Yêu thương không giới hạn

Yêu thương không giới hạn
Ở Sài Gòn, từ vài năm nay đã có một cô gái cùng các bạn mình âm thầm lục lọi khắp hè phố tìm những chú chó, mèo bị vứt bỏ, mang về nuôi nấng chữa trị bệnh tật, rồi lại nhọc công tìm kiếm những địa chỉ "có đủ tình thương để trao gửi cho chúng một cuộc sống mới". Tên cô gái là Vi Thảo Nguyên.
Yêu thương không giới hạn ảnh 1

Năm nay 29 tuổi, từ lâu, số điện thoại của Nguyên trở thành "đường dây nóng" để tư vấn chữa trị, tìm chỗ ở, nhận nuôi chó, mèo bị vứt bỏ. Facebook của cô cũng toàn chuyện chó, mèo. Cô từng cười to, khi biết có người lưu tên mình vào điện thoại là "Nguyên… chó" (!).

Từ bức ảnh cũ

Cuối năm 2011, thông qua ông Robert Lucius, cựu nhân viên sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Nguyên và Dũng - một người bạn thân cùng sáng lập yeudongvat.org - đã đến dự hội thảo Best Friends - No More Homeless Pets ở Las Vegas.

Đây là hội thảo toàn cầu với hơn 2.000 khách mời từ các tổ chức, hiệp hội và cá nhân hoạt động trong công việc cứu giúp động vật. Sự có mặt của hai vị khách đến từ Việt Nam, một nơi nổi tiếng với món "mộc tồn" và hàng ngàn quán hàng "tiểu hổ" khiến các khách mời ngạc nhiên. Hầu hết trong số họ vẫn nghĩ rằng, ở Việt Nam, nơi chó, mèo được coi là một loại thực phẩm thì khái niệm yêu thương, cứu giúp các loại động vật nuôi là chuyện lạ.

Chính Thảo Nguyên cũng không thể lý giải được nguyên do nảy sinh "tình thương lạ lùng" ấy: "Lúc còn nhỏ, nhà mình chuyển từ Phan Thiết vào Sài Gòn. Sau nhiều năm, lục lại đống hình cũ, mình thấy một bức ảnh có chú chó nhà mình nuôi. Cảm giác rất lạ như thấy người bạn thân đã lâu không gặp. Mình đón xe đò về nhà cũ để tìm chú. Khi vào Sài Gòn, ba mẹ đã tặng chú cho gia đình hàng xóm. Bây giờ nhà hàng xóm chuyển đi nơi khác và chú chó cũng biệt tăm. Tự mình như thấy hụt hẫng như mất người bạn".

Kỷ niệm ngày thơ ấu đã trở thành một tình thương ám ảnh. Nguyên quyết không để những con vật gần gũi ấy bị hắt hủi. Một buổi sáng cách đây 5 năm, khi đi làm ngang công viên Tao Đàn, thấy một chú chó nằm bẹp dưới gầm nhà chờ xe buýt, người đầy máu me rất đáng thương, Nguyên quyết định quay lại mang chú lên xe và chở đến nhà một người bạn gửi nhờ để chiều tan sở mang về chữa.

Đó là phi vụ "giải cứu" đầu tiên của Nguyên. Mực, tên chú chó ấy, giờ vẫn sống khỏe mạnh cùng với gia đình Nguyên. Kể từ đó, mỗi lần ra đường, Nguyên có thói quen rất kỳ lạ là vừa chạy xe vừa... nhìn vào những bồn cây, góc đường, thùng rác… xem có chú chó, mèo bất hạnh nào bị vứt bỏ không, để mang về nuôi. Nguyên kể: "Khi ra đường, tai mình có thể nghe tiếng mèo kêu rất tốt, dù cách xa cả chục mét, đường rất ồn. Có lẽ cũng là cái duyên!".

Làm một phép tính đơn giản: Một con mèo sau một năm, theo cấp số nhân, có thể sinh ra hàng trăm con mèo con. Mèo quá nhiều mà điều kiện nuôi không đủ khiến chúng bị vứt ra đường hoặc trở thành mồi cho những kẻ săn bắt làm thịt. Công việc của Nguyên và các thành viên yeudongvat.org là vận động "kế hoạch hóa" cho chó, mèo.

Câu mà cô nghe nhiều nhất khi "đi làm công tác kế hoạch hóa vật nuôi" là "tôi đem cô đi… triệt sản, cô chịu không?". "Thực tế, rất nhiều người còn hiểu lầm triệt sản là ác độc trong khi đó là biện pháp được các tổ chức vì động vật khuyến cáo nhằm giảm thiểu những nguy cơ chó, mèo bị vứt bỏ, hành hạ", Nguyên giải thích.

Những vị khách bốn chân

Căn hộ chung cư 60m2 ở quận 6 của gia đình Nguyên trở thành "trại lưu trú" cho những chú chó, mèo bị vứt bỏ mang về từ khắp nơi. Trong diện tích khiêm tốn ấy, hiện tại, Nguyên nuôi đến 30 con mèo và 11 con chó. Số lượng các vị khách bốn chân tăng lên từng ngày. Sau khi được chữa trị, ai có nhu cầu nhận nuôi, Nguyên và các cộng tác viên yeudongvat.org sẽ xem xét trước khi đưa chúng đến.

Để có đủ chỗ cho số lượng "khách" đông đúc như vậy, gia đình Nguyên cải tạo hẳn một căn phòng để làm nơi ở cho chó mèo. Đồng cảm với tình thương của con gái, mẹ Nguyên tình nguyện trở thành một vú em, dọn dẹp, giữ vệ sinh cho "những vị khách". Không ít lần, đi đổ rác, bà lại mang những chú mèo tội nghiệp bị vứt bỏ đói khát trong thùng rác về nhà nuôi dưỡng. Hiểu được tấm lòng của Nguyên, khi thấy chó, mèo vứt ngoài đường, hàng xóm lại mang về cho cô cứu giúp.

Tháng 8-2010, Nguyên và 3 người bạn bắt tay thành lập mạng yeudongvat.org, đến nay, mạng này đã có hơn 2.000 thành viên chính thức. Nguyên không nhớ đã cứu bao nhiêu chú chó, mèo bị vứt bỏ ngoài đường. Trí nhớ của Nguyên như một cuốn sổ, ghi chép đầy đủ từng chi tiết từng số phận.

Lúc Nguyên còn làm việc tại First News, phía sau công ty là khoảng đất trống với rất nhiều mèo hoang trú ngụ, buổi trưa, cô gái lại lọ mọ mang đồ ăn đến cho chúng khiến rất nhiều người ngạc nhiên.

Có một câu chuyện về chú mèo Lucky được Nguyên và các bạn trong yeudongvat.org cứu giúp từng gây xúc động mạnh trên mạng.

Đó là một chú mèo nhỏ bị đánh đập hành hạ bê bết máu, hai chân sau bị đinh ghim xuống đất đến bại liệt. Sau khi được cứu chữa, để giúp Lucky di chuyển, Nguyên được ông Robert Lucius gửi sang Việt Nam 2 chiếc xe dùng cho… mèo. Nguyên đem mẫu đến tiệm cơ khí nhờ chế tạo, ông chủ tiệm phì cười: "Xưa giờ, tui mới thấy có người làm xe lăn cho mèo".

Với chiếc xe này, chú mèo Lucky có thể dùng hai chân trước để di chuyển với sự trợ giúp của bánh xe sau. Tấm hình Lucky với xe lăn khi đưa lên mạng đã gây xúc động mạnh. Một gia đình khá giả ở quận 5 khi nhìn ảnh đã trực tiếp liên hệ xin Lucky về nuôi và đặt tên thành Happy.

Còn rất nhiều những câu chuyện cảm động như chú mèo Happy của Nguyên và các thành viên yeudongvat.org. Họ đang cố sức từng ngày để những câu chuyện có kết thúc đẹp như thế. Nếu một ngày, vào Facebook của Nguyên hay yeudongvat.org, nhìn thấy những thông báo: "Đã tìm được địa chỉ nhận nuôi bé này rồi", xin bạn đừng ngạc nhiên.

Nguyên chia sẻ: "Tiêu chí của yeudongvat.org là cứu giúp và tìm một nơi đủ điều kiện và đủ tình thương yêu để cưu mang những con vật từng bị bỏ rơi, cho chúng cuộc sống mới thật tốt. Chúng tôi tổ chức các hoạt động gây quỹ, vẽ tranh cổ động, tuyên truyền nhằm đưa đến cộng đồng một góc cạnh khác về tình thương đối với các động vật nuôi trong nhà.

Chúng ta nghe nhiều câu chuyện và nhiều trách móc về bệnh vô cảm đang lan rộng trong xã hội. Nhưng qua số thành viên tăng vọt, qua sự ủng hộ của hàng xóm, gia đình và khi đến Las Vegas dự hội thảo, tôi hạnh phúc khi nhận ra, bằng cách này hay cách khác, tình nhân ái vẫn hiện diện khắp nơi. Ở nhiều quốc gia công nghiệp, tốc độ sống chóng mặt, chó, mèo trở thành người thân với những người cô đơn già yếu, là liệu pháp tâm lý cho những bệnh nhân trầm uất. Khi bạn yêu vật nuôi trong gia đình, bạn sẽ biết sống nhân ái với người xung quanh".

Theo Khoa Tư
Sinh viên Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...