Bài thơ tình vượt đại dương

Bài thơ tình vượt đại dương
TP - Cô gái quê lúa Thái Bình Nguyễn Thị Mỹ đã giành giải nhất cuộc thi “Cảm xúc Trường Sa” và thực hiện được ước mơ cháy bỏng của mình là ra đảo Sinh Tồn, Trường Sa thăm chồng.

> Lá thư tình nhờ người viết hộ
> Chuyện tình mai mối của thượng tá 'phòng không'

Cháy bỏng những khát khao

Cuộc thi “Cảm xúc Trường Sa” tổ chức đầu tháng 9/2011 để bạn đọc kể lại kỷ niệm đáng nhớ, bày tỏ suy nghĩ của mình về chủ quyền biển đảo nói chung và Trường Sa nói riêng. Chị Nguyễn Thị Mỹ đăng ký dự thi với một ước mơ cháy bỏng là được thăm chồng ở đảo Sinh Tồn.

Thời điểm ấy, chồng chị, Trung úy Phạm Quốc Huy nhận mệnh lệnh đi đảo Sinh Tồn với chức vụ Phó đảo Trưởng hậu cần. Trường Sa tháng 9 mùa biển động, con tàu nhỏ bé như lá tre vật vã với sóng bão suốt 12 ngày đêm. Huy gọi điện về báo với vợ: “Bão to quá tàu không thể thả xuồng, anh và đồng đội vẫn ở dưới tàu chống bão”. Mỹ chia sẻ: “Khi biết thông tin về cuộc thi “Cảm xúc Trường Sa” mình nghĩ đến anh ấy đang công tác ở đảo xa. Nếu bài thơ được đăng, chồng mình sẽ đọc được và hiểu được khát vọng làm mẹ của mình”.

Ngày 16/9/2011, Mỹ gửi bài thơ dự thi. Tháng 2/2012, chị nhận được tin đạt giải nhất. Hôm nhận giải, đứng trên sân khấu chị không nói nên lời. Khi mọi người dưới khán phòng yêu cầu tác giả đọc bài thơ đạt giải, Mỹ nghẹn ngào: Chưa bao giờ em được đến đảo xa/Chỉ biết trên báo, đài, vô tuyến/Rồi một ngày được nghe anh kể chuyện/Lòng bỗng thấy nôn nao/Ngày anh đi, em nước mắt tuôn trào/Sợ sóng gió sẽ làm anh gục ngã/Sợ xa quê sẽ làm anh vất vả/ Sợ vô hình, nỗi sợ chẳng thành tên/Anh đi rồi để lại chút tình riêng/Để nhớ thương trong tim người vợ trẻ/Dẫu nhủ lòng rằng mình luôn mạnh mẽ/Cũng chẳng thể nào ngăn giọt nước mắt rơi...

Những vần thơ đong đầy yêu thương của Mỹ làm lay động trái tim nhiều người dự lễ trao giải. Khổ cuối bài thơ chị tâm sự với chồng: Anh yêu ơi! không biết đến khi nào/ Em được nhìn thấy những điều anh kể/ Nhưng em tin có một ngày như thế/ Được thăm anh trên đảo Sinh Tồn.

Sau khi đạt giải, chị Mỹ được mời đi thăm Trường Sa.

Giây phút trên cầu Cảng

Vợ chồng Huy - Mỹ viếng chùa Sinh Tồn
Vợ chồng Huy - Mỹ viếng chùa Sinh Tồn .
 

Trong chuyến tàu chở 120 thành viên thăm Trường Sa tháng 5/2012, chị Mỹ trở thành nhân vật đặc biệt. Mỹ kể lại chuyện tình của mình: Mỹ và Huy tình cờ gặp nhau ở huyện Tiền Hải, Thái Bình. Khi ấy Huy về phép từ Lữ đoàn 147 Hải quân đóng quân ở Quảng Ninh. Đám cưới tổ chức gọn nhẹ sau hơn một năm yêu nhau bằng thư. Huy tiếp tục trở lại đơn vị huấn luyện. “Thật ra cưới nhau 4 năm nhưng thời gian vợ chồng gặp nhau đếm trên đầu ngón tay”, chị Mỹ chia sẻ.

Tàu HQ - 936 của Vùng 4 Hải quân chở chúng tôi đến đảo Sinh Tồn. Buổi sáng trời nổi giông. Chị Mỹ choàng chiếc áo mưa màu huyết dụ xuống xuồng CQ số 2. Theo lịch hải trình, tàu HQ- 936 chỉ dừng ở đảo Sinh Tồn 2 tiếng, nghĩa là chị Mỹ được gặp chồng chừng ấy thời gian.

Chiếc xuồng CQ số 2 lao về phía đảo. Mỹ cầm bó hoa nhựa trên tay. “Quốc Huy đâu, ra đón Mỹ đi”, một chị ở trên xuồng gọi to khi xuồng cách cầu cảng chừng mười mét. Một chiến sĩ trên cảng nói vọng ra: “Anh Huy đi ra đón chị Mỹ rồi”. Vì nóng lòng anh Huy đã đi xuồng ra tàu đón vợ. Hai chiếc xuồng “lệch pha” nhau, chồng tìm vợ trên tàu, vợ tìm chồng cầu cảng.

Chúng tôi rơi nước mắt khi tận mắt chứng kiến phút giây trùng phùng của đôi vợ chồng trẻ. Huy ôm chầm lấy vợ: “Mấy tuần nay anh không sao ngủ được”. Mỹ chẳng nói nên lời.

Vợ chồng Huy - Mỹ được đảo Sinh Tồn bố trí một phòng riêng. Hai vợ chồng mừng rỡ khi được thông báo Mỹ sẽ được ở lại thăm chồng 10 ngày, về đất liền chuyến tàu sau.

Chiếc xuồng CQ số 2 lao về phía đảo. Mỹ cầm bó hoa nhựa trên tay ngóng tìm chồng trong số các chiến sĩ đang đứng trên cầu cảng. “Quốc Huy đâu, ra đón Mỹ đi”, một chị ở trên xuồng gọi to khi xuồng cách cầu cảng chừng mười mét. Một chiến sĩ trên cảng nói vọng ra: “Anh Huy đi ra đón chị Mỹ rồi”. Vì nóng lòng Huy đã theo xuồng ra tàu đón vợ. Hai chiếc xuồng “lệch pha” nhau, chồng tìm vợ trên tàu, vợ tìm chồng cầu cảng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG