Y Thiêm và kho báu chiêng, ché

Y Thiêm và kho báu chiêng, ché
TP - 10 năm gắn bó với công tác Đoàn, gần 30 tuổi mới thi Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đăk Lăk, gia cảnh thuộc diện trung bình nhưng trong nhà Y Thiêm Byă ở buôn Ea Bông, xã Cư Ea Bua,  Buôn Ma Thuột có hàng trăm chiếc chiêng.
Y Thiêm và kho báu chiêng, ché ảnh 1
Y Thiêm khoe chiếc ché tuk trước đây trị giá bằng một con voi có cặp ngà dài

40 chiếc ché quý, nhiều chiếc trước đây để có nó người ta phải đổi bằng cả một con voi; 7 chiếc ghế K’pan, 3 chiếc ghế J’hưng.

Còn  vòng tay, vòng cổ, chén đồng, chén đất, nồi đồng, gùi cổ... thì đếm không xuể.

Để có được kho tàng quý giá đó, 10 năm qua Y Thiêm đã đi khắp nơi, để “sưu tầm” ché, chiêng...

Thấy Y Thiêm khiêng toàn đồ cũ, đồ đã bị vứt về lau chùi sạch sẽ để nơi trang trọng nhất trong nhà, nhiều người chê Y Thiêm là gàn dở. Chỉ có ông già hàng xóm Ama Điêu động viên: “Giỏi lắm anh cán bộ Đoàn ạ. Già cứ lo sau này đến đời con, đời cháu chúng không còn được nghe tiếng chiêng, không biết uống rượu cần. Anh ráng đi tìm mà giữ lại nhé”.

Khó khăn nhất của Y Thiêm không phải chuyện tiền nong. Y Thiêm kể, chiếc ghế K’pan người ta vứt lăn lóc ở dưới gầm sàn nhà, đã bắt đầu bị mối gặm. Nhưng xin không cho, hỏi mua không bán, vì họ vẫn tiếc nó.

Họ nói, ngày xưa để làm được chiếc ghế này phải cúng hết mấy con trâu, huy động cả trăm ngày công mới vào rừng chọn được gỗ, đẽo được ghế. Y Thiêm phải tới lui năn nỉ cả tháng trời, cuối cùng người ta mới đồng ý đổi cho Y Thiêm lấy 7 tạ cà phê.

Có những bộ chiêng, chủ nhà xâu thành chuỗi vứt lăn lóc nhưng nhất quyết không chịu bán. Ai cũng biết, ngày xưa để có được bộ chiêng, cái ché, ông bà phải đổi hàng chục con trâu, hoặc cả đàn bò.

Như chiếc ché nhỏ Y Thiêm đặt trang trọng trong tủ kính giữa nhà, trước đây người ta phải đổi bằng một con voi có đôi ngà dài.

Để thuyết phục được chủ nhà giao những vật dụng đó lại cho mình cất giữ, Y Thiêm phải ngồi nói chuyện nhiều lần với họ để biết họ đang cần chiếc tivi, hay bộ ghế tiếp khách v.v…, Y Thiêm mua để đổi cho họ.

Ngoài ra, Y Thiêm còn có nhóm cộng tác viên đắc lực: Những người bán nhôm nhựa. Mỗi lần họ mua được món đồ cũ nào mang giá trị văn hóa từ các buôn làng, họ lại mang đến để được Y Thiêm trả giá cao.

Trở ngại lớn nhất của Y Thiêm là bị vợ ngăn cản.  Chị kể: “Nhà chỉ có 2 hécta cà phê, phải nuôi 3 đứa con đi học, mà gom được chút tiền nào Y Thiêm lại tha về toàn những thứ bán lại không được, mình xót của lắm.

Nhiều lúc thấy chồng hì hục lấy xe cày đi xa hàng trăm cây số chở cái ghế dài đến 15m, rất dễ bị công an phạt vì vi phạm luật giao thông, hoặc có thể bị người khác tông vào,  cản chồng không được mình chỉ muốn khóc”.

Y Thiêm cười: “Vậy mà mưa dầm thấm lâu, bây giờ cô ấy cũng mê sưu tập không thua gì mình”.

Bây giờ những đồ vợ chồng Y Thiêm sưu tầm được đã để chật cả nhà. Y Thiêm phải đem gửi bớt  trong nhà văn hóa cộng đồng của buôn.

Ước mơ của Y Thiêm là dựng được căn nhà dài đúng khuôn mẫu truyền thống để trưng bày những gì vợ chồng anh sưu tập được. 

Một ngày Y Thiêm nhận ra điều còn quan trọng hơn sưu tầm chiêng ché cổ, đó là phải học, phải biết cách sử dụng nhạc cụ dân tộc để truyền đạt lại cho lớp đàn em. 30 tuổi, Y Thiêm từng giữ chức Phó bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội LHTN xã.

Sau khi đam mê sưu tầm chiêng, ché, Y Thiêm  “xin phép” vợ thi vào trường Văn hóa Nghệ thuật để học đánh chiêng, thổi đinh năm, đinh pút, hát ey-ray, kưt.

Tốt nghiệp, Y Thiêm xin vào Phòng Văn hóa huyện Cư M’gar (Đăk Lăk). Tại đây anh mở hàng chục lớp sử dụng nhạc cụ dân tộc cho thanh niên tại các buôn làng.

“Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là công việc vinh quang của cả nhà ta” -  Y Thiêm vẫn thường động viên mọi người trong gia đình như vậy.

MỚI - NÓNG