TQ tham vọng 32.000 máy bay không người lái

TQ tham vọng 32.000 máy bay không người lái
TPO - Ước tính, hiện nay Trung Quốc đang cần 32. 000 chiếc máy bay không người lái (UAV) để phục vụ cho các tham vọng của mình.

TQ tham vọng 32.000 máy bay không người lái

> Thử nghiệm máy bay do Việt Nam chế tạo

> Máy bay không người lái lần đầu cất cánh từ tàu sân bay 

TPO - Ước tính, hiện nay Trung Quốc đang cần 32. 000 chiếc máy bay không người lái (UAV) để phục vụ cho các tham vọng của mình.

Mới đây, tạp chí National Defense của Mỹ đã đăng tải bài viết về nhu cầu sử dụng máy bay không người lái trên toàn thế giới đang tăng mạnh, đặc biệt là ở châu Á.

TQ tham vọng 32.000 máy bay không người lái ảnh 1

  Máy bay không người lái X-47B của Mỹ trên tàu sân bay

Bài viết cho biết, có lẽ quân đội Mỹ là quân đội sở hữu và sử dụng máy bay không người lái thu hút sự chú ý của dư luận nhất. Tuy nhiên Mỹ không phải là khách hàng duy nhất của loại máy bay gây tranh cãi này. Việc Mỹ sử dụng máy bay không người lái và gặt hái được những thành công lớn trên chiến trường Iraq và Afghanistan đã được báo chí các nước thỏa sức thổi phồng. Trước sự khích lệ này, các nước ở các châu lục, trừ châu Nam Cực đều đang nghiên cứu hoặc nóng lòng muốn mua UAV. Trên thị trường thế giới, hiện đang có 4.000 máy bay không người lái được tiêu thụ.

Máy bay không người lái trinh sát và tấn công tầm xa X-47B UCAS của Mỹ
Máy bay không người lái trinh sát và tấn công tầm xa X-47B UCAS của Mỹ.
 

Bài viết cho biết, dư luận cảm thấy lo ngại về việc máy bay không người lái được tiêu thụ rộng rãi trên thế giới, chủ yếu là do loại máy bay này có thể sử dụng vào mục đích gây chết người. Nhưng chỉ có những loại máy bay không người lái tiên tiến như “Global Hawk” (Chim ưng toàn cầu) hay “Predator” (Quái vật ăn thịt) mới có thể làm được, và trên thực tế, quân đội Mỹ và giới trong ngành đã thống trị trong lĩnh vực chế tạo, sử dụng UAV. Các nhà phân tích cho rằng, máy bay không người lái sẽ ngày càng trở nên nhỏ gọn hơn để thực hiện các nhiệm vụ thu thập tình báo, giám sát và trinh sát.

Máy bay không người lái đã phục vụ trong quân đội mấy chục năm, nhưng gần 1 thập kỷ qua, do Mỹ sử dụng công khai máy bay không người lái trên chiến trường Iraq và Afghanistan, số lượng máy bay này gia tăng nhanh chóng. Derrick Maple -Nhà phân tích quân sự của Công ty nghiên cứu và phân tích công nghiệp HIS của Mỹ cho biết, trong 5 năm qua, nhu cầu máy bay không người lái trên toàn cầu tăng trưởng ở mức hai con số mỗi năm, nhu cầu của khách hàng Mỹ chiếm 2/3 thị trường.

Ông Derrick Maple cho biết, thị trường máy bay không người lái của Mỹ tiếp tục thu hẹp trong 5 năm tới, nhưng sau đó sẽ phục hồi trở lại, có thể sẽ còn vượt cả quy mô hiện nay. Mỹ vẫn sẽ là khách hàng mua máy bay không người lái lớn nhất, chiếm 45% thị trường toàn cầu.

Bài viết chỉ ra rằng, ước tính ngân sách chi cho hoạt động phòng ngự bằng máy bay không người lái của toàn cầu sẽ đạt 13,4 tỉ USD vào cuối năm 2013. Ngân sách chi cho hệ thống máy bay do thám không người lái của Bộ Quốc phòng Mỹ là 6,5 tỉ USD, chiếm gần một nửa. Bắc Phi, châu Âu và châu Á là thị trường lớn nhất về máy bay không người lái.

Theo báo cáo nghiên cứu của Hiệp hội hệ thống máy bay không người lái quốc tế, trong tổng ngân sách phòng ngự chi cho hệ thống không có người điều khiển, máy bay không người lái chiếm gần 90%. Năm 2013, ngân sách chi cho máy bay không người lái trên toàn cầu là 11 tỉ USD, ngân sách chi cho hệ thống phòng ngự mặt đất và trên biển là 2,4 tỉ USD.

Trung Quốc cần 32.000 máy bay không người lái

Giống như các loại máy bay quân sự khác, do ngân sách chi cho hoạt động phòng ngự bằng máy bay không người lái của Mỹ bị cắt giảm, các nhà thầu quốc phòng sản xuất loại máy bay này liền tìm cách lôi kéo khách hàng nước ngoài. Triển lãm hàng không và quân sự quốc tế đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nhu cầu sử dụng máy bay không người lái đã được thể hiện rõ nét trên triển lãm hàng không Paris năm nay . Đây là một trong những triển lãm công nghiệp lớp nhất thế giới. Đặc biệt là các công ty của Mỹ và Israel, vài năm trở lại đây họ đã tăng cường marketing máy bay không người lái với các khách hàng nước ngoài. Ông Tom Kallman - Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty quốc tế Kallman, đơn vị tổ chức triển lãm cho biết: “Mấy năm trở lại đây, chúng tôi phát hiện ra rằng ngành công nghiệp không người lái đã từ một ngành công nghiệp mới nổi biến thành một ngành công nghiệp chính quy khổng lồ”.

Chiếc máy bay không người lái Wing Loong của Trung Quốc giống một cách kỳ lạ với chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ
Chiếc máy bay không người lái Wing Loong của Trung Quốc giống một cách kỳ lạ với chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ .
 

Bài viết còn chỉ ra rằng, việc sản xuất và mua sắm máy bay không người lái không chỉ bó hẹp ở phương Tây. Sự đầu tư của Trung Quốc đối với loại máy bay không người lái xét về lượng thậm chí chí còn vượt cả Mỹ. Ông Derrick Maple cho biết, đến năm 2014, nhu cầu của Trung Quốc về máy bay không người lái sẽ lên tới khoảng 32.000 chiếc, trở thành khách hàng lớn nhất thế giới. Chính phủ Trung Quốc lên kế hoạch bắt đầu sử dụng máy bay không người lái để thăm dò và tuần gia biên giới bờ biển quốc gia. Lực lượng lục quân Trung Quốc đang đưa 1.000 chiếc máy bay không người lái có thể cất cánh/hạ cánh theo phương thẳng đứng vào chiến trường.

Ông Derrick Maple còn nói thêm rằng: “Trung Quốc đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chế tạo máy bay không người lái, tốc độ có thể nói là nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào, xét về công nghệ và tính năng, có thể còn vượt phương Tây. Trung Quốc đã sử dụng máy bay không người lái vào các nhiệm vụ an ninh tình báo được mấy năm. Trong tương lai có thể trang bị thêm vũ khí và phục vụ cho xuất khẩu”.

Đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã bày tỏ cần nhiều loại máy bay không người lái, đặc biệt là thời gian vừa qua, đối thủ chung của họ là Triều Tiên liên tiếp tung ra nhiều ngôn luận và động thái cứng rắn. Hai nước cần loại máy bay không người lái hoạt động ở tầm trung và tầm cao. Hàn Quốc còn muốn mua loại máy bay tầm cao dùng để giảm sát khu vực biên giới tiếp giáp với Triều Tiên. Mặc dù quốc gia cô lập như Triều Tiên không thể nghiên cứu và chế tạo ra loại máy bay này, nhưng họ đã bày tỏ mong muốn được sở hữu loại máy bay không người lái chiến thuật tầm trung và máy bay không người lái có thể mang theo bom mìn.

Tháng 2-2013 vừa qua, tại Triển lãm phòng ngự quốc tế Abu Dhabi ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, lần đầu tiên trong lịch sử ban tổ chức dành hẳn một khu vực riêng để trưng bày các hệ thống không người lái. Theo thông tin từ ban tổ chức, giai đoạn 2012-2021, thị trường máy bay không người lái của Trung Đông đạt giá trị 1 tỉ USD. Israel sẽ lũng đoạn trong thời gian dài hoạt động sản xuất loại máy bay này ở khu vực Trung Đông, nhưng nhu cầu của khu vực tiếp tục tăng nhanh, trong đó tăng nhanh nhất là Arab Saudi, Ai Cập, Iraq và Các tiểu vương quốc Arap thống nhất.

Công ty Insitu (công ty con của Boeing) tuyên bố đã ký kết được hiệp định hợp tác với công ty đầu tư hệ thống tự động Abu Dhabi, cung cấp cho công ty này chương trình đào tạo, ủng hộ và marketing loại máy bay không người lái “ScanEagle” và “Integrator”. Các vụ giao dịch này có thể mở rộng ra cả Trung Đông và Bắc Phi.

Cũng như các khu vực khác, cùng với sự leo thang của cục diện trong khu vực, việc bố trí máy bay không người lái ở khu vực Trung Đông sẽ tăng cao. Hai bên của thùng thuốc súng này đã có được khả năng tự chế tạo máy bay không người lái. Israel hiện đang dẫn đầu thế giới về hoạt động sản xuất, sử dụng và xuất khẩu máy bay không người lái. Iran cũng đang tập trung phát triển lĩnh vực trên. Ít nhất Iran đang có hai loại máy bay không người lái chiến thuật đang phục vụ trong quân đội: máy bay không người lái bay lâu - độ cao trung bình và máy bay không người lái đa nhiệm vụ “Hassem”. Cùng với đó, Mỹ đã bán cho hải quân Iraq máy bay trinh thám không người lái phi vũ trang để bảo vệ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.

Tại Nam Á, Ấn Độ và Pakistan đang triển khai cuộc chạy đua máy bay không người lái. Từ trước đến nay Ấn Độ dựa vào Israel để mua loại máy bay này, nhưng gần đây cũng đã tăng cường tốc độ nghiên cứu chế tạo để có thể tự sản xuất. Hiện nay quốc gia này đang sử dụng loại máy bay không người lái bay lâu - độ cao trung bình, ngoài ra còn có mấy loại đang trong quá trình chế tạo. Pakistan- đất nước nằm ở phía Tây Bắc Ấn Độ là khu vực mà máy bay không người lái của Mỹ thường tấn công các phần tử Hồi giáo cực đoan, cũng mong được sở hữu loại máy bay không người lái bay lâu - độ cao trung bình, có thể sẽ bắt tay với Trung Quốc để sản xuất UAV.

Nhu cầu còn tăng mạnh

Bài viết còn chỉ ra rằng, vấn đề an ninh biên giới, tội phạm có tổ chức và buôn lậu thuộc tăng mạnh đã khiến nhu cầu sử dụng máy bay không người lái ở Nam Mỹ và Bắc Mỹ gia tăng. Canada muốn mua hệ thống máy bay không người lái bay lâu - độ cao trung bình cho lực lượng không quân và hải quân nước này. Canada còn chuẩn bị mua loại máy bay không người lái có thể tuẩn tra ở khu vực Bắc Cực rộng lớn. Quốc gia này đang nghiên cứu loại máy bay không người lái “Polar Hawk”, đây là loại máy bay “Global Hawk” có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát ở tầm cao trong thời gian dài và trong môi trường khắc nghiệt ở Bắc Cực. Ngoài ra, Brazil và một số nước Nam Mỹ khác cũng có nhu cầu tương tự. Brazil đã mua mấy chiếc máy bay không người lái “Hermes 450” của Công ty hệ thống Elbit Israel cho lực lượng lục quân và hải quân nước này sử dụng.

Argentina và Bolivia đang xem xét sử dụng máy bay không người lái để truy quét các phần tử buôn lậu thuốc phiện. Quân đội Mexico thì mong muốn trang bị loại máy bay không người lái chiến thuật mini cho hải quân nước này nhằm thực hiện các nhiệm vụ an ninh nội đại. Venezuela đang có dự định sẽ mua máy bay không người lái để tuần tra biên giới và quan trắc môi trường.
Tại bờ bên kia Đại Tây Dương, châu Âu và châu Phi cũng có nhu cầu mạnh mẽ. Các nhà phân tích dự đoán, nếu tổ hợp lại các hoạt động nghiên cứu và sản xuất máy bay không người lái trong nội bộ châu Âu thì có thể đối trọng với Mỹ và Israel. Ông Derrick Maple cho biết: “Tôi cho rằng Pháp, Đức, Italy và Anh có thể hợp tác rộng rãi trên lĩnh vực máy bay không người lái, vì việc sản xuất trùng lặp sẽ không có ý nghĩa”.

NATO đã mua 4 chiếc “Global Hawk Block 40”. Nga thì lũng đoạn thị trường Đông Âu, chiếm ¾ nhu cầu của khu vực. Ông Derrick Maple phân tích rằng, Nga còn đang thương thảo với Israel về vấn đề nghiên cứu về chế tạo loại máy bay không người lái thích hợp với các môi trường khác nhau. Nhà thầu quốc phòng Sukhoi của Nga đang nghiên cứu loại máy bay không người lái có khả năng tấn công và trinh sát. Hai nước láng giềng của Nga là Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng rât muốn được sở hữu công nghệ sản xuất máy bay không người lái, đặc biệt là loại máy bay không người lái bay lâu - độ cao trung bình.

Quốc gia duy nhất ở châu Phi có thể tự sản xuất máy bay không người lái là Nam Phi. Năm 2012, Kenia có được chiếc máy bay không người lái “Raven” đầu tiên. Tuy nhiên, ông Derrick Maple cho biết, đối với việc sử dụng máy bay không người lái để tuần tra biên giới, thực hiện các nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát, chống khủng bố thì châu Phi sẽ có rất nhiều cơ hội.

Trong 10 năm tới, nhu cầu máy bay không người lái trên toàn cầu có ít nhất ¼ đến từ bên ngoài nước Mỹ, đối với các nhà thầu quốc phòng Mỹ, đây là một tin vui.

Huy Long (tổng hợp)

Theo Viết
MỚI - NÓNG