Ấn Độ muốn giảm số lượng chiến đấu cơ Rafale

Ấn Độ muốn giảm số lượng chiến đấu cơ Rafale
TPO - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thông báo điều này với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tại cuộc họp không chính thức giữa đại diện Pháp với một số giới chức chính phủ và lãnh đạo quân đội Ấn Độ.

Trang tin quân sự Vpk ngày 4/7 dẫn nguồn tin trong lực lượng không quân Ấn Độ cho biết, tại cuộc làm việc không chính thức với giới chức Ấn Độ trong khuôn khổ chuyến thăm của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, đại diện Chính phủ Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại về việc tăng chi phí của gói thầu tìm mua 126 chiến đấu cơ mới dành cho không quân nước này (MMRCA).

Đặc biệt, phía Ấn Độ đã nêu vấn đề có thể giảm số lượng đặt mua máy bay chiến đấu Rafale từ 126 xuống 80 đơn vị theo khuôn khổ gói thầu trên.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã yêu cầu Pháp phải xem xét lại cơ cấu giá với lý do “chi phí tài chính vượt xa khả năng và mong đợi của Ấn Độ”.

Theo các nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ, trong năm 2007, tại cuộc đấu thầu, chi phí của chương trình mua sắm ước tính vào khoảng 12 tỷ USD. Tuy nhiên, đến thời điểm công bố kết quả gói thầu, chi phí giao dịch lên tới 18 tỷ USD.

Ở thời điểm hiện tại, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tính toán, chi phí mua sắm và duy trì hoạt động các đơn vị máy bay chiến đấu Rafale đã vượt quá 20 tỷ USD.

Hợp đồng sơ bộ giữa Ấn Độ và Pháp cũng đề cập, nếu hợp đồng được ký trong hai tháng tới, Ấn Độ sẽ phải thực hiện thanh toán trước ít nhất là 1,5-2,0 tỷ USD. Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Ấn Độ phải cân đối lại chi phí cho các chương trình mua sắm khác để tránh thâm hụt ngân sách.

Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng cho biết, bản thân Chính phủ mới của nước này cũng không hài lòng với phương pháp xác định giá trị vòng đời máy bay chiến đấu Rafale, thỏa thuận đã được Chính phủ hai nước Ấn Độ và Pháp phê duyệt trước đó.

 Ấn Độ dự kiến sẽ sử dụng 126 chiến đấu cơ Rafale mới thay thế cho các đơn vị MiG-21, Mirage-2000 cũ trong biên chế không quân.

Ấn Độ bắt đầu gọi thầu từ năm 2007. Tháng 4/2011, máy bay Rafale của Tập đoàn Dassault và máy bay Typhoon của tổ hợp công nghiệp châu Âu Eurofighter được chọn. 
 
Trong khi đó, nhiều hãng sản xuất máy bay lớn trên thế giới như Boeing và Lockeed Martin của Mỹ, Saab Gripen của Thụy Điển và MiG của Nga đều bị gạt ra ngoài danh sách mời thầu.
 
Hợp đồng này cũng được xem là cứu cánh cho loại máy bay Rafale bởi chỉ cuối tháng trước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Gerard Longuet cảnh báo chương trình Rafale có thể bị dừng lại nếu Pháp không thể xuất khẩu loại chiến đấu cơ này.

Theo Theo Vpk
MỚI - NÓNG