Nga nâng cấp Yak – 130 thành cường kích cơ

Nga nâng cấp Yak – 130 thành cường kích cơ
TPO - Irkut đang bắt tay vào phát triển phiên bản chiến đấu của dòng máy bay huấn luyện Yak-130 trong bối cảnh thị trường có nhu cầu lớn về các dòng máy bay đa nhiệm có khả năng cường kích mặt đất.
Máy bay Yak-130 của Không quân Nga
Máy bay Yak-130 của Không quân Nga.

Thông tin được tờ Izvestia đăng tải dẫn theo các nguồn tin từ Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết ngày 11-2.

Theo đó, giai đoạn phát triển đầu tiên của Yak-130 phiên bản chiến đấu sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2013-2014 và dựa trên nguồn tài chính độc lập của Tập đoàn Irkut.

Mục tiêu chính của việc nâng cấp phiên bản Yak-130 là nhằm tăng cường khả năng xuất khẩu của Yak-130 ra thị trường thế giới trong thời điểm thị trường có nhu cầu lớn về các dòng máy bay đa nhiệm có khả năng cường kích mặt đất.

Theo nguồn tin, Yak-130 sẽ được trang bị thiết bị hỗ trợ quan sát quang-hồng ngoại cho phép phát hiện, bám dẫn mục tiêu trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết; rađa hàng không… qua đó giúp Yak-130 có thể tận dụng các dòng vũ khí chính xác dẫn đường bằng hình ảnh, laser hoặc vệ tinh.

Thông tin từ Tập đoàn chế tạo hàng không Thống nhất Nga cũng cho biết, Yak-130 đã được trang bị khả năng tiếp liệu trên không để tăng tầm hoạt động lên tới 4.000-5.000km. Tuy nhiên, các thông tin cụ thể về phiên bản này không được tiết lộ.

Trước đó, hồi tháng 5-2012, Tư lệnh Không quân Nga, Alexander Zelin, tuyên bố đang xem xét khả năng phát triển cường kích cơ hạng nhẹ dựa trên máy bay Yak-130 (tên mã là Yak-131). Tuy nhiên, ý tưởng này sau đó đã bị hủy bỏ do Yak-130 không đảm bảo khả năng bảo vệ phi công, lượng vũ khí mang theo thấp với vai trò là máy bay cường kích và việc máy bay loại này chỉ nên do một phi công điều khiển thay vì hai như máy bay huấn luyện.

Yak-130 là loại máy bay thế hệ mới. Ưu điểm quan trọng nhất của loại máy bay này là tính năng kép: Yak-130 có thể được sử dụng như máy bay huấn luyện hoặc như phi cơ cường kích hạng nhẹ.

Dù có vẻ gọn nhẹ và không đắt tiền (rẻ bằng một phần ba giá thành máy bay tương tự do nước ngoài sản xuất) nhưng Yak-130 vẫn có khả năng mang theo nhiều loại vũ khí.

Nga nâng cấp Yak – 130 thành cường kích cơ ảnh 2

Yak-130 phục vụ công tác huấn luyện phi công sẽ bay trên các máy bay Su và MiG, kể cả các loại phi cơ hiện đại bậc nhất như Su-35, MiG-35. Yak-130 còn được sự trù cả cho mẫu máy bay tiêm kích thế hệ 5 là T-50 tương lai, hiện đang ở giai đoạn thử nghiệm.

Yak-130 được thiết kế có cánh hình mũi tên và được bố trí giữa thân như các loại chiến đấu cơ thế hệ 4+ và 5 nhằm tận dụng lực nâng của cánh. Cánh đuôi được bố trí thấp hơn cánh chính làm cho mọi chuyển động của máy bay linh hoạt hơn và giúp phi công lựa chọn góc tấn công lớn.

Máy bay được thiết kế buồng lái hai chỗ ngồi và hai động cơ turbin phản lực, có tuổi thọ 10.000 giờ bay và có thể tăng hạn lên 15.000 giờ bay, tương ứng 20.000 lần cất hạ cánh với niên hạn sử dụng là 30 năm.

Là dạng máy bay huấn luyện nên ghế ngồi của Yak-130 được thiết kế kiểu ghế trước, ghế sau và vòm kính được đặt cao cho phép phi công có tầm quan sát rộng hơn và khả năng "khóa" mục tiêu tốt hơn. Buồng lái máy bay được che hoàn toàn bằng kính thủy tinh có khả năng chống đạn và được trang bị hệ thống tạo khí oxy trên khoang lái.

An Huy
theo Lenta, Izvestia

Theo Viết
MỚI - NÓNG