Du học Anh, Mỹ về Việt Nam bảo vệ rừng

Du học Anh, Mỹ về Việt Nam bảo vệ rừng
TPO –Kỳ nghỉ hè này, những du học sinh tại Anh, Mỹ về Việt Nam sát cánh cùng nhiều bạn trẻ ở Hà Nội, lên kế hoạch bảo vệ “lá phổi xanh của Trái đất”. Dự án của các bạn trẻ mang tên “Rừng ơi”.

Du học Anh, Mỹ về Việt Nam bảo vệ rừng

TPO –Kỳ nghỉ hè này, những du học sinh tại Anh, Mỹ về Việt Nam sát cánh cùng nhiều bạn trẻ ở Hà Nội, lên kế hoạch bảo vệ “lá phổi xanh của Trái đất”. Dự án của các bạn trẻ mang tên “Rừng ơi”.

Các thành viên trong chương trình
Các bạn trẻ nối tiếp tiếng gọi "Rừng ơi".

Từ ý tưởng đến liên kết

Hà Duy (SN 1992), là sinh viên năm cuối khoa Kinh tế và Quản lý, trường Đại học St.Olaf (bang Minnesotta, Hoa Kỳ). Duy là đại diện cho ban tổ chức, cũng là trưởng nhóm dự án "Rừng ơi" – giáo dục bảo vệ rừng hè 2013 ở Việt Nam (Duy còn tham gia nhiều hội thảo du học do nhóm du học sinh VietAbroader ở Mỹ hay Hội sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ, tổ chức).

Duy kể, khi đang học ở Mỹ, bạn được đi thăm khu rừng nguyên sinh ở vùng Costarica (Mỹ). 13 lần đi trên những chiếc cáp treo trên cánh rừng, Duy mới cảm nhận hết vẻ đẹp của những thân cây trùng điệp. Ở đó, những cánh rừng được khai thác khoa học, không bị tàn phá, Duy bảo.

Khi ra về, chàng trai đến từ Việt Nam gặp nhiều nhóm học sinh tiểu học vào rừng. Hỏi ra mới biết, đó là những hoạt động ngoại khóa của học sinh, đã có từ 15 năm trước. Hà Duy nhớ suốt thời cắp sách đến trường, chưa bao giờ có những tiết học gần gũi với thiên nhiên thực tế như thế cả.

"Rừng ơi" là chương trình bảo vệ rừng do nhóm du học sinh Việt Nam tại Anh, Mỹ phối hợp sinh viên các trường đại học trong nước (20 bạn), tổ chức ở Hà Nội. 

Các bạn trẻ mong muốn nâng cao hiểu biết của thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam về tầm quan trọng của rừng. 

Nhón lấy tên "Rừng ơi" để gần gũi với học sinh, cũng như tiếng gọi kêu cứu khi rừng đang bị tàn phá.

Sau chuyến đi, những ý tưởng bắt đầu ùa về đầu của chàng trai trẻ. Duy bắt tay ngay vào việc đầu tiên là liên lạc với bạn bè ở Mỹ, Anh và Việt Nam, để lập ra nhón trên Facebook, chia sẻ ý định thiết thực.

Bất chấp vô số những khó khăn, mà trong đó lớn nhất là mỗi người ở một nước, cách xa nhau hàng nghìn km (không thể gặp mặt, họp bàn trực tiếp), các bạn trẻ vẫn "làm online", lên chương trình lên chương trình chi tiết.

Một khâu mang tính quyết định khác là kinh phí. Giải "bài toán" này, Hà Duy và những người bạn mất một tháng viết đơn xin tài trợ của trường, các tổ chức phi chính phủ như như Quỹ Dự án vì Hòa Bình Davis, Trung tâm Giáo dục và Phát triển, Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn), Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Úc (ACET), Trường Đại học St.Olaf Hoa Kỳ. Nhiều đơn vị đánh giá cao dự án thiết thực của nhóm bạn trẻ "không biên giới", nên đồng ý hỗ trợ tối đa.

