Châu Á sôi sục chạy đua vũ trụ

Châu Á sôi sục chạy đua vũ trụ
Thành công của 2 vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo của Triều Tiên và Hàn Quốc đã khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về sự bùng nổ của một cuộc đua vũ trụ tại châu Á mà cụ thể là khu vực Bắc Á.

> Hàn Quốc phóng thành công tên lửa
> Triều Tiên tuyên bố phóng tên lửa thành công

Mỹ và Nga vốn được xem là 2 đối thủ cạnh tranh khốc liệt trong cuộc đua lần đầu tiên vào vũ trụ trên thế giới. Song hành trình giành ngôi vị số 1 trong không gian sẽ trở nên ngày càng khốc liệt hơn trong thế kỷ 21 bởi sự góp mặt ngày càng đông của các quốc gia châu Á.

Daniel Pinkston – phó giám đốc dự án Đông Bắc Á thuộc Tổ chức khủng hoảng quốc tế có trụ sở tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc nhận định: “Bầu không khí cạnh tranh ngày càng sôi nổi với sự tham gia mạnh mẽ của Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc”.

Trong đó, cuộc đua vũ trụ chỉ giảm bớt độ “nóng” cho tới thời điểm cuối năm nay.

Theo kế hoạch, trong quý 2 năm 2013, Trung Quốc sẽ đưa tàu thám hiểm đặt chân lên Mặt trăng, tiếp bước thành công của năm 2003 và 2012 với sự kiện lần đầu tiên đưa phi hành gia và sau đó là một nữ phi hành gia vào không gian.

Trong khi đó, Ấn Độ hiện lên kế hoạch đưa một tàu thám hiểm không người lái tới sao Hỏa vào tháng 11 năm nay.

Hồi tháng 7 năm ngoái, chính phủ Nhật Bản thậm chí còn lần đầu tiên thành lập một Nội các chuyên xây dựng chiến lược chinh phục vũ trụ nhằm giám sát các chính sách và nguồn tài chính liên quan tới chương trình khám phá không gian.

Đỉnh điểm là vào ngày 12/12/2012, Triều Tiên đã bất ngờ phóng thành công tên lửa Unha-3 đưa một vệ tinh quan sát Trái đất vào quỹ đạo đã định.

Thành công của Triều Tiên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, khiến quốc gia cô lập này chịu thêm nhiều lệnh trừng phạt. Trái lại, Bình Nhưỡng thề sẽ tiến hành thêm các vụ phóng tên lửa trong tương lai.

Sự kiện phóng thành công tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo hôm 30/1 đã giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 5 tại châu Á và thứ 13 trên thế giới chinh phục không gian bao la.

Chạy đua vũ trụ hay vũ trang ?

Nhiều người cho rằng khả năng cuộc đua vũ trụ tại châu Á thực chất là một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Việc Hàn Quốc phóng tên lửa Naro-3 với tầm bắn lên tới 800 km có thể đẩy tình hình khu vực trở nên căng thẳng. Bởi nếu Naro-3 được sử dụng để đẩy một tên lửa đạn đạo, nó có thể vươn tới mọi khu vực tại Đông Á. Ngoài ra với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, mọi đối thủ cạnh tranh với Hàn Quốc sẽ vấp phải vô vàn khó khăn.

“Mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc là việc liệu Hàn Quốc sẽ là một trong những chiến lược đánh chặn do Mỹ triển khai. Việc Seoul nâng tầm bắn của các thế hệ tên lửa đạn đạo nhằm kiểm soát và ngăn chặn khả năng bành trướng của Trung Quốc”, Cheong Wooksik - giám đốc Mạng lưới Hòa Bình của Hàn Quốc tại Seoul nói.

Hiện nay, tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc đã có thể vươn tới mọi thành phố ven biển phía đông của Trung Quốc bao gồm trung tâm tài chính Thượng Hải, các thành phố cảng phía đông bắc như Thiên Tân, Thanh Đảo và cả thủ đô Bắc Kinh.

Đối xử thiên vị

Theo ông Cheong, trong khi Triều Tiên phản đối mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Hàn Quốc thì dường như cộng đồng quốc tế lại không đưa ra bất cứ lời bình luận nào. Điều đó sẽ khiến Triều Tiên đặt ra câu hỏi “Tại sao cộng đồng quốc tế lại phân biệt đối xử giữa 2 vụ phóng tên lửa của 2 quốc gia láng giềng?”.

Trong khi đó, hôm 22/1, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã chính thức phê chuẩn lệnh trừng phạt trước hành động bất ngờ phóng tên lửa hồi tháng 12 năm ngoái của Triều Tiên.

Các nhà phân tích cho rằng, phản ứng trước vụ phóng tên lửa thành công của Hàn Quốc hôm 30/1, giới quan chức Trung Quốc sẽ chọn biện pháp im lặng song Triều Tiên sẽ gây áp lực buộc Bắc Kinh phải đưa ra quan điểm của riêng mình.

Cạnh tranh khốc liệt

Trong lịch sử, sự hợp tác của các quốc gia châu Á trong hành trình khám phá vũ trụ lại thiên về tính cạnh tranh hơn là giúp đỡ lẫn nhau.

Theo ông Pinkston, mặc dù Nhật Bản từng đảm nhận trách nhiệm đưa một vệ tinh của Hàn Quốc vào quỹ đạo song trong những lĩnh vực khác như thám hiểm khoa học, viễn thám hay phóng tàu vũ trụ có người lái lại hoàn toàn bị giới hạn.

Theo Minh Thu
Infonet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG