Yêu người cùng cơ quan

Yêu người cùng cơ quan
Một ngày, bạn bỗng phát hiện trái tim mình đang lạc nhịp trước một người bạn cùng cơ quan. Bạn rất muốn tiến tới chinh phục cô ấy nhưng bạn chợt nhớ tới cụm từ quen thuộc “con thầy, vợ bạn, gái cơ quan”, bạn thấy lòng mình đắn đo, e ngại.

Đừng vội tìm cách ngăn chặn hay kiểm soát tình cảm bởi có thể bạn đang bỏ lỡ một mối tình lớn trong đời.

Vấn đề chỉ là ở chỗ bạn chuẩn bị tâm lý và tình cảm của mình đến đâu mà thôi. Vì chỉ cần biết vận hành đúng cách thì mối tình công sở sẽ là mối tình tuyệt vời nhất dành cho bạn.

1. Hãy xác định tình cảm của mình

Thực tế, điều kiện làm việc gần nhau, có cơ hội để hiểu nhau với chung nhiều mối quan tâm, bạn rất dễ có cảm giác xao xuyến với đồng nghiệp.

Chưa chắc, đó là tình yêu đương đúng nghĩa đâu. Bởi tình yêu đâu đơn giản chỉ là ở chỗ bạn thấy đồng điệu và có thể chia sẻ, thông cảm được với người ta.

Nhiều khi tính cách trái ngược hoàn toàn và chẳng cần có chung một mối quan tâm nào thì tình yêu vẫn có thể nảy nở giữa hai người như thường.

Rất có thể đó là một tình bạn thân thiết và chỉ có thế thôi. Lúc này, ngoài tiếng nói của trái tim và khối óc, bạn hãy lắng nghe tiếng nói của cơ thể mình nhé. Vì rằng, khi thực sự yêu ai nghĩa là bạn sẽ có mong muốn được gần gũi, được yêu thương, được chia sẻ những nụ hôn, những vòng tay và cả những điều hơn thế với người ấy.

Khi bạn chưa yêu, chắc chắn bạn sẽ không thể đủ sức mạnh để vượt qua những vấn đề của mối tình công sở. Chúng vừa làm mất thời gian, công sức của bạn, đồng thời lại còn có thể tạo nên những phiền phức không đáng có khác.

Đó là trường hợp của Hoài và Trường, họ cùng làm với nhau tại một công ty, tuy khác phòng nhưng công việc luôn phải tiếp xúc với nhau, chính vì vậy họ cảm thấy được chia sẻ rất nhiều trong công việc. Họ nhanh chóng nhận lời yêu nhau; nhưng tình yêu ấy thật chóng vánh.

Bởi hai người ngoài nói chuyện công việc thì không còn đề tài nào khác để bàn tới, thậm chí Trường có rất nhiều chuyện riêng tư cần chia sẻ nhưng lại không muốn nói với Hoài.

Lúc này họ mới hiểu ra rằng, tình cảm của họ chưa thể gọi là tình yêu; có chăng chỉ là sự mến phục và đồng điệu trong công việc mà thôi. Cũng may, sự nhạy cảm của phụ nữ cũng giúp Hoài sớm nhận ra điều đó và họ đã dừng lại đúng lúc để sau đó gặp nhau trong công việc họ vẫn thân thiết và thoải mái như chưa có chuyện gì xảy ra.

Đó là trường hợp ngộ nhận của những người khi làm chung với nhau, lầm tưởng tình đồng nghiệp thân thiết, gần gũi và hiểu nhau trong công việc là tình yêu.

Nhưng ngược lại, khi yêu người ta thật lòng, rất nhiều người sẽ có được những điều kiện thuận lợi nhất để tình yêu phát triển: sự gần gũi về thời gian, không gian, sự thông cảm trong nghề nghiệp, nhất là khi cả hai có khả năng hỗ trợ về công việc thì chắc chắn bạn sẽ thấy rằng chẳng ai có thể tuyệt vời hơn người ấy.

Và khi bạn vẫn hoàn thành tốt công việc của mình, cũng sẽ chẳng còn lý do gì để ai đó có thể dèm pha, cản trở hay gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của hai người.

2. Thận trọng trong cư xử

Yêu người cùng cơ quan ảnh 1
Hình minh họa

Khi đã xác định tình cảm của mình, bạn sẽ có cách để điều chỉnh lối cư xử của mình sao cho hợp lý, tránh gây xáo trộn cho bản thân và tác động đến sự tò mò của người khác.

Nhưng dù là tình yêu đích thực, hay chỉ muốn tìm hiểu xem đó có phải là một nửa của mình hay không thì tốt nhất bạn cũng nên hạn chế tối đa việc công khai mối quan hệ của mình (trừ phi hai bạn đã cưới nhau).

Nếu đó đúng là người bạn tìm kiếm, chờ đợi, điều đó sẽ giúp bạn tránh khỏi những điều phiền phức khi bị những người xung quanh dòm ngó, bàn tán về từng vấn đề dù là nhỏ nhất trong đời sống riêng tư của hai bạn.

Ngược lại, nếu có sự chia tay, như vậy bạn sẽ có thể thanh thản hơn để quên đi quá khứ và bắt đầu cuộc sống một cách dễ dàng hơn (so với trường hợp mọi người đều biết về mối quan hệ của bạn).

Nhìn lại vấn đề của Hoài và Trường đã đề cập ở trên thì có thể minh chứng rất rõ vấn đề công khai hay không công khai mối tình công sở cả mình. Nếu như vừa đến với nhau, họ đã vội vàng công khai, cho mọi người trong công ty biết về mối quan hệ của hai người thì câu chuyện sẽ rất phức tạp khi họ chia tay. Tại sao họ chia tay? Chắc Hoài thế nọ...? Chắc Trường thế kia..?

Những lời bàn ra tán vào là những chuyện như là tất yếu bạn phải nghe.Không những thế, khi hai người làm việc cùng nhau cũng sẽ trở thành đề tài bàn tán cả mọi người. Và chắc chắn một trong hai người sẽ không chịu được "áp lực" này.

3. Khi yêu hãy là người dũng cảm

Có một điều chắc chắn là bạn sẽ không tránh khỏi việc phải chịu trận trước những lời trêu đùa, chọc ghẹo và cả những lời khó nghe từ phía các đồng nghiệp khác.

Bởi quả thực, đề tài của mọi câu chuyện nếu không phải về bạn (cũng nhiều người khác nữa) thì chẳng nhẽ lại quay về chính họ sao? Và bạn cũng không nên cố gắng cải huấn hay đính chính bất kỳ lời bàn luận nào của mọi người. Bởi thế chẳng khác nào bạn cung cấp thêm thông tin cho họ bàn luận tiếp.

Để hạn chế những lời đàm tiếu, tốt nhất là bạn nên thống nhất với người yêu của mình là không ai trong số hai bạn đem vấn đề của mình ra “nhỏ to” với những đồng nghiệp thân sơ khác.

Khi có ai hỏi thăm, bạn không nên tỏ ra gắt gỏng, khó chịu mà nên chuyển hướng câu chuyện một cách nhẹ nhàng sang chủ đề khác hoặc chấp nhận khai báo một số thông tin chung nào đó. Nên nhớ, nếu bạn khó chịu hay tỏ ra bối rối, lo lắng với dư luận, chắc chắn những dự đoán về câu chuyện của bạn sẽ trở nên phong phú hơn bao giờ hết.

4. Dự phòng sẵn những tình huống xấu

Một điều cũng nên lưu ý là thái độ của sếp trong vấn đề yêu đương cùng cơ quan. Nếu sếp bạn là người thoải mái thì sẽ chẳng có gì ảnh hưởng xấu đến tình cảm của hai bạn, thậm chí còn ngược lại nữa đấy.

Nhưng nếu các sếp không hài lòng, bạn sẽ phải cố gắng rất nhiều, rất nhiều trong công việc để có thể tránh làm phật ý sếp. Ngoài ra, một trong hai bạn cũng có thể phải đổi chỗ làm để bảo vệ tình cảm của mình.

Rồi cả tình huống khi hai người chia tay mà vẫn phải làm việc cùng nhau. Những việc chuẩn bị tư tưởng như vậy không phải là để khuyên bạn sớm thoái lui khỏi những khó khăn có thể gặp phải lmà là để giúp bạn củng cố tâm lý cho vững vàng hơn.

Bởi đã có câu nói rằng: “Thà thất bại khi trải qua thử thách còn hơn là không dám trải qua thử thách vì sợ thất bại”. Nếu phải đổi việc nhưng bù lại hai bạn sẽ được hạnh phúc trọn đời, như vậy có đáng để bạn đánh đổi không?

Theo Shine/Eva.com 

MỚI - NÓNG