Tham gia chương trình các em còn được chơi rất nhiều trò chơi bổ ích liên quan đến rừng
Tham gia chương trình, các em còn được chơi nhiều trò chơi bổ ích liên quan đến tài nguyên rừng.

"Em đến với rừng"

 Đây là một ý tưởng độc đáo. Các bạn sinh viên đã gắn rừng Việt Nam với rừng thế giới, nêu lên được vai trò quan trọng, giá trị của rừng với con người và giúp học sinh ở Việt Nam hiểu thêm về rừng. Yêu rừng mới giữ được rừng 

Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Tửu Bôi

Sau khi "đầu xuôi", các bạn trẻ tìm kiếm thông tin của 100 trường cấp hai, ba và các trường đại học ở Hà Nội. Sau khi tham khảo, nhóm chọn trường THCS Tây Sơn, THCS Đống Đa, Trung tâm Văn hóa - Thể thao Yên Hòa (Hà Nội), Bảo Tàng Phụ Nữ để "thổi" tình yêu "em đến với rừng" cho các bạn trẻ.

Tuần đầu tiên, nhóm chỉ nhận được 30 đơn đăng ký tham gia, nhưng sau những nỗ lực của các thành viên, số đơn đã nhảy lên con số 720. Do điều kiện không cho phép, nhóm chỉ chọn ra 400 học sinh để tham gia chương trình.

Những học sinh tham gia chương trình sẽ trải qua khóa gọi là “tháng giáo dục”, kéo dài bốn tuần, từ 15/6 – 15/7. Chủ đề liên quan đến địa lý, tài nguyên rừng và trách nhiệm của thế hệ trẻ.

Tại những buổi giao lưu, các bạn học sinh được Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng; Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Tửu Bôi; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lung và nhiều diễn giả nổi tiếng khác (như chị Ngô Phương Thảo - Chủ tịch Go Green, chị Ninh Thị Phương Thảo - Điều phối mạng lưới bảo vệ động vật hoang dã của ENV tại Việt Nam) chia sẻ về những kiến thức về rừng, động vật hoang dã và phương pháp bảo vệ rừng.

GS TS Phùng Tửu Bôi
Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Tửu Bôi tham gia chương trình giáo dục ý thức bảo vệ rừng cho các học sinh.

Các em còn tham gia trò chơi “rung chuông vàng”, giao lưu với khách mời, thiết kế banner cho chương trình và thuyết trình về những điều được biết sau những tuần trải nghiệm.

Hai tuần tiếp theo (15/7 - 31/7), các em cắm trại hè tại rừng quốc gia Cúc Phương, trong ba ngày hai đêm, mà không phải mất bất cứ chi phí nào. Từ những trò chơi, tiếp xúc chuyên gia hàng đầu, đến thực tế những chuyến đi ý nghĩa, những tiếng gọi "Rừng ơi" sẽ thân thương hơn trong tâm hồn mỗi bạn trẻ.

Bạn trẻ nói gì về "Rừng ơi"?

* Vũ Thị Huyền Trang, sinh viên trường Aston University (Birmingham, Anh): Đây là hoạt động ý nghĩa, giúp các bạn học sinh, sinh viên ở Việt Nam có thêm sự hiểu biết về rừng và các loại động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.

* Nguyễn Văn Duy, sinh viên trường Đại học Khoa Học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội): Mình biết “Rừng ơi” từ thầy giáo trong trường và nộp đơn đăng ký ngay. Mình thấy mỗi buổi sinh hoạt rất ý nghĩa, được các giáo sư chia sẻ kinh nghiệm.

* Bạn Nguyễn Thị Lan, sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền: Hoạt động thiết thực bảo vệ rừng của các bạn du học sinh chứng tỏ nhiệt huyết của người trẻ đang học tập ở nước ngoài, muốn mang những điều tốt đẹp nhất cho quê hương.

Thanh Hà

Theo Viết
MỚI - NÓNG