Ấn Độ vật lộn với đội tàu ngầm 'hưu trí'

Ấn Độ vật lộn với đội tàu ngầm 'hưu trí'
TP - Các thợ lặn Ấn Độ đang tìm kiếm chiếc tàu ngầm phát nổ rồi chìm nghỉm hôm 14/8, mang theo 18 thủy thủ. Nước này cũng đang chật vật trẻ hóa đội tàu ngầm, trong nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trên Ấn Độ Dương.

> Cháy nổ tàu ngầm Ấn Độ, 18 người chết
> Ấn Độ xác nhận thủy thủ thiệt mạng, Nga bác nguyên nhân kỹ thuật

Người ta chưa tìm ra nguyên nhân cháy nổ dữ dội trên tàu ngầm INS Sindhurakshak chạy bằng điện và dầu diesel. Nguyên nhân phá hoại không bị loại trừ, dù giới chức Ấn Độ nói rằng, khả năng này là rất thấp. Một số chuyên gia Ấn Độ cho rằng, nguyên nhân có thể là sự cố kỹ thuật trong lúc nạp ắc-quy, dẫn tới nổ ngư lôi.

Việc tìm kiếm thi thể thủy thủ đoàn cũng như trục vớt INS Sindhurakshak hiện gặp nhiều khó khăn vì tàu đầy nước biển; sức nóng của hai vụ nổ lớn khiến nhiều phần phía trong thân tàu tan chảy, làm biến dạng các cửa hầm chứa, bịt lối vào các khoang kín. Các máy bơm công suất lớn đang bơm nước ra để giúp tàu nổi lên.

Phúc bất trùng lai

Ngày 15/8, trong khi Ấn Độ long trọng kỷ niệm ngày Độc lập (15/8/1947 - 15/8/2013), Thủ tướng Manmohan Singh buồn rầu phát biểu: “Một điều rất đau buồn là chúng ta đã mất tàu ngầm INS Sindurakshak trong một tai nạn hôm qua. E rằng 18 thủy thủ dũng cảm đã thiệt mạng”.

Thủ tướng Manmohan Singh nói rằng, sẽ còn đau thương hơn nếu xét đến thực tế là Hải quân Ấn Độ mới đây hạ thủy thành công tàu ngầm nội địa đầu tiên và tiếp nhận một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Ngày 12/8, Ấn Độ hạ thủy Vikrank - tàu sân bay đầu tiên do nước này tự thiết kế, chế tạo. Trước đó, Ấn Độ đưa vào hoạt động lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm tấn công do nước ngày tự thiết kế.

Theo các nhà phân tích, những năm gần đây, khi thấy nước láng giềng Trung Quốc phát triển hải quân, Ấn Độ tích cực nâng cao năng lực hải quân, nhưng gặp phải một số trục trặc.

Năm ngoái, Ấn Độ tiếp nhận tàu ngầm Nerpa của Nga với giá gần 1 tỷ USD, trở thành nước thứ 6 sở hữu, vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sau Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, Nga cung cấp khoảng 70% khí tài quân sự cho Ấn Độ.

INS Sindhurakshak do Nga đóng năm 1995, mới đây được Cty Nga Zvyozdochka nâng cấp với chi phí 80 triệu USD, có thể được trang bị tên lửa và ngư lôi.

Zvyozdochka nói rằng, mọi chức năng của INS Sindhurakshak đều ổn khi tàu được đưa trở lại Ấn Độ hồi tháng 1. INS Sindhurakshak là một trong 10 tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga giai đoạn 1986 - 2000. Tàu được trang bị hệ thống tên lửa hành trình Club-S của Nga, có thể tấn công các mục tiêu trên biển và đất liền trong khoảng cách 200 km.

INS Sindhurakshak được gửi tới Nga để sửa chữa năm 2010, sau khi một thủy thủ trên tàu ngầm thiệt mạng trong vụ cháy bùng phát trong khoang chứa ắc-quy, trong khi tàu đậu tại căn cứ hải quân Vishakhapatnam hồi tháng 2 năm đó.

Thân Sindhurakshak được tân trang, nhiều hệ thống khác, trong đó có hệ thống làm mát được cải tiến, giúp tăng tuổi thọ của tàu thêm ít nhất 10 năm. Tuy nhiên, với vụ cháy nổ dữ dội vừa rồi, rất ít khả năng Hải quân Ấn Độ và phía Nga có thể phục hồi Sindhurakshak.

Họa vô đơn chí

Kiểm toán chính phủ Ấn Độ mới đây báo cáo rằng, Hải quân nước này đang thiếu tàu ngầm, trong khi đó 63% số tàu đến tuổi nghỉ hưu vào cuối năm nay. Việc nâng cấp tàu thường xuyên bị chậm trễ, kéo dài, vì nhiều tàu lớp Kilo loại 877 (giống như Sindhurakshak) cần được gửi tới Nga. “Hải quân đang phải sử dụng đội tàu lão hóa với hơn một nửa số tàu ngầm đã đi hết 75% tuổi đời và một số đã phục vụ quá tuổi nghỉ hưu”, báo cáo viết.

Trong giai đoạn 2014-2015, Hải quân Ấn Độ chỉ còn 9 tàu hoạt động. Con số hiện nay là 14 tàu ngầm chạy điện và diesel, trong đó có 8 tàu lớp Kilo của Nga, 4 tàu Type 1500 của Đức… Trong khi đó, lịch giao hàng đối với 6 chiếc Scorpene (tàu ngầm tuần tra chạy điện và diesel của Pháp) dự kiến từ năm 2012 tới 2017 phải lùi lại vì các vấn đề kỹ thuật và tài chính. Tổng mức đầu tư cho 6 tàu đóng tại Ấn Độ theo thiết kế Pháp này là 4,2 tỷ USD.

Giới chức Hải quân Ấn Độ nói rằng, chiếc Scorpene đầu tiên sẽ bị chuyển giao muộn 3 năm. Cụ thể, lịch giao hàng mới sẽ là từ cuối năm 2015 đến 2019 hoặc 2020.

Trong khi đó, kế hoạch nhập khẩu 2 tàu ngầm và tự đóng 4 tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ đang bị vướng nhiều khâu, trong đó có việc tranh cãi kéo dài về việc nên đặt hàng nhà máy đóng tàu tư nhân hay của nhà nước.

Theo các chuyên gia quân sự, Ấn Độ và Trung Quốc ngày càng đua tranh về hải quân, hàng hải trên Đại Tây Dương và vịnh Bengal. Ấn Độ tập trung vào nhóm đảo Andaman và Nicobar ở ngoài khơi phía đông nam nước này, nằm sát các tuyến đường biển quan trọng. Ấn Độ hiện có 14 tàu ngầm, còn Trung Quốc có khoảng 65 chiếc, trong đó một số ít được trang bị tên lửa đạn đạo.

Trúc Quỳnh
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.