30 năm ngày những người lính Hải quân Việt Nam ngã xuống ở Gạc Ma

Cụm tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma ở khu tưởng niệm tại Khánh Hòa. Ảnh: Xuân Ngọc
Cụm tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma ở khu tưởng niệm tại Khánh Hòa. Ảnh: Xuân Ngọc
Ông Trần Công Trục cho rằng, nên gọi sự kiện Gạc Ma là: "Trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988”.

Chiều tối 12/3 tại cửa biển Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cựu binh Lê Hữu Thảo cùng một số người thân liệt sĩ Gạc Ma tham gia buổi thả đèn hoa đăng tại cửa biển Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) để tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống khi đang bảo vệ chủ quyền ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao 30 năm trước.

Cựu binh Thảo khi đó thuộc biên chế phòng tham mưu Lữ đoàn 146, Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Đầu tháng 3/1988, ông nhận lệnh cùng đồng đội từ Cam Ranh theo tàu HQ- 604 bảo vệ lực lượng xây dựng đảo Gạc Ma. Trên tàu khi đó chủ yếu là công binh, mang theo cuốc, xẻng.

Những người lính hải quân Việt Nam lên tàu hướng ra Biển Đông trong bối cảnh, những tháng đầu năm 1988, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa trở nên căng thẳng. 

Vị trí chiến lược

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân -  Nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng, nhiều bãi đá ở khu vực này trong đó có đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nằm ở giao điểm của đường hàng hải từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, xuống Nam Thái Bình Dương, cũng là giao điểm hàng hải nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã nhìn ra vị trí chiến lược này và muốn khống chế để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, rộng đường tiến ra Thái Bình Dường.

Ngoài ra, thiếu tướng Quân nói, năm 1988 là thời điểm có nhiều bất lợi cả trong vào ngoài nước với Việt Nam. Ở trong nước, đường lối Đổi mới đã được xác lập nhưng các khó khăn kinh tế vẫn chồng chất. Bên ngoài, các nước lớn đang bận xử lý những vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược của họ, với Liên Xô 1988 là các sự kiện ở Ba Lan, Đông Âu; trong Liên bang Xô Viết cũng có đấu tranh để tách ra thành các quốc gia độc lập. Mỹ thì bận giải quyết cuộc khủng hoảng Iran, Iraq ở vùng Vịnh và nhiều vấn đề khác. 

Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc đã bắt tay nhau từ trước đó, từ năm 1972 và đến những năm cuối thập niên 1980 thì họ cùng gây sức ép với Việt Nam để giải quyết vấn đề Campuchia theo hướng có lợi cho họ.

30 năm ngày những người lính Hải quân Việt Nam ngã xuống ở Gạc Ma ảnh 1 Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125.

"Vòng tròn Gạc Ma"

Đúng 20h ngày 11/3/1988, tàu HQ 604 rời Cam Ranh mang theo trung sĩ Lê Hữu Thảo cùng các đồng đội. Đến 16h ngày 13/3, HQ 604 đến thả neo ở Gạc Ma. Lúc này tàu 505 của Hải quân Việt Nam cũng đến Cô Lin.

Thấy tàu Việt Nam kiên trì thả neo, đêm 13/3, Trung Quốc tăng cường lực lượng thay nhau quần đảo, vây ép tàu 604 và 505. Lúc 0h ngày 13/3, Sở chỉ huy lệnh cho các lực lượng trên tàu 604 và 505 thả xuống, đổ quân ngay trong đêm và cắm cờ Tổ quốc lên đảo.

6h ngày 14/3, Trung Quốc thả xuồng nhôm và nhiều tốp lính mang theo súng đổ bộ lên Gạc Ma. Đứng chặn các tốp lính này, Thiếu úy Trần Văn Phương - phụ trách lực lượng công binh Trung đoàn 83 bình tĩnh tuyên bố: "Đây là lãnh thổ Việt Nam, hãy rút khỏi đây". 

Lính Trung Quốc với số đông chạy đến giật cờ Việt Nam. Thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội xông lên bảo vệ cờ Tổ quốc. Lính Trung Quốc đã đâm lưỡi lê vào bụng anh Lanh và bắn thẳng vào người anh Phương. Trước khi hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã gắng lấy hết sức lực cuối cùng hô to động viên đồng đội: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng". 

Lúc này, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc. Không uy hiếp được bộ đội ta rút khỏi đảo, lính Trung Quốc dùng súng bắn thằng vào bộ đội Việt Nam. 

