45 năm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao đổi với các đại biểu dự Hội thảo.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao đổi với các đại biểu dự Hội thảo.
TP - Sáng 18/12, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Bản hùng ca bất diệt (12/1972-12/2017). Dự hội thảo có nhiều tướng lĩnh quân đội, nhân chứng lịch sử đã tham gia lãnh đạo và trực tiếp 12 ngày đêm năm 1972  ở Hà Nội”.

Bảo vệ Hà Nội cơ bản nguyên vẹn

Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Tuân đánh giá, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không đã bẻ gãy ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ, ngoài chiến công bắn rơi máy bay địch, việc bảo vệ các mục tiêu là hết sức quan trọng. Cụ thể, sau chiến tranh, chỉ có 2 vệt bom B52 rơi vào nội thành, một vệt rơi vào Bệnh viện Bạch Mai và một vệt xuống phố Khâm Thiên, còn hàng trăm lần khác, các tốp máy bay không thể bay vào Hà Nội được, giúp thành phố và các cơ quan trung ương gần như còn nguyên vẹn, tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn. “Chỉ 5 tốp B52 vào Hà Nội thì thành phố sẽ bị san bằng. Và sau đó, dù có bắn rơi bao nhiêu thì chúng ta khôi phục lại rất khó. Nhưng sau chiến tranh, Hà Nội cơ bản còn nguyên vẹn, T.Ư còn nguyên vẹn và tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng”, ông Tuân nói.

Theo ông Tuân, nhờ sự sáng suốt của Đảng đánh giá đúng địch và đánh giá đúng ta. Quan trọng nhất là phán đoán, trước khi địch thua thế nào cũng đánh ra Hà Nội và sẽ dùng B52. Cuối năm 1967, không quân đã tổ chức bay đêm. “Lúc đó tôi vừa tốt nghiệp trường bay ở Liên Xô, lính mới thôi nhưng đã được bên nhà chỉ đạo ở lại rèn luyện bay đêm vì nghĩ đến chiến đấu với B52 sau này. Năm 1968 thành lập Đại đội 5 - Đại đội bay đêm và giữ cho đến cuối chiến tranh, chỉ có đánh ban đêm, không đánh ban ngày. Có những lúc không quân của chúng ta bị tổn hao lực lượng, phi công còn rất ít nhưng riêng Đại đội 5 giữ nguyên không tham gia đánh ban ngày. Chúng tôi muốn đi đánh lắm, bởi không quân mà không đánh máy bay Mỹ thì rất xoàng. Chúng tôi đòi đi đánh ban ngày nhưng mà cấp trên trả lời rằng dùng cho nhiệm vụ lớn hơn. Đó là cái nhìn xa, xây dựng lực lượng của chúng ta rất giỏi”, ông Tuân nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Tuân cho biết, lúc bấy giờ, chúng ta chỉ mong đánh chứ không nghĩ đến hy sinh. Không quân xác định nếu bắn hai quả tên lửa mà B52 không rơi thì sẵn sàng là quả tên lửa thứ 3. “Và sau này anh Vũ Xuân Thiều đã làm như thế. Anh ở cự ly rất gần, nếu không phải là đánh B52 thì anh thoát ra để đi đánh tiếp, nhưng mệnh lệnh đánh B52 đưa ra rồi, anh xông thẳng vào máy bay địch. Ý chí cao như thế”, ông Tuân chia sẻ. Ông Tuân cũng đánh giá cao sự phối hợp tác chiến giữa các quân, binh chủng. “Dưới thì pháo bắn lên, trên thì máy bay F4 bắn tên lửa để gây nhiễu, lốm đốm như pháo hoa ngày Tết ấy. Lúc đó bầu trời Hà Nội nhỏ lắm, mỗi đêm 30 – 50 lần B52 thì có khoảng 300 lần máy bay các loại hộ tống. Bầu trời Hà Nội kín máy bay, mà phải vượt qua nó để đánh B52. Tôi bay trên trời cũng sợ, bay thấp là sợ chị em dân quân bắn. Chúng tôi là phi công, biết rõ từng vị trí phòng thủ rồi mà còn ngán nữa là phi công Mỹ. Nếu máy bay địch vào, không quân của ta đuổi từ bên ngoài, tên lửa bắn lên, dưới thấp thì dân quân tự vệ, pháo cao xạ bắn, tất cả trận địa đó thành thế trận chiến tranh nhân dân... phi công Mỹ không thể yên tâm được”, ông Tuân nói.

Người đầu tiên bắn hạ được máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội chia sẻ, khi ông gặp một phi công Mỹ bị giam ở Hỏa Lò, ông có hỏi: Khi vào đánh Hà Nội thì có suy nghĩ gì. Viên phi công này bảo: Chúng tôi biết hết các vũ khí của các ông có. Thậm chí chúng tôi còn luyện tập, diễn tập với chúng nữa. Rồi ông Phạm Tuân hỏi tiếp: Bây giờ ở Hỏa Lò thì nghĩ gì. Viên phi công Mỹ trả lời: Đó là cái khó hiểu. Tôi không thể lý giải được tại sao mình lại bị bắn rơi. Đúc kết lại, anh hùng Phạm Tuân cho rằng, từ ý chí, trí tuệ của người Việt Nam đã làm nên sức mạnh tổng thể, vượt qua khó khăn, nảy sinh ra những sáng tạo để đi đến chiến thắng và có được sự khâm phục từ chính kẻ thù.

Còn đó nỗi đau Khâm Thiên

Chia sẻ tại hội thảo, nhạc sĩ Phú Quang, nhân chứng sự kiện bom mỹ tàn phá phố Khâm Thiên cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là kỳ tích, bởi chúng ta lấy yếu đánh khỏe, lực lượng nhỏ mà thắng lớn. Nhưng đến bây giờ, ấn tượng xót xa, đau đớn trong 12 ngày đêm đó vẫn theo ông và đi cả vào những sáng tác âm nhạc. “Nhà tôi ở phố Khâm Thiên, chính là chỗ bây giờ làm đài tưởng niệm. Bức tượng cô gái ôm con chết ở vị trí phòng của tôi. Tôi có những kỷ niệm khủng khiếp. Sáng hôm sau khi bị đánh bom, tôi nhìn ra Đê La Thành, mọi hôm không thể nhìn thấy được vì vướng rất nhiều nhà, nhưng hôm đó thì nhìn thấy tận Đê La Thành. Sáng sớm hôm sau, tôi chứng kiến mọi người thu dọn thi thể người chết. Có bà cụ trên 70 tuổi cứ đứng ở đó, hoàn toàn bất động. Người ta đưa ra thi thể 26 người con, người cháu của bà ra. Tôi không thấy bà rơi nước mắt. Bà đứng như một pho tượng. Bà không khóc mà tôi khóc. Ấn tượng đó rất đau đớn”, nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ.

Nhạc sĩ Phú Quang kể, sau này, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp có vận động các ca sĩ, nhạc sĩ có tên tuổi, tài năng viết giao hưởng về chiến tranh. “Tôi có viết một bản Hồi ức. Trình diễn xong, tôi xuống hỏi thấy thế nào thì anh ấy nói “nghe bài của Quang anh khóc luôn”. Nhìn sang 3/4 khán giả Nhà hát lớn Sài Gòn cũng khóc. Nhạc không lời mà họ khóc như thế, tôi nghĩ do bản nhạc có kỷ niệm không quên của bản thân. Cuộc chiến tranh đó xót xa lắm. Sau này tôi đi lại trên đường Khâm Thiên ban đêm và đến đài tưởng niệm, mặc dù rêu xanh rồi nhưng tôi lúc nào cũng xót xa”, nhạc sĩ Phú Quang kể thêm. Ký ức của nhạc sĩ Phú Quang là những phần thân thể mắc trên dây điện, nhiều người thân, người quen bị chết sau trận bom.

Nhạc sĩ Phú Quang, nhân chứng sự kiện bom mỹ tàn phá phố Khâm Thiên cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là kỳ tích, bởi chúng ta lấy yếu đánh khỏe, lực lượng nhỏ mà thắng lớn. Nhưng đến bây giờ, ấn tượng xót xa, đau đớn trong 12 ngày đêm đó vẫn theo ông.

MỚI - NÓNG