30 năm hải chiến Gạc Ma: Anh em chúng tôi ngày càng sát lại bên nhau

Thả hoa đăng tưởng niệm đồng đội đã nằm lại Gạc Ma. Ảnh: Nguyễn Thành.
Thả hoa đăng tưởng niệm đồng đội đã nằm lại Gạc Ma. Ảnh: Nguyễn Thành.
TP - Trong tiếng mõ tụng kinh cầu siêu là những tiếng khóc nghẹn ngào và nước mắt chảy dài trên những khuôn mặt người mẹ, người cha, anh em, đồng đội sau 30 năm sau ngày các anh ngã xuống, thi thể vẫn chưa về với đất mẹ. 

Ngày 13/3, Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng (giai đoạn 1984 - 1988) đã tổ chức lễ cầu siêu tâm linh cho 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma (14/3/1988) với sự có mặt đông đảo của thân nhân các liệt sỹ, đồng đội, người dân và tăng ni phật tử. Trong tiếng mõ tụng kinh cầu siêu là những tiếng khóc nghẹn ngào và nước mắt chảy dài trên những khuôn mặt người mẹ, người cha, anh em, đồng đội sau 30 năm sau ngày các anh ngã xuống, thi thể vẫn chưa về với đất mẹ.

Ước mơ cuối đời đưa con về với đất mẹ

Có mặt từ sớm, bên hàng bài vị 64 liệt sĩ Gạc Ma, ông Lê Văn Xuân (78 tuổi, Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng) lần từng bước chân chậm đi tìm bài vị của con trai mình - liệt sỹ Lê Văn Xanh. Thắp nén nhang cho bài vị con trai, ông Xuân như muốn quỵ ngã phải có người đỡ ông mới đứng vững để chuyện trò. Hơn 30 năm qua, từ ngày con trai đầu của ông xung phong đi ra đảo làm nhiệm vụ và hi sinh, nỗi đau luôn chất chứa trong ông. Nhưng ông bảo: đã là đàn ông phải mạnh mẽ, phải kiên cường. Phải biết biến nỗi đau thành hành động và biết dung dưỡng tinh thần yêu nước cho thế hệ con cháu của mình.

Anh Xanh ngã xuống, thi thể mất tích không tìm thấy là nỗi đau chung của đồng đội, của gia đình ông Xuân. Hằng năm, cứ dịp này, gia đình ông Xuân luôn làm mâm cỗ mời anh em bạn bè của con, cùng con cháu trong gia đình đến để thắp nhang, ngưỡng vọng linh hồn con trai.

Tuổi cao, sức yếu nhưng bà Lê Thị Lan (80 tuổi, mẹ của liệt sỹ Nguyễn Hữu Lộc) vẫn nhất quyết phải có mặt ở lễ cầu siêu. Phải hai người dìu hai bên bà Lan mới đến bên bài vị của con trai mình và đồng đội. Tận tay thắp hương, vái linh hồn con trai và đồng đội đang nằm lại ở Gạc Ma bà Lan nghẹn ngào, hai dòng nước mắt  chảy dài. Anh em ban liên lạc lo sợ bà không kìm được cảm xúc, ảnh hưởng đến sức khỏe nên dìu bà vào trong nghỉ ngơi. Mất con, nỗi đau đó bà Lan âm thầm nén chặt, gượng sống với hi vọng một ngày gần nhất thi thể con mình dù một nắm xương được trở về với đất mẹ. Bà Lan kể:  Trước lúc ra đảo Gạc Ma, anh Lộc vẫn còn đi bán kem. Khi loa phóng thanh kêu gọi, anh chạy về, xin phép mẹ được lên đường nhập ngũ. Thấm thoắt đã 30 năm, từ ngày anh Lộc ngã xuống, ước nguyện cuối cùng của bà Lan vẫn chưa thành hiện thực.

Càng sát lại bên nhau...

Cựu binh Trần Tùng Thanh (Trung đoàn 83) gặp lại cựu binh Lê Văn Thống (Quảng Bình) tay bắt mặt mừng. 30 năm trước, anh Thống tham gia trận chiến Gạc Ma, bị địch bắn bị thương, sau đó bị bắt về Trung Quốc giam giữ. Ngày đó, anh Thanh là lái xe của Trung đoàn, còn anh Thống là lính tăng cường, làm ở bộ phận hậu cần của đơn vị lái xe. Hai anh em rất thân nhau. Đầu tháng 3/1988, đơn vị chuyển quân vào Cam Ranh để tăng cường lực lượng. Số lính tăng cường có anh Thống. Chính anh Thanh là người lái xe chở Thống và đồng đội ra tận cảng, lên tàu để ra đảo làm nhiệm vụ. Ngày 14/3/1988, chiến sự nổ ra nhưng đến chiều tối anh Thanh hay tin quân ta bị bắn chết nhiều ở đảo. “Lúc nhận tin đó, tôi và anh em trong bờ rất bàng hoàng và lo lắng cho đồng đội. Lúc đó, không ai ngờ rằng, quân Trung Quốc lại liều và độc ác như vậy”, anh Thanh kể lại. Sau ngày 14/3, anh Thống bị bắt, mọi người cứ ngỡ đã chết, chính anh Thanh đã ra tận Quảng Bình để động viên tinh thần gia đình anh Thống. Sau khi được trao trả, phải hơn 4 năm sau, 2 người có dịp gặp lại nhau, tình đồng chí đồng đội lại thêm gắn chặt. “Sau 30 năm, tôi vẫn thấy đồng đội đang vẫy tay chào khi tàu hú còi rời cảng”, anh Thanh bùi ngùi.

Lặn lội từ Quảng Trạch (Quảng Bình) vào Đà Nẵng dự lễ cầu siêu cho anh em, cựu binh Lê Văn Đông, kể: “9 trong số anh em đồng đội sống sót bị bắt năm xưa nay chỉ còn 7. Mới năm ngoái, anh em đồng đội đau xót tiễn đưa Dương Văn Dũng qua đời vì ung thư. Anh em chúng tôi ngày càng ít đi và xác định càng phải xích lại gần nhau hơn. Và hứa với lòng phải sống sao cho trọn với sự hi sinh của đồng đội”. Lễ tưởng niệm, anh Đông âm thầm thả thêm một ngọn hoa đăng xuống biển, anh bảo: “dành cho Dũng”. Anh Đông tin rằng, giờ này dưới suối vàng anh Dũng và anh em đồng đội Gạc Ma đang vui vẻ, quây quần bên nhau như ngày nào còn làm nhiệm vụ ở trên đảo.

Cựu binh Trần Văn Tiến, thành viên Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng (giai đoạn 1984 - 1988), cho biết, từ năm 2010, khu vực cạnh cty TNHH Kỹ thuật - Dịch vụ Nguyên Tiến của anh gần vịnh Đà Nẵng đã trở thành nơi cầu siêu, tưởng niệm anh linh của 64 liệt sĩ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao... Ít ai biết rằng, chính anh Tiến đã âm thầm mấy năm qua đi thay áo cho di ảnh các liệt sỹ (quê ở Đà Nẵng) hi sinh ở Gạc Ma, để các anh khoác lên mình bộ trang phục hải quân Việt Nam oai hùng. Năm nay, dịp 30 năm, anh Tiến ấp ủ tâm nguyện sẽ đi hết các gia đình liệt sỹ còn lại để thay áo cho các anh, phần nào làm ấm lòng thân nhân các gia đình liệt sỹ.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.