Tổ bay IL- 28, chuyện 40 năm bây giờ mới kể

Tổ bay IL- 28, chuyện 40 năm bây giờ mới kể
Ngày này đúng 40 năm trước, vào 17 giờ 07 phút ngày 9-10-1972, từ sân bay Đa Phúc (Nội Bài), hai máy bay IL- 28 của Không quân Việt Nam được lệnh cất cánh bay sang đất bạn Lào, trút bom xuống căn cứ địch ở Buôn Lọng.

Tổ bay IL- 28, chuyện 40 năm bây giờ mới kể

Ngày này đúng 40 năm trước, vào 17 giờ 07 phút ngày 9-10-1972, từ sân bay Đa Phúc (Nội Bài), hai máy bay IL- 28 của Không quân Việt Nam được lệnh cất cánh bay sang đất bạn Lào, trút bom xuống căn cứ địch ở Buôn Lọng.

Một trong hai chiếc IL-28 thực hiện nhiệm vụ đánh địch trên đất bạn Lào
Một trong hai chiếc IL-28 thực hiện nhiệm vụ đánh địch trên đất bạn Lào.

Đây được xem là trận đánh mục tiêu mặt đất của Không quân ta trên đất bạn Lào có sự chuẩn bị công phu và tổ chức chỉ huy chặt chẽ, đạt hiệu suất chiến đấu cao. 

Thượng tá, phi công Ngô Văn Trung là một trong số phi công của Quân chủng PK- KQ đã từng tham gia chiến đấu trên đất bạn Lào, kể lại: Đầu tháng 6-1972, quân giải phóng Lào mở chiến dịch ở cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng. Buôn Lọng nằm ở độ cao 1800 mét so với mặt nước biển, cách Xiêng Khoảng 30 mét về phía Đông Bắc. Đây là căn cứ đầu não của Vàng Pao, có nhiều cố vấn Mỹ, địa hình hiểm trở. Địch tổ chức phòng thủ rất chặt. Buôn Lọng có căn cứ sân bay. Máy bay địch thường xuyên hoạt động và hàng loạt kho tàng quân sự quan trọng được bố trí tại đây. Đã nhiều lần quân tình nguyện và bộ đội Pa-Thét Lào tổ chức đánh nhưng chưa tiêu diệt được căn cứ này.

Bộ Tổng tham mưu quyết định dùng máy bay oanh tạc vào căn cứ quan trọng của địch ở Buôn Lọng. Chấp hành chỉ thị của trên, Bộ tư lệnh Binh chủng Không quân quyết định sử dụng hai tổ bay IL-28 của Tiểu đoàn 929 thực hiện nhiệm vụ này.

Để đánh địch đạt hiệu quả cao nhất, các thế trận gồm: Thế tiến vào khu vực tác chiến, thế phát hiện mục tiêu địch; thế vào công kích mục tiêu và thế thoát ly khỏi khu vực tác chiến, đều được đơn vị chuẩn bị chu đáo, tỷ mỷ. Đặc biệt, ở khu vực tác chiến, đơn vị đã thành lập tổ công tác do Phó tham mưu trưởng Vũ Bá Linh và hoa tiêu Nguyễn Văn Tam kết hợp với quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pa-Thét Lào đến trinh sát giúp phi công. Tổ bay nghiên cứu kỹ trên bản đồ và lập sa bàn để nắm chắc về đặc điểm khu vực, địa hình, khí tượng, thủy văn, tình hình địch. Các bài bay độ cao thấp và độ cao cực thấp (50 mét) đã học ở nước bạn, cách ném bom thia lia, đều được tổ bay ôn luyện lại; các tình huống giả định khi thực hiện nhiệm vụ cũng được tổ bay luyện tập kỹ lưỡng.

Nhớ lại những ngày lịch sử đó, Trung tá Ngô Văn Trung sôi nổi kể: Được cấp trên giao nhiệm vụ chuẩn bị gấp 2 máy bay ném bom làm nhiệm vụ chiến đấu trên đất bạn Lào, ai cũng phấn khởi. Bởi gần chục năm trời các phi công của Đơn vị 929 mong mỏi xuất kích chiến đấu nhưng vẫn chưa có cơ hội thực hiện. Một tháng sau khi tiểu đoàn giải thể, tháng 10-1972, cấp trên lại có lệnh chuẩn bị gấp để máy bay làm nhiệm vụ chiến đấu. Có cán bộ, nhân viên kỹ thuật đã phải đạp xe đạp thâu đêm từ Phú Thọ về Hà Nội để cùng tổ bay và thợ máy làm công tác chuẩn bị.

Sáng 9-10-1972, hai chiếc IL-28 đã được tổ bay và cán bộ, nhân viên kỹ thuật hàng không kiểm tra thông điện lần cuối, kiểm tra đồng bộ, bom đạn. Máy bay của Bùi Trọng Hoan, Nguyễn Đình Nhẫn, Nguyễn Hùng Cường mang 8 qua bom bi mẹ (mỗi quả chứa 150 quả bom bi con). Máy bay của tổ bay Nguyễn Văn Trừ, Thân Xuân Hạnh và Ngô Văn Trung mang 8 quả bom phá 250kg. Mỗi máy bay còn nạp 650 viên đạn pháo 23 ly.

Đến 17 giờ 07 phút, hai tổ bay được lệnh xuất kích. Lúc này, trên bầu trời miền Bắc thời tiết xấu, mây giăng kín, nhưng cả 2 tổ bay vẫn bình tĩnh bay theo đường bay đã định. Đến Buôn Lọng, khi đã xác định rõ mục tiêu oanh kích, tổ bay của Bùi Trọng Hoan lao vào mục tiêu công kích trước. 8 quả bom bi mẹ 250 kg được trút xuống. Tiếp đó là tổ bay của Nguyễn Văn Trừ và Thân Xuân Hạnh ném 8 quả bom phá vào căn cứ địch.

Cùng lúc đó, xạ thủ Nguyễn Hùng Cường và Ngô Văn Trung của 2 máy bay đã quay 4 khẩu pháo 23 ly trút xuống mục tiêu gần 900 viên đạn 23 ly. Trận oanh kích của hai tổ bay đạt hiệu suất chiến đấu cao, đã phá hủy một phần đường băng, bắn cháy một kho xăng, một kho đạn của địch bị nổ và trên 80 nóc nhà của địch cũng bị phá hủy.

Sau trận đánh, 2 máy bay đã thoát ly an toàn về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc. Khi xuống, hai máy bay không tắt máy mà được điều khiển lăn thẳng vào ụ sơ tán để ngụy trang, tránh địch phản kích.

Trận đánh của hai tổ bay IL- 28 ở Buôn Lọng đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pa-Thét Lào phát triển thế tiến công, góp phần vào chiến thắng vang dội trên mặt trận cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng.

Trận đánh của hai tổ bay IL- 28 ngày 9-10-1972 mãi mãi là niềm tự hào của Không quân Nhân dân Việt Nam trên đất bạn Lào và xứng đáng với 16 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng cho Không quân Nhân dân Việt Nam Anh hùng: "Trung thành vô hạn/Tiến công kiên quyết/Đoàn kết hiệp đồng/Lập công tập thể".

Theo Nguyễn Đức Lúy
Quân Đội Nhân Dân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.