Lúc 7h30, Trung Quốc cho 2 tàu dùng pháo bắn hỏng tàu 604. Cựu binh Lê Hữu Thảo khi đó đã ngụp lặn cạnh bãi đá và tránh được những làn đạn của lính Trung Quốc. Trời sáng hẳn, anh Thảo bơi lại bãi đá Gạc Ma tìm xác đồng đội, cấp cứu người bị thương.

Anh đặt thi thể Trung úy Trần Văn Phương và thương binh Nguyễn Văn Lanh lên xuồng, xé áo nút các vết đạn lỗ chỗ trên chiếc xuồng này rồi dùng báng súng làm mái chèo, nhích từng mét nước, hướng về tàu HQ 505.

30 năm ngày những người lính Hải quân Việt Nam ngã xuống ở Gạc Ma ảnh 2

Tàu HQ 505. Ảnh tư liệu của QĐND.

Khi phát hiện tàu 604 bị chìm, thuyền trưởng HQ 505 đã lệnh nhổ neo, cho tàu ủi lên bãi và cắm cờ chủ quyền lên đảo Cô Lin. Ngay sau khi ủi bãi thành công, bộ đội trên HQ 505 vừa dập lửa cứu tàu vừa đưa xuồng đi cứu vớt chiến sĩ tàu 604.   

Các chiến sĩ sau đó về đảo Sinh Tồn và hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh được đưa ngay vào đất liền cứu chữa.

Sau tháng 3/1988, ông Thảo xuất ngũ, đi lao động ở Đức một thời gian và về quê ở Hà Tĩnh. Cho đến dịp gặp mặt nhân chứng lịch sử dịp kỷ niệm 25 năm (14/3/2013) Gạc Ma ở Đà Nẵng, nhờ nhiều nguồn kết nối, người đưa Thiếu úy Trần Văn Phương và hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh về đảo Sinh Tồn mới được nhiều người biết đến.

"Tôn trọng lịch sử và khơi gợi tinh thần yêu nước"

Tháng ba về, ông Thảo bảo nỗi nhớ đồng đội không biết lấy gì lấp đầy, khi ngoài khơi xa, nhiều người vẫn đang nằm lại giữa lòng biển lạnh. Ở đất liền, nhiều gia đình liệt sĩ những năm qua cuộc sống khó khăn.

Điều ông Thảo trăn trở và mong mỏi, là sự kiện Gạc Ma cũng như chiến dịch bảo vệ chủ quyền năm 1988 được thông tin nhiều hơn, được đưa vào Sách giáo khoa để lưu truyền mãi trong các thế hệ mai sau.

GS. NGND Vũ Dương Ninh chia sẻ với trăn trở của cựu binh Thảo và cho hay, trong dự thảo chương trình Sách giáo khoa mới ở cả cấp 2 và cấp 3, vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên đất liền và biển đảo sẽ được đề cập một cách rõ ràng.

"Ngày nay có không ít người, trong đó có các bạn trẻ không biết đến các cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên đất liền và biển đảo Việt Nam trong lịch sử hiện đại, lỗi trước tiên là thuộc về người lớn, lỗi của những người đi trước và những người chịu trách nhiệm", GS Ninh nói và nhấn mạnh, chúng ta nói về các sự kiện trên với tinh thần khách quan, tôn trọng lịch sử, khơi gợi tinh thần yêu nước, tạo cho thế hệ trẻ nhận thức đúng đắn về việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. 

Theo GS Vũ Dương Ninh, "nhắc đến chiến tranh không phải để gây thêm hận thù mà từ đó rút ra bài học để gìn giữ mối quan hệ hoà bình, hữu nghị; gìn giữ chủ quyền, độc lâp dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ".

Nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục cho rằng, đến nay vẫn còn nhiều cách gọi khác nhau về sự kiện Gạc Ma. Đó là “Hải chiến Trường Sa 1988”, “Cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma 1988”, “Trận chiến chống quân xâm lược Trường Sa 1988”, hay “Cuộc thảm sát của lính Trung Quốc”... Tuy nhiên, theo ông Trục, tên gọi chuẩn xác phải phản ánh đúng quy mô, tính chất, hình thức theo thông lệ đã từng xảy ra trong lịch sử nhân loại.

"Theo tôi, nên gọi là: Trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988”, ông Trần Công Trục nói.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.