Mỹ bán vũ khí cho Indonesia, tạo đối trọng Biển Đông

Mỹ bán vũ khí cho Indonesia, tạo đối trọng Biển Đông
TPO - Tờ Asia Weekly của Hồng Kông số mới nhất đăng tải bài viết có nhan đề “Đằng sau sự hợp tác quân sự giữa Mỹ và Indonesia”.

Mỹ bán vũ khí cho Indonesia, tạo đối trọng Biển Đông

TPO - Tờ Asia Weekly của Hồng Kông số mới nhất đăng tải bài viết có nhan đề “Đằng sau sự hợp tác quân sự giữa Mỹ và Indonesia”.

Asia Weekly nhận định Washington đồng ý bán cho Jakarta lô vũ khí quân sự mà Jakarta đã đề nghị từ lâu và tăng cường hợp tác quân sự song phương không chỉ vì ngắm vị trí địa lý quan trọng của Indonesia, mà còn là để đối phó và tạo thế đối trọng với mối quan hệ hợp tác quân sự ngày càng mật thiết giữa Bắc Kinh và Jakarta.

Bộ quốc phòng và cơ quan quân sự Indonesia có hai chương trình nghị sự thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới mới đây: Một là tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono trên cương vị thống soái tối cao các lực lượng vũ trang Indonesia đã thay đổi nhân sự đối với vị trí Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia. Thượng tướng Moeldoko mới đảm nhiệm chức Tổng tham mưu trưởng lục quân được mấy tháng sẽ lên làm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của nước này thay Đô đốc Agus Suhartono, người đã nghỉ hưu trong tháng 8 vừa qua. Trung tướng lục quân Budiman – nguyên tổng thư ký Bộ quốc phòng Indonesia sẽ được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng lục quân.

Mỹ bán cho Indonesia 8 chiếc trực thăng Apache tối tân
Mỹ bán cho Indonesia 8 chiếc trực thăng Apache AH-64E tối tân.

Thứ hai là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thăm Jakarta 2 ngày, sau khi có cuộc hội ngộ với tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã tuyên bố Mỹ sẽ bán cho Indonesia 8 chiếc máy bay trực thăng tấn công Apache AH-64E để quân đội Indonesia sử dụng. Hợp đồng giao dịch quân sự này tổng trị giá 500 triệu USD - một con số không nhỏ so với các hợp đồng mua vũ khí khác của Indonesia trong vài năm trở lại đây. Khi đưa tin về sự kiện này, các tờ báo Indonesia đặc biệt chỉ ra rằng đây là sản phẩm mới nhất của máy bay trực thăng Apache, hiện đại hơn cả 19 chiếc máy bay AH-64D mà nước láng giềng Singapore của nước này đang sở hữu.

Ông Hagel chỉ ra rằng, Mỹ coi châu Á là khu vực buộc phải ưu tiên hàng đầu vì khu vực này có ảnh hưởng hết sức quan trọng đối với tương lai của nước Mỹ, phía Mỹ cho rằng rất cần phải thắt chặt mối quan hệ mật thiết với các nước châu Á – trong đó có Indonesia. Ông Hagel nêu rõ, tổng thống Mỹ Obama đề ra chiến lược trở lại châu Á và chính sách ngoại giao tái cân bằng châu Á, không chỉ đơn thuần là mở rộng sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh và quân sự, mà còn phải nâng cao mối quan hệ trên các phương diện kinh tế thương mại và văn hóa, giáo dục.

Ông Hagel chỉ rõ, trong ASEAN và các tổ chức đa phương khác, Indonesia đã để lại ấn tượng tượng sâu sắc ở các sự vụ mang tính khu vực và toàn cầu. Trong cuộc hội đàm với tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, hai bên đã bàn về cục diện châu Á – Thái Bình Dương, trong đó bao gồm nhiều vấn đề ảnh hưởng lớn đến thế giới.

Trước chuyến thăm đầu tiên của tân Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tới Indonesia, dư luận nước này tập trung nhiều vào vấn đề hợp đồng quân sự, phái Mỹ đồng ý bán cho Indonesia 8 chiếc máy bay trực thăng tấn công Apache hiện đại nhất, chứng tỏ lệnh cấm vận quân sự của Washinton đối với Jakarta đã được xóa bỏ hoàn toàn. Đồng thời hợp đồng này cũng cho thấy phía Mỹ quan tâm đến hoạt động hiện đại hóa hệ thống vũ khí của Indonesia hiện nay, trong quá trình thực hiện chính sách trở lại châu Á trong thời gian tới, với vai trò là nước lớn ở Đông Nam Á, Indonesia bị Mỹ coi là đối tác chiến lược quan trọng nhất.

