'Tác chiến không-biển có thể châm ngòi chiến tranh hạt nhân Mỹ-Trung'

'Tác chiến không-biển có thể châm ngòi chiến tranh hạt nhân Mỹ-Trung'
TPO- Tờ Hoàn Cầu cảnh báo chiến lược “tác chiến không-biển” của Mỹ có thể gây ra chiến tranh không thể kiểm soát, thậm chí có thể châm ngòi chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc.

'Tác chiến không-biển có thể châm ngòi chiến tranh hạt nhân Mỹ-Trung'

> Giải mã "ngón đòn" ghê gớm của Nga nhằm suy yếu Trung - Mỹ

> Mỹ xây dựng 'NATO châu Á' ngăn chặn Trung Quốc? 

TPO- Tờ Hoàn Cầu cảnh báo chiến lược “tác chiến không-biển” của Mỹ có thể gây ra chiến tranh không thể kiểm soát, thậm chí có thể châm ngòi chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tiến sĩ John Lee – chuyên gia của Trung nghiên nghiên cứu an ninh quốc tế trường Đại học Sydney và Viện nghiên cứu Hudson ở Washington DC phân tích trong bài viết trên trang businessspectato.com của Australia về hậu quả cuộc đối đầu giữa chiến lược “tác chiến không-biển” của Mỹ và chiến lược “chống tiếp cận' của Trung Quốc.

20 năm nhẫn nhục mài gươm

Giai đoạn 1995-1996, trong quá trình tranh cử, do nhà cựu lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy kêu gọi ủng hộ Đài Loan độc lập, Trung Quốc đại lục đã tổ chức hàng loạt cuộc tập trận quân sự giữa hai bờ eo biển để uy hiếp. Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton đã cử tàu sân bay USS Freedom và 3 tàu tiếp viện tới khu vực này và gửi đi một thông điệp rõ ràng. Tại thời điểm đó, do không thể đánh thắng dù chỉ một hạm đội tàu sân bay của Mỹ, PLA đã buộc phải hậm hực xuống nước, cuộc khủng hoảng hai bờ eo biển lần thứ 3 kết thúc.

Hỏa lực được trang bị cho một hạm đội tàu sân bay của Mỹ còn lớn hơn cả một quốc gia trung bình. Mỹ có 11 hạm đội tàu sân bay, trong đó 5 cụm tàu sân bay xung kích được bố trí ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sự rút lui của Trung Quốc đại lục năm đó chỉ là điểm khởi đầu của một cuộc cạnh tranh về quân sự chứ không phải là điểm kết thúc. Từ năm 1990 đến 1991, trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, dựa vào hệ thống vũ khí tiên tiến và thông tin hóa của mình, Mỹ đã đánh bại quân đội Saddam Hussein, đây là điều khiến Bắc Kinh thực sự cảm thấy choáng váng. Cuộc khủng hoảng hai bờ eo biển lần thứ 3 càng khiến cho nước này nhận ra rằng phát triển quân sự là yêu cầu thực sự cấp bách. Hàng triệu lính Trung Quốc thời điểm ấy vẫn chỉ được trang bị các vũ khí từ thời chiến tranh lạnh, nếu dùng những vũ khí này để đối phó với công nghệ hàng đầu của Mỹ sẽ không bao giờ có thể chiến thắng.

Mỹ đã ngay lập tức cử tàu sân bay đến eo biển Đài Loan và gửi đi một thông điệp cứng rắn khi cuộc khủng hoảng xảy ra năm 1995-1996
Mỹ đã ngay lập tức cử tàu sân bay đến eo biển Đài Loan và gửi đi một thông điệp cứng rắn khi cuộc khủng hoảng xảy ra năm 1995-1996.

Trong 20 năm sau đó, Bắc Kinh lên kế hoạch xây dựng chiến lược “chống tiếp cận/phong tỏa khu vực”. Chiến lược này sử dụng các thiết bị quân sự và kỹ thuật của lực lượng lục quân, hải quân, không quân, mạng thông tin, không gian, dựa vào tàu ngầm, thủy lôi tiên tiến, vũ khí chống tàu... để tiêu diệt các hạm đội tàu sân bay của Mỹ, ngăn cản lực lượng này tiến vào bất kỳ khu vực chiến đấu hoặc khu vực địa chính trị nào, phá hủy “tai mắt” vốn giúp quân đội Mỹ chiếm được ưu thế chiến lược quan trọng. Chiến lược cuối cùng của Trung Quốc không phải nhằm giành được chiến thắng toàn diện trong chiến tranh, mà giáng cú đòn tấn công nặng nề vào hạm đội tàu sân bay Mỹ.

Mỹ bất an

Nhiều chuyên gia quân sự nhận định chiến lược của Trung Quốc khiến Mỹ bắt đầu cảm thấy bất an. Ưu thế chiến thuật mang tính áp đảo của Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với mối đe dọa để đáp trả với nguyên tắc tác chiến của “tác chiến không-biển” mà Mỹ xây dựng. Theo Lầu Năm Góc, trước những thách thức từ hệ thống vũ khí tiên tiến của Trung Quốc, mục đích của “tác chiến không- biển” là đảm bảo cho Mỹ có năng lực đánh bại đối thủ, giữ vững thế mạnh của mình.

Theo giới phân tích, nguyên tắc tác chiến của “tác chiến không biển” của Mỹ bao gồm: xâm nhập vào lãnh thổ đối thủ, tiêu diệt lực lượng tên lửa hiện đại, phá hủy hệ thống kiểm soát điều khiển của quốc gia này, đồng thời phá hoại hệ thống trinh sát, cảnh báo hoặc thu thập tình báo nhằm đề phòng nước này thực hiện chiến lược “chống tiếp cận”. Sở dĩ gọi đó là “tác chiến không biển” là do chiến lược này cần sử dụng các hệ thống vũ khí máy bay chiến đấu, tàu chiến, vệ tinh, năng lực thông tin, tàu ngầm, tên lửa của Mỹ để giữ vững thế mạnh độc tôn, đồng thời “đánh bại mạng lưới tác chiến của đối thủ”.

'Tác chiến không-biển có thể châm ngòi chiến tranh hạt nhân Mỹ-Trung' ảnh 2
 

Tờ Hoàn Cầu phê phán và cảnh báo nếu Mỹ áp dụng chiến lược “tác chiến không biển”, sẽ khiến Trung Quốc không còn sự lựa chọn nào khác, chỉ có thể thông qua mọi phương thức để thực hiện các chiến dịch quân sự nhằm đáp trả. Một số nhà phân tích uy tín thậm chí còn cho rằng, hậu quả của “tác chiến không-biển” có thể gây ra cuộc chiến tranh không thể kiểm soát, thậm chí có thể châm ngòi cho cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hoàn Cầu nhấn mạnh mục đích ban đầu của chiến lược “tác chiến không-biển” nằm ở việc muốn phá tan khái niệm “chuỗi đảo thứ nhất” của Trung Quốc (bắt nguồn từ quần đảo Kuril thuộc phía Đông của Nga, tiếp đó là Nhật Bản, Đài Loan, phía Bắc Philippines, quần đảo Borneo và Malaysia) bằng việc phát động các chiến dịch quân sự quan trọng với cường độ lớn. Một điều đáng chú ý là “tác chiến không-biển” được xây dựng để ngăn chặn năng lực “chống tiếp cận” của Trung Quốc. Những người phản đối chiến lược “tác chiến không - biển” cho rằng muốn chiến lược này thành công, Mỹ buộc phải tấn công phủ đầu trên quy mô lớn đối với các mục tiêu đất liền trong lãnh thổ Trung Quốc, trong khi đây là hành vi khiêu khích nghiêm trọng. Trong khi đó Trung Quốc đã dùng hơn 20 năm qua để dồn sức phát triển năng lực “chống tiếp cận” cho mình, nếu Mỹ không phát động đòn phủ đầu, “tác chiến không – biển” sẽ mất đi ý nghĩa.

Hiểm họa chiến tranh

Theo Hoàn Cầu, nếu trường hợp đó xảy ra sẽ đem lại hai vấn đề lớn. Trước hết, Mỹ tấn công phủ đầu vào lãnh thổ Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh không thể chấp nhận. Tờ báo diều hâu này cho rằng ngoài việc mở rộng xung đột, Bắc Kinh không còn sự lựa chọn nào khác, chỉ cần lúc ấy Mỹ 'kéo cò' nhẹ, cũng sẽ khiến Trung Quốc phải lựa chọn con đường để chiến tranh bùng nổ. Hiện tại, Mỹ đang cố gắng cải thiện mối quan hệ quân sự với Trung Quốc, một trong những nguyên nhân quan trọng của ý đồ này là mong muốn áp dụng biện pháp để né tránh mọi sự kiện xung đột có thể xảy ra. Có thể “tác chiến không – biển” sẽ có hiệu quả hoàn toàn ngược lại.

Thứ hai, nếu “tác chiến không – biển” trở thành nguyên tắc chủ yếu của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc ở khu vực này thì khi sự kiện ngày càng phát triển theo chiều hướng xấu đi, Hoàn Cầu khẳng định PLA (quân đội Trung Quốc) chỉ có thể áp dụng đòn tấn công phủ đầu để tấn công các tài nguyên quân sự của Mỹ. Vì nếu PLA để mất năng lực “chống tiếp cận”, thì sẽ mất đi hy vọng duy nhất để giành thắng lợi, từ đó để Mỹ nắm quyền kiểm soát toàn bộ.

Những người ủng hộ “tác chiến không – biển” phân tích nếu năng lực “chống tiếp cận” của Trung Quốc không có gì phải bàn cãi, và có thể ngăn chặn được sự xâm nhập của Mỹ thì chuỗi đảo thứ nhất sẽ biến thành cái gọi là “khu vực khai hỏa tự do chiến lược” hoặc “đảo không người” theo cách gọi của Elbridge Colby – một trong số các học giả đề xướng “chiến tranh không – biển”. Nếu PLA có khả năng chặn đứng quân đội Mỹ ở ngoài chiến trường của chuỗi đảo thứ nhất thì họ sẽ chiếm ưu thế cuối cùng, đây chính là điều Trung Quốc mong muốn. Nếu biển Hoa Đông xảy ra xung đột lớn, không có sự tham gia của Mỹ đồng nghĩa với việc lời cam kết an ninh mà Mỹ đã đưa ra với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ vô hiệu. Khi đó Tokyo, Đài Bắc và Seoul sẽ phải tái thiết lực lượng, rất có thể sẽ phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân, kết cục này mới là hậu quả mà Mỹ không thể ngờ nhất.

Cư dân mạng Trung Quốc phác họa chiến lược 'chống tiếp cận' tiêu diệt các cụm tàu sân bay xung kích của Mỹ
Cư dân mạng Trung Quốc phác họa chiến lược 'chống tiếp cận' tiêu diệt các cụm tàu sân bay xung kích của Mỹ.

Về vấn đề mối đe dọa từ phía Trung Quốc, những người chủ trương “chiến tranh không – biển” cho rằng khi nguyên tắc tác chiến này đã thành công, sẽ làm suy yếu rõ nét năng lực khai chiến của PLA với quân đội Mỹ. Từ đó khiến Trung Quốc không đủ sức để xem xét việc mở rộng các chiến dịch quân sự nhằm vào Mỹ. Kể cả PLA có muốn mạo hiểm một phen cũng sẽ nhanh chóng phát hiện ra rằng nếu xung đột leo thang, PLA sẽ mất nhiều hơn được. Hay nói cách khác, chỉ cần quân đội Mỹ có biện pháp bảo vệ phù hợp, PLA sẽ không thể phát động đòn tấn công phủ đầu đối với các tài nguyên quân sự của Mỹ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc không thể phá hoại chiến lược “tác chiến không - biển”. Chính vì thế có thể Trung Quốc sẽ không mạo hiểm thử nghiệm cách làm này. Một điều đáng lưu ý rằng “tác chiến không biển” có nhiều cấp độ khác nhau, PLA sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn rút lui ở một cấp độ nào đó.

Xét về ý nghĩa này, phe ủng hộ tác chiến không-biển cho rằng những người cảnh báo kết cục của chiến tranh sẽ lên tới cấp độ chiến tranh hạt nhân hoàn toàn không hiểu gì về tính linh hoạt của “tác chiến không – biển”. “Tác chiến không- biển” không phải là một nguyên tắc tác chiến theo kiểu “hoặc là toàn thắng, hoặc là thất bại” mà là mỗi khi bên địch áp dụng chiến thuật đẩy chiến tranh vào cấp độ nguy hiểm hơn, “chiến tranh không-biển” đều có biện pháp đối phó phù hợp bảo vệ sự tự do trong hành động của Mỹ. Ngoài ra phe ủng hộ “tác chiến không – biển” còn kiến giải nếu Mỹ không tập trung xây dựng lực lượng phòng ngừa, PLA sẽ càng ngang nhiên hô phong hoán vũ ở chuỗi đảo thứ nhất.

Tàu cao tốc tên lửa Houbei là một mắt xích trong chiến lược 'chống tiếp cận' của PLA
Tàu cao tốc tên lửa Houbei là một mắt xích trong chiến lược 'chống tiếp cận' của PLA.

Hoàn Cầu dẫn lời tiến sĩ John Lee cho rằng nếu PLA tin Mỹ sẽ giành được thắng lợi một cách nhẹ nhàng khi chiến tranh leo thang lên từng cấp độ, họ sẽ ít có khả năng đẩy cục diện leo thang. Mỗi khi cục diện tăng thêm một cấp độ nguy hiểm, Mỹ cần thận trọng lựa chọn mục tiêu tấn công. Ví dụ không thể ngay từ đầu đã ngắm vào hệ thống kiểm soát mệnh lệnh quan trọng hoặc lãnh đạo cấp cao của PLA, nếu không sẽ đẩy nguy cơ xung đột lên vài cấp độ.

Tuy nhiên sau khi trải qua bước giao chiến ban đầu, nếu năng lực “chống tiếp tận” của Trung Quốc về cơ bản không suy yếu nhiều, và thời điểm này các mục tiêu quan trọng trên đất liền của Trung Quốc đã bị tấn công, như vậy về mặt chính trị Bắc Kinh sẽ chẳng còn sự lựa chọn nào khác, buộc phải thúc đẩy PLA tiến hành chiến tranh. Lúc đó, PLA sẽ khởi động toàn diện năng lực “chống tiếp cận” cũng như các năng lực khác, khiến quân đội Mỹ phải trả giá nặng nề. Hoàn Cầu tự tin kết luận nếu Trung Quốc đánh chìm một mẫu hạm của Mỹ, hoặc phá hủy nghiêm trọng một hạm đội tàu sân bay của Mỹ thì lúc đó Washington buộc phải xem xét đến việc có cần thiết phải tiếp tục đảm bảo an ninh cho Đài Bắc hay Tokyo nữa hay không.

Tờ báo dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc cảnh báo hiện nay hải quân Mỹ muốn đẩy lùi PLA khỏi khu vực Đông Á hoặc Đông Nam Á mà không phải chịu thiệt hại gì lớn. Tuy nhiên, khi chiến tranh đã xảy ra thì cả hai nước Mỹ và Trung Quốc chắc chắn đều phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề, đặc biệt là Trung Quốc. Trong các cuộc chiến tranh lớn đã xảy ra trong quá khứ, sự leo thang nằm ngoài dự đoán hoặc những điều không thể tính từ trước thường gây ra bi kịch đẫm máu.

Huy Long
Theo Hoàn Cầu

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG