng cái ngôn ngữ chợ búa ấy, thì thử hỏi nếu cưới nhau, sống với nhau, bạn sẽ thành cái gì trong gia đình, trong cuộc sống của anh ta.

Bạn hãy đứng dậy, bước ra cái vòng luẩn quẩn ấy. Ngoài đường trời vẫn xanh, cuộc sống vẫn vô cùng đáng yêu, hãy đi ra khỏi căn phòng đầy những ký ức buồn đau ấy. Hãy vươn vai đứng dậy, lớn lên sau chuyện buồn này bạn ạ.

Từ đáy lòng của một cô gái, tôi mong bạn hãy chứng tỏ cho con người phụ bạc ấy rằng,  không có anh ta, không có tình yêu của anh ta, bạn vẫn có thể sống vui vẻ, học hành giỏi giang và thành đạt.

Minh Giang
ĐH Sư phạm Hà Nội

Nghĩ đến gia đình và đừng làm điều dại dột

Đọc bài báo này tôi thật sự buồn. Buồn bởi giới trẻ bây giờ đang vấp ngã quá nhiều trong tình yêu. Khi yêu, họ không giữ nổi mình để rồi nhận nỗi đau trong tâm hồn, hơn nữa để lại nỗi thất vọng lớn trong niềm tin yêu của gia đình đối với họ.

Thế nhưng, không ai khôn lớn mà lại không một lần vấp ngã. Điều quan trọng là sau khi vấp ngã, chúng ta phải biết đứng dậy và đi tiếp. Cha mẹ nuôi chúng ta khôn lớn không phải chỉ để một lần yêu và vấp ngã là đã nghĩ tới cái chết.

Điều quan trọng là bạn Huế đã có được một bài học về “khôn ba năm dại một giờ”. Nhưng bạn chưa mất tất cả, còn gia đình bạn đang mong chờ bạn đứng dậy và bước tiếp từ bài học đắt giá ấy.

Hơn nữa, bạn không nên quá đau lòng vì một người không đáng được yêu như vậy. Có điều gì ở người con trai ấy khiến bạn phải quyên sinh trong khi anh ta coi bạn chỉ là một thứ đồ chơi.

Tôi chỉ xin nhắc bạn một điều đó là tình yêu lớn nhất của mỗi chúng ta là gia đình, là cha mẹ những người yêu thương và tin tưởng chúng ta hết mực. Bạn phải nghĩ đến điều ấy trước tiên, mỗi khi quyết định điều gì.

 Trần Thị Anh Đào
K7, Thụy Điền, Tân Lập, Lập Thạch, Vĩnh Phúc

MỚI - NÓNG