Nâng cấp Cục Cảnh sát biển

Nâng cấp Cục Cảnh sát biển
TPO – Tại Nghị định 96/2013/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết cụm từ "Cục Cảnh sát biển" được thay đổi thành "Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển"

> Cảnh sát biển nhận ba tàu hiện đại

> Thêm tàu tuần tra cho Cảnh sát biển

Lực lượng cảnh sát Biển Việt Nam
Lực lượng cảnh sát Biển Việt Nam. Ảnh: Công Khanh

Cũng theo nghị định, "Cục trưởng Cục Cảnh sát biển" thay đổi thành "Tư lệnh Cảnh sát biển", thay đổi cụm từ “Vietnam Marine Police” thành “Vietnam Coast Guard”. Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là Vietnam Coast Guard.

Theo Nghị định 96/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, hoạt động theo các quy định của pháp luật Việt Nam; tôn trọng và tuân thủ các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội về quản lý Nhà nước đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu có hình quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, có trụ sở tại thành phố Hà Nội; kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp và được ghi riêng một mục trong tổng kinh phí hoạt động của Bộ Quốc phòng.

Tư lệnh, Chính ủy, Phó Chính ủy và các Phó Tư lệnh Cảnh sát biển do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trang phục của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam gồm cảnh hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, cảnh phục và lễ phục của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Nghị định 96/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 12/10/2013.

Theo Viết
MỚI - NÓNG