Giáo dục Trung Quốc đang lấy Mỹ làm gương

Giáo dục Trung Quốc đang lấy Mỹ làm gương
Để vượt qua những kỳ thi căng thẳng triền miên ở trường trung học, Zhang Ruifan đã học thuộc lòng toàn bộ sách giáo khoa. Vì thế, khi được gia đình cho sang Mỹ học trung học, cậu vượt xa bạn bè cùng lứa ở môn Toán và Khoa học. Cậu thường biết câu trả lời chính xác ngay cả khi giáo viên chưa đọc xong câu hỏi.

> Sinh viên ĐH Oxford chụp ảnh khỏa thân làm từ thiện

“Tôi chỉ cần thốt ra” – cậu tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn khi đang về nước nghỉ hè.

Tuy nhiên, Ruifan, năm nay 15 tuổi sớm nhận ra rằng khoa học không chỉ là những số liệu và công thức chỉ việc học thuộc và viết ra trong bài kiểm tra.

Tại ngôi trường ở West Des Moines (Iowa) – nơi mà cậu đang sống cùng gia đình bản xứ, giáo viên khoa học của Ruifan đeo kính bảo hộ và sử dụng một chiếc bật lửa có tay cầm dài để đốt lửa cho khinh khí cầu bay lên chỉ để học sinh được tận mắt nhìn thấy đặc tính bay lên của một nguyên tố.

Có những buổi học, Ruifan và các bạn phải leo lên mái nhà để tìm hiểu về lực hấp dẫn bằng cách ném những quả bóng rổ, bóng tennis và những vật khác xuống dưới. “Ở Trung Quốc, tôi được học về lực hấp dẫn bằng PowerPoint” – cậu nói.

Cha mẹ của Zhang Ruifan sợ rằng cậu con trai sẽ thành mọt sách nên đã cho sang Mỹ du học
Cha mẹ của Zhang Ruifan sợ rằng cậu con trai sẽ thành mọt sách nên đã cho sang Mỹ du học.

Bộ Ngoại giao Mỹ không phân loại dữ liệu trên visa thông qua tuổi tác hay cấp học. Tuy nhiên, có những bằng chứng chính xác cho thấy ngày càng nhiều gia đình trung lưu ở Trung Quốc muốn tìm cách giúp con cái thoát ra khỏi áp lực của những kỳ thi.

“Tôi không muốn con trai tôi trở thành một con mọt sách” – mẹ của Ruifan, bà Wang Pin chia sẻ. Đó là lý do tại sao bà muốn cho con đi du học trời tây. Các học giả và chính trị gia người Mỹ đã cảnh báo trong nhiều năm qua rằng những cường quốc mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ đang sẵn sàng vượt qua nước Mỹ về thành tựu khoa học. Trong một bài kiểm tra chuẩn hóa vào năm 2009 – một bài kiểm tra thu hút sự chú ý trên toàn cầu, học sinh Thượng Hải dẫn đầu về môn Khoa học trong số 70 quốc gia tham dự. Trong khi Mỹ đứng vị trí thứ 23 (xếp sau Hungary).

Tuy vậy, ngay cả những học giả Trung Quốc cũng bị choáng váng bởi sự ám ảnh với những kỳ thi quan trọng của nước này. Mùa thu năm ngoái, họ đã phải triệu tập một cuộc họp bàn về vấn đề này ở Thượng Hải.

“Trong khi học sinh phổ thông của Mỹ đang thảo luận về những mẫu máy bay, vệ tinh, tàu ngầm mới nhất thì những học sinh thông minh nhất của Trung Quốc đang ngập chìm trong đống bài tập về nhà và các kỳ thi” – Ni Minjing, một giáo viên Vật lý hiện là người phụ trách mảng giáo dục cơ bản của Ủy ban Giáo dục Thượng Hải nhận xét. “Học sinh ít có cơ hội được làm thí nghiệm khoa học và rèn luyện tư duy độc lập”.

Thông điệp này dường như đã đến tai các nhà lãnh đạo giáo dục của Trung Quốc – những người đang hướng tới mô hình học khoa học bằng thực hành. Mùa hè năm nay, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phát động một loạt chiến dịch nhằm chuyển trọng tâm ra khỏi các kỳ thi chuẩn hóa.

Bộ này cho biết việc cố định vào các bài kiểm tra có tính hệ thống “cản trở nghiêm trọng sự phát triển đồng đều, làm chậm sự phát triển sức khỏe và hạn chế cơ hội tu dưỡng trách nhiệm xã hội, tinh thần sáng tạo và khả năng thực tế của học sinh”.

Mặc dù nhận được nhiều lời đề nghị từ chính quyền trung ương song vấn đề vẫn đang được xem xét bởi các Sở Giáo dục mới là người tiến hành cụ thể.

Trong khi đó, việc chuẩn bị cho kỳ thi đại học ở Trung Quốc vẫn tiếp tục là chướng ngại vật lớn nhất của học sinh trung học. Được gọi với cái tên “gaokao”, kỳ thi này kéo dài khoảng 9 giờ chia ra trong 2 ngày. Kết quả của “gaokao” là yếu tố duy nhất được sử dụng để quyết định đầu vào các trường đại học.

Tiêu chuẩn “bọc thép” này cộng với thực tế là hầu hết các gia đình Trung Quốc đều chỉ có một con khiến các bậc phụ huynh nước này hiếm khi khuyến khích con cái tham gia các hoạt động ngoại khóa vì sợ rằng nó sẽ khiến bọn trẻ xao nhãng kỳ thi. Những người chỉ trích kỳ thi này cho rằng “gaokao” đã nhào lặn ra những thanh niên kém cỏi khi không được chuẩn bị đủ các kỹ năng để đối mặt với những thách thức của cuộc sống thực. Học sinh thì thường dùng khái niệm riêng của mình để miêu tả cái cách mà giáo viên truyền đạt kiến thức: “nhồi vịt”.

Phòng thí nghiệm là thứ xa xỉ và hiếm hoi trong trường học Trung Quốc. Ảnh: Internet
Phòng thí nghiệm là thứ xa xỉ và hiếm hoi trong trường học Trung Quốc. Ảnh: Internet .

Là một giáo viên Khoa học ở khu vực phía tây bắc Ningxia, thầy Wei Jinbao được tận mắt chứng kiến cái cách mà hệ thống giáo dục Trung Quốc biến bọn trẻ thành những học sinh chăm chỉ với khả năng xử lý thông tin thực tế cực kỳ ấn tượng. “Hãy đưa cho chúng một vấn đề, chúng sẽ đưa ra câu trả lời. Nhưng chúng không thể đưa ra một câu hỏi hay” – ông nói.

Giống như nhiều giáo viên khoa học của Trung Quốc, thầy Wei nhận thức sâu sắc rằng đất nước này vẫn chưa sản sinh ra được chủ nhân giải Nobel Khoa học. Nhiều năm qua, ông đã cố gắng khuấy động tư duy sáng tạo ở học sinh, nhưng ông lại đang thiếu yếu tố quan trọng nhất: dụng cụ thí nghiệm – thứ mà hầu hết các trường học Trung Quốc đều cho là một chi phí không cần thiết.

Khi được hỏi tại sao, ông thở dài đầy bực tức: “Kỳ thi đại học không kiểm tra phần thực hành”.

Theo Nguyễn Thảo
Vietnamnet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG