Anh hùng Phạm Tuân: Tươi nguyên cảm xúc bắn rơi B52

Anh hùng Phạm Tuân: Tươi nguyên cảm xúc bắn rơi B52
TP - “Rất xúc động. Có thể cảm xúc nó không như lúc đó, nhưng vẫn rất mới, vẫn như vừa xảy ra thôi” – Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân trò chuyện với Tiền Phong về trận đánh B52 cách đây 40 năm của ông.

> Tuyển phi công quân sự: Chuyện bây giờ mới kể
> ‘Bác Hồ dự kiến rất sớm để đánh thắng B52’

Đêm 27-12-1972, Phạm Tuân trở thành phi công đầu tiên bắn rơi B52 ngay trên bầu trời Hà Nội.

Anh hùng Phạm Tuân nói: Quan trọng là làm sao vượt qua được B52. Chứ khi đã thấy nó rồi thì rất dễ đánh. Nhưng để vượt qua nó rất cam go, biết bao tổn thất.

Đêm đầu tiên, ba chiếc lên không đánh được, về đều bị sa xuống hố bom; đêm thứ hai cũng thế. Nhiều đêm sau, có đồng chí hết dầu phải nhảy dù, có khi xuống bị gẫy càng trên đường băng. Chúng ta chịu rất nhiều tổn thất mới đánh được B52.

Để tiếp cận B52, phi công của ta phải vượt qua rất nhiều F4 bao vây, yểm trợ, ông có gặp nguy hiểm, khó khăn?

Ngay lúc đó thì tôi không thể nghĩ đến điều đó. Không cần biết có bao nhiêu F4, tôi chỉ cố tập trung để tiếp cận B52 ở phía trước thôi. Thậm chí, chỉ sợ B52 nó phát hiện ra mình rồi chạy mất. Còn F4 thị kệ nó, nếu nó bắn trúng, cùng lắm mình nhảy dù.

Thực ra, những đêm đó, bình quân khoảng bảy chục lần chiếc B52 vào đánh phá Hà Nội, có khoảng 3-4 trăm chiếc F4 hộ tống, yểm trợ, tức là rất nhiều, nó có thể bắn hạ mình bất cứ lúc nào...

 Đúng 21 giờ, tôi được lệnh xuất kích. Chiếc Mig-21 từ sân bay Yên Bái vọt thẳng lên tới độ cao hơn 10.000m. Được sự hỗ trợ của mặt đất, tôi tăng tốc hết cỡ, đến 1.400 km/h. Từ trên cao, tôi phát hiện B52. Tôi đã tiếp cận B52 theo đúng như những gì mình tính, cách nó 3 km, tôi bắn 2 quả tên lửa: Quả cầu lửa bùng lên trước mắt. Tôi lập tức tránh sang trái, thoát khỏi vòng nguy hiểm, trở về sân bay Yên Bái an toàn. Tất cả chỉ đơn giản như vậy. Có vài giây thế thôi. Sau này, nhiều nhà báo trong và ngoài nước cứ hỏi “Lúc đó ông nghĩ gì?”. Đúng là lúc đó, tôi chả có thời gian nghĩ gì cả! Ngay F4 đuổi theo phía sau, mình cũng không để ý. Lúc đó, chỉ có mục đích duy nhất là bắn hạ B52 và trở về an toàn.

Ông đã bắn B52 như thế nào? Có phải chính tuổi trẻ đã tạo nên bản lĩnh của người phi công đánh B52 ngày đó?

Lúc đó tôi đã 25 tuổi rồi, không trẻ nữa! Nhưng phải nói, lực lượng Không quân đánh B52 là cả vấn đề lớn vì so sánh lực lượng giữa ta và địch, thì với số lượng của mình lúc đó, đánh B52 là rất khó.

Không nói chúng bắn rơi mình mà mình có bắn được B52 hay không. Tuy nhiên, vào ban đêm không quân Mỹ bắn rơi mình không dễ, chúng tôi cũng không sợ.

Nhiệm vụ của chúng tôi là phải bắn rơi B52, đó là áp lực rất lớn, ai cũng lo. Trong đầu luôn thôi thúc “làm sao bắn rơi được B52”! Và phải sau 9 ngày không quân mới bắn rơi được B52.

Có hàng trăm máy bay oanh tạc đánh đường băng, sân bay, đánh chặn đường mình cất cánh, yểm trợ cho B52.

Chúng tôi phải rút kinh nghiệm, tìm cách đánh B52, thay đổi từ sở chỉ huy, dẫn dắt, hành động của phi công và thay đổi cách bay để giữ bí mật, bất ngờ.

Sau nhiều thất bại, chúng tôi tìm được “gót chân Asin” B52: Chỉ có cách duy nhất là đánh chúng từ trên cao xuống. Khi ta bay trên đầu B52, F