Mỹ chuyển quân khỏi Okinawa, Nga-Trung lo

Mỹ chuyển quân khỏi Okinawa, Nga-Trung lo
TP - Sau các cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel với các đồng cấp Nhật Bản về hợp tác quân sự hồi tháng 10, Washington và Tokyo đã tiến thêm một bước dài nhằm hiện thực hóa Thỏa ước 2012 về tái bố trí lực lượng quân sự Mỹ tại Nhật Bản.

> Tranh chấp Trung-Nhật và ván bài của Mỹ
> UAV lần đầu xuất hiện tại Senkaku/Điếu Ngư

Theo đó, Mỹ sẽ rút 9.000 lính thủy đánh bộ khỏi căn cứ tại Okinawa - nơi mà từ năm 1945, gần 50% trong tổng số 47.000 binh sĩ Mỹ đóng trên đất Nhật Bản tập trung tại hòn đảo chiếm chưa tới 1% diện tích đất nước mặt trời mọc.

Việc Mỹ rút thủy quân lục chiến khỏi Nhật Bản không thể xem là động thái nhằm “giảm thiểu tâm lý chống Mỹ đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ tại Okinawa” như tuyên bố của Lầu Năm Góc.

Bởi trên thực tế, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ sẽ không hoàn toàn quay về nước mà 5.000 trong số họ sẽ được tái bố trí sang đảo Guam, 4.000 sẽ đóng tại quần đảo Bắc Mariana. Điều đó có nghĩa, Mỹ chỉ đơn thuần thay đổi vị trí đóng quân trong phạm vi của một khu vực.

Cuối năm 2012, Mỹ bố trí 12 máy bay quân sự MV-22 Osprey tại Okinawa để vận chuyển binh lính và khí tài quân sự hạng nhẹ. Lầu Năm Góc cũng khẳng định, 12 chiếc MV-22 Osprey tiếp theo sẽ đến Okinawa thời gian tới. Giới chức Tokyo cũng để ngỏ khả năng mua lại những máy bay này nhằm nâng cao khả năng đổ bộ của quân đội Nhật Bản ở các vùng đảo xa.

Việc 9.000 lính thủy đánh bộ Mỹ rời khỏi Okinawa, đồng nghĩa tất cả MV-22 Osprey sẽ nhanh chóng được chuyển giao cho phía Nhật Bản. Và đây chính là mối đe dọa thực sự đối với Trung Quốc và Nga.

Tại cuộc tập trận hải quân chung Dawn Blitz giữa Mỹ và Nhật Bản hồi mùa hè, những chiếc máy bay MV-22 Osprey được mệnh danh là “quái vật” đã lần đầu hạ cánh xuống khu trục hạm trang bị trực thăng Hyuga của Nhật Bản. Ngay lập tức, Bắc Kinh ra tuyên bố, những cuộc tập trận này là nhằm vào Trung Quốc.

Chuẩn Đô đốc đã nghỉ hưu Yin Zhou của Trung Quốc thời điểm đó cho rằng, các cuộc tập trận trên chuẩn bị cho những hành động chung giữa Mỹ và Nhật Bản sẵn sàng đánh chiếm các đảo, trong đó có Điếu Ngư/Senkaku, và Nam Kuril, nhóm đảo mà Tokyo và Mátxcơva đều tuyên bố chủ quyền.

Theo Thỏa ước giữa Tokyo và Washington, sau khi 9.000 thủy quân lục chiến Mỹ rút khỏi Nhật Bản, một lực lượng quân đội khác sẽ thay thế. Lực lượng này không trực tiếp tiến hành các hoạt động quân sự mà chỉ hỗ trợ nâng cao khả năng quân sự của Nhật Bản. Có thể hiểu, đó sẽ là lực lượng điều hành các phương tiện trinh sát và do thám tình báo.

Trong bối cảnh mốc thời gian chính thức việc lính thủy đánh bộ Mỹ rời khỏi Okinawa chưa được công bố, tuần qua, Mỹ bắt đầu điều động các máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk, máy bay tuần tiễu chống hạm Boeing P-8A Poseidon tới Nhật Bản. Ngoài khả năng mang theo các loại bom thông minh, ngư lôi, bom chống ngầm tầm sâu và tên lửa chống hạm Harpoon, những máy bay này còn có khả năng đe dọa các tàu ngầm chiến lược của Nga ở Kamchatka.

Ngoài ra, Nhật Bản dự định đặt hàng Mỹ hiện đại hóa các máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trang bị radar tầm xa E-767. Các máy bay này dự kiến được lắp đặt bổ sung thiết bị điện tử và hệ thống máy tính mật mã KIV-77.

Về nguyên tắc, E-767 là thành phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản, với lý giải của Tokyo là được xây dựng để bảo vệ Nhật Bản khỏi các mối đe dọa từ phía Triều Tiên.

Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống phòng thủ tên lửa trên là thành tố trong hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ vốn đang được triển khai xung quanh Nga và Trung Quốc. Để phát triển “chi nhánh phía Đông” của hệ thống phòng thủ tên lửa, Mỹ đang triển khai tại Nhật Bản hệ thống radar thứ hai TPY-2.

Trước việc Mỹ điều chuyển 9.000 quân, ồ ạt tăng cường khí tài quân sự hiện đại, hỗ trợ đắc lực hơn về quân sự cho đồng minh Nhật Bản, có thể nhận thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ và toan tính của Mỹ trong chính sách tái can dự vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Như vậy, Nga và Trung Quốc cần hiểu rằng việc Mỹ chuyển quân khỏi Okinawa mừng ít, lo nhiều.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG