Yêu hay học?

Yêu hay học?
Không thể phủ nhận có những mối tình đẹp và lãng mạn của thời sinh viên. Tuy nhiên, lối sống “tốc độ” ngày nay đã tác động đến nếp nghĩ của một bộ phận thanh niên về tình yêu.

Nhiều sinh viên thời nay có những cuộc tình chớp nhoáng, đến rồi lại đi như tia chớp. Đặc biệt ký túc xá - nơi những người trẻ xa nhà thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc của gia đình.

Tôi thực sự “sốc” khi nghe L. bạn tôi nói đã chia tay với người yêu. L. giải thích ngọt lịm: “Thà chia tay còn hơn, khỏi làm khổ nhau”.

Mặc dù vậy, nó cũng không khỏi day dứt: “Đâu phải dễ mà yêu một con người lại bỏ một con người. Khi mới lên đây học mình cũng buồn, L. cũng nhớ mà đau lắm chứ nhưng riết thành chai lì rồi đành chia tay. Thời buổi này mà, khó có tình yêu nào là mãi mãi”. L. cho rằng tình yêu bây giờ là sự trải nghiệm chứ không phải tìm bến đậu.

Quan niệm yêu thời @

T. học nhân văn thì khác. Cô bộc bạch: “Ai đã từng là dân ở ký túc xá (KTX) mới thấu hiểu nỗi lòng bị... giam lỏng ở đây. Ở KTX nghĩa là xa nhà, mà đã xa nhà là buồn, là nhớ, là thiếu thốn đủ bề, mà lớn nhất là sự quản lý gắt gao của cha mẹ. Và những lúc này cái mình cần là chỗ dựa tinh thần và san sẻ yêu thương”.

Đa số các bạn ở KTX khi được hỏi đều cho rằng “cuộc sống xa nhà cho thấy mình đã trưởng thành, đã đủ lớn, đủ chững chạc để có chính kiến riêng, để tự quyết định “số phận mình”. Tôi được chứng kiến nhiều sinh viên vừa chân ướt chân ráo vào KTX gặp ngay người mà họ cho rằng đó là đối tượng, là một nửa, là tình yêu đích thực, giống như là định mệnh, là “duyên phận ta phải chiều”...

Từ những quan niệm nhất thời như vậy, họ bắt đầu lao vào “vòng xoáy tình yêu” mà không biết đâu là đích đến. Tình yêu KTX mang nét “đặc thù” riêng: “Năm nhất kiêu, năm hai xiêu, năm ba yêu, năm tư... chiều”, nhưng đó vẫn là “tiến độ” chậm hơn nhiều so với thực tế sôi động!

Những cuộc tình chóng... tàn

Đầu học kỳ một năm nhất dân KTX T., không thiếu... chuyện xung quanh sự cặp kè giữa T.L (sinh viên nhân văn) với anh chàng điện tử (Bách khoa), 2 tháng sau lại là anh... cơ khí (Bách khoa). Cuối cùng sang học kỳ hai, nàng quyết định sóng đôi cùng anh bạn cùng lớp.

H.T (sinh viên nhân văn) thì khác. Gặp S. (khoa kinh tế) ở phòng đọc, mặc dù người cực Nam, kẻ cực Bắc, nhưng đã đến đây rồi thì cùng chung KTX, vậy là cùng chung... ái tình. Mối tình của họ nảy nở cùng bao hứa hẹn và mơ ước tươi đẹp. Bởi không ngày nào “cư dân” trong KTX không thấy hai anh chị kè kè như hình với bóng lê hết từ ghế đá này sang ghế đá khác, sang phòng đọc rồi ra quán cơm...

Và tối đến khi bảo vệ đi “đòi” ghế đá họ mới quyến luyến rời bước hẹn sáng mai lại... gặp (ở KTX, thường đóng cửa vào lúc 23 giờ, và bảo vệ đi nhắc nhở sinh viên về phòng).

Những ngày mưa, mặc dù S. không đi học cũng che dù “tiễn” nàng sang tận trường, rồi canh hết giờ, lại... chờ mưa mang dù sang rước nàng về... Chuyện kể ra cả ngày không hết và còn hơn tiểu thuyết diễm tình. Giống như cái cây kia sẽ chỉ cho toàn hoa thơm quả ngọt. Ấy thế mà đùng một cái, năm hai chàng chuyển sang KTX khác, cái mối tình ngọt ngào kia cũng nhạt dần và trở nên câm lặng.

Những tưởng H.T sẽ đau buồn. Nhưng không, vẻ mặt thẫn thờ và bóng hình cô đơn của H.T mất đi ngay đầu kỳ hai khi bên cạnh cô xuất hiện một chàng trai mới!

Đi "âu" là chuyện thường!

Cũng như cặp H.T - S., cặp V.H. nảy nở từ đầu năm nhất. Vì ở chung KTX nên họ có thể gặp nhau bất cứ lúc nào. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, huống gì ngày nào cũng gần nên họ “bén” khá nhanh. Bạn cùng phòng V. kể “nó đi “âu” (O - over night) là chuyện thường”. Kết quả là gần cuối năm nhất V. lại phải nhờ đến... Từ Dũ.

Từ làng Đại học Thủ Đức có tuyến xe buýt số 6 chạy ngang qua Bệnh viện Từ Dũ, dân sinh viên thường... đồn đại: “Xe buýt số 6 dừng ở Từ Dũ chỉ để “thả” sinh viên xuống thôi!”. Có lần tôi đi tuyến này và nói với bác tài: “Cho con xuống Từ Dũ”, thế là cả xe trố mắt nhìn tôi và cười. Tôi đỏ mặt tía tai, thực ra tôi vào siêu thị Cống Quỳnh chứ có... “tham quan” Từ Dũ đâu!

Đó chỉ là số ít trong vô số những chuyện tình trong lòng KTX. Ngọt ngào có, man trá có... chỉ tỉnh táo mới có thể nhận ra được khi ranh giới giữa chúng là quá mong manh, để cái được nhận trong tình yêu là ngọt ngào nhiều hơn chứ không phải cay đắng. Và hãy lấy tình yêu là động lực để học tập, là mục đích để tiến bộ chứ đừng xem là thú vui để giải trí.

MỚI - NÓNG