Mỹ sốt vó với gián điệp Trung Quốc

Mỹ sốt vó với gián điệp Trung Quốc
TPO – Một mắt xích quan trọng thuộc mạng lưới tình báo công nghệ Trung Quốc hoạt động tại Mỹ bị FBI bắt giữ hồi cuối tháng 9, làm dấy lên những thông tin về đợt “thanh trừng” gián điệp mới giữa hai cường quốc.
Năm 2003, bà Katrina Leung, chỉ điểm của FBI trong suốt hai thập kỷ, bị phát hiện là điệp viên hai mang cho Trung Quốc
Năm 2003, bà Katrina Leung, chỉ điểm của FBI trong suốt hai thập kỷ, bị phát hiện là điệp viên hai mang cho Trung Quốc.

Thông tin từ Washington cho biết, gián điệp người Trung Quốc bị lực lượng an ninh Mỹ bắt giữ khi đang cố gắng xuất khẩu vật liệu cấm - sợi carbon - cho Không quân Trung Quốc.

Sau khi bị bắt giữ, điệp viên này thừa nhận sợi carbon, vật liệu được sử dụng trong ngành công nghiệp quốc phòng và ngành chế tạo máy bay của Mỹ, rất cần thiết để thực hiện chuyến bay thử nghiệm của một máy bay chiến đấu của Trung Quốc.

Đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh “nhòm ngó” các vật liệu mới được sử dụng trong ngành chế tạo máy bay của Mỹ. Giới chức quốc phòng Trung Quốc thậm chí xác định đây là một trong những ưu tiên của lực lượng gián điệp công nghệ Bắc Kinh trong những năm đầu thế kỷ 21.

Từ lâu, ngành chế tạo máy bay Trung Quốc được đặt ra mục tiêu không chỉ đuổi kịp Mỹ, mà còn cạnh tranh với Mỹ. Hiện Bắc Kinh đang tích cực phát triển chương trình chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 5, trong đó Thành Đô và Thẩm Dương là những địa phương đặt tổ hợp kỹ thuật khổng lồ với mục tiêu nghiên cứu và sáng chế những nguyên mẫu của máy bay chiến đấu thế hệ mới của thế giới.

Theo nhận định của giới quân sự, Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới đang song song thực hiện hai chương trình thiết kế chế tạo máy bay thế hệ 5. Hai cường quốc Mỹ và Nga không cho phép mình thực hiện hai chương trình quy mô lớn như vậy. EU thậm chí không dám tư duy về việc tự chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

Trên thực tế, Bắc Kinh không sở hữu toàn bộ dây chuyền công nghệ để tự sản xuất động cơ máy bay cho phi cơ chiến đấu thế hệ 5. Ngay cả các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, cơ sở sức mạnh chiến đấu của Không quân Trung Quốc, hầu hết các động cơ đều phải mua từ Nga.

Nỗi ám ảnh của nước Mỹ

Trung Quốc sử dụng một mạng lưới khổng lồ gồm các điệp viên và cộng tác viên hoạt động theo những cách khác nhau, nhưng đều lợi dụng luật Mỹ để tránh bị truy tố. Những thông tin này được mã hóa trước khi chuyển về Bắc Kinh để đối chiếu và tổng hợp.

Thông thường, những đơn vị thông tin rời rạc không khiến cơ quan chức năng Mỹ nghi ngờ. Tuy nhiên, có những vụ gián điệp nổi tiếng đã bị phanh phui, như trường hợp của Larry Wu-Tai Chin, Katrina Leung, Gwo-Bao Min, Chi Mak, Peter Lee…

Ngoài hình thức gián điệp truyền thống, Trung Quốc sử dụng một số doanh nghiệp của mình để trở thành đối tác của các công ty Mỹ, nhằm kiếm được dữ liệu kinh tế và công nghệ tiên tiến; Dùng gián điệp ảo để thâm nhập mạng máy tính của các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ. Điều này được chứng thực bằng vụ tấn công vào hệ thống máy tính của Google hồi tháng 12-2009.

Hoạt động tình báo Trung Quốc ở Mỹ phổ biến đến nỗi các quan chức thực thi pháp luật Mỹ đã xác định Trung Quốc là siêu cường nước ngoài tích cực nhất trong việc thu nhận trái phép công nghệ Mỹ.

Gián điệp hạt nhân

Một báo cáo năm 1999 của Ủy ban đặc biệt của Hạ viện Mỹ về mối quan tâm thương mại, quân sự và an ninh quốc gia Mỹ đối với Trung Quốc (thường gọi là báo cáo Cox) cảnh báo rằng, Trung Quốc đã đánh cắp thông tin mật về mọi đầu đạn nhiệt hạch trong chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ. Thông tin được thu thập thông qua gián điệp, phân tích kỹ các ấn phẩm kỹ thuật và học thuật Mỹ, tương tác rộng khắp với các nhà khoa học Mỹ.

Các quan chức chính phủ Mỹ nghi ngờ rằng, nỗ lực thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc liên quan việc phát triển vũ khí hạt nhân của Mỹ chủ yếu nhằm vào bốn phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, Lawrence Livermore, Sandia và Oak Ridge.

Trung Quốc bị coi là đã đánh cắp thông tin mật về các đầu đạn: W-56 Minuteman II, W-62 Minuteman III, W-78 Minuteman III Mark 12A và W-87 Peacekeeper (lắp vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa), W-70 Lance (tên lửa đạn đạo tầm ngắn), W-76 Trident C-4 và W-88 Trident D-5 (tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm). TQ cũng đánh cắp thông tin mật về ý tưởng thiết kế vũ khí Mỹ, tính năng của vũ khí và thiết bị mang đầu đạn.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Xã hội Nga Vladimir Yevseyev phân tích: Bắc Kinh muốn đi nhanh đuổi kịp các quốc gia tiên tiến và sẵn sàng làm tất cả vì mục đích đó. Khả năng sao chép của Trung Quốc là vô tận. Tuy nhiên, cái đáng ngại hơn đối với cả Moscow cũng như Washington là trình độ “nhân bản” của Bắc Kinh là siêu hạng, khi mà phiên bản Trung Quốc làm ra luôn tối ưu hơn rất nhiều phiên bản mà họ sao chép.

Thái An (tổng hợp)

Theo Viết
MỚI - NÓNG