Tờ Asia Weekly cho rằng, thực ra trong chuyến thăm Indonesia vào cuối năm 2011, tổng thống Obama đã quyết định khôi phục hoàn toàn mối quan hệ bán vũ khí và hợp tác quốc phòng với Indonesia, trong đó dự án quan trọng nhất là tặng 23 chiếc máy bay chiến đấu F-16 đã được cải tạo lại cho quân đội nước này. Mặc dù do vấn đề kinh phí cải tạo lên tới 750 triệu USD đã bị Quốc hội Indonesia phản đối, nhưng kế hoạch quyên tặng này không bị ảnh hưởng, lô máy bay đầu tiên được cải tạo tính năng có thể sẽ bàn giao cho Indonesia trong năm 2014.

Một lô máy bay chiến đấu F-16 cũng được Mỹ tặng cho Indonesia do vị trí địa chính trị quan trọng của quốc gia này
Một lô máy bay chiến đấu F-16 cũng được Mỹ tặng cho Indonesia do vị trí địa chính trị quan trọng của quốc gia này.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro tiết lộ, nước này sắp triển khai cuộc đàm phán bàn về hợp đồng mua máy bay trực thăng với Mỹ. Indonesia sẽ tập trung xây dựng lực lượng máy bay trực thăng tấn công với loại máy bay Apache đóng vai trò nòng cốt, do lục quân Indonesia chỉ huy.

Vị bộ trưởng rất đánh giá cao việc chính phủ Mỹ tăng cường mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quân sự với Indonesia, dự án bán máy bay trực thăng tấn công Apache là một trong những khâu hợp tác quan trọng. Ngoài ra có thông tin quân đội Mỹ đã quyết định tổ chức tập trận chung với lực lượng thủy quân lục chiến Indonesia.

Kể từ cuối thế kỷ XX trở lại đây, do ngân sách chi cho quốc phòng hạn hẹp, rất nhiều hệ thống vũ khí cũ của Indonesia không được đổi mới, nhiều loại vũ khí tác chiến tụt hậu so với các nước láng giềng như Malaysia, Singapore. Chính vì thế kế hoạch mua máy bay trực thăng hiện đại và thành lập lực lượng máy bay trực thăng chiến đấu đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Quốc hội và dư luận nước này. Chỉ có một vài người thắc mắc về vấn đề giá mua quá cao, đề nghị Bộ quốc phòng nước này phải minh bạch hóa.

Kompas - tờ báo có ảnh hưởng lớn ở Jakarta đã đăng tải bài xã luận và chỉ ra rằng, Mỹ đồng ý bán máy bay trực thăng Apache cho Indonesia là thể hiện tầm quan trọng của quốc gia này trong quá trình sắp xếp binh lực của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là trong chiến lược ở Đông Nam Á. Trong cuộc gặp gỡ với ông Purnomo Yusgiantoro, ông Hagel đã nói rằng, phái Mỹ quyết tâm hỗ trợ Indonesia xây dựng lực lượng quân sự, một đất nước Indonesia hùng mạnh sẽ có lợi cho cả khu vực này.

Bài xã luận chỉ ra rằng Biển Đông xảy ra tranh chấp, Indonesia sẽ được đóng vai trò quan trọng hơn, Indonesia có quan hệ tốt với tất cả các nước đang bị cuốn vào cuộc tranh chấp này, chính vì thế quốc gia này có thể đóng vai của nước hòa giải tranh chấp. Kompas cũng chỉ ra rằng do Indonesia có vị trí địa lý quan trọng nên việc tăng cường mối quan hệ thân thiện với Indonesia là rất quan trọng đối với Mỹ. Hải vực Indonesia là con đường mà Hạm đội tàu chiến số 7 của Mỹ buộc phải đi qua, vấn đề là làm thế nào để Jakarta có thể hưởng lợi trong vấn đề này.

Có nhà phân tích cho rằng, Washington đồng ý trước yêu cầu nhập khẩu vũ khí mà Jakarta đưa ra từ lâu và tăng cường hợp tác quân sự song phương cũng là để đối phó và tạo thế cân bằng với mối quan hệ hợp tác quân sự ngày càng mật thiết giữa Bắc Kinh và Jakarta.

Huy Long ( Asia Weekly)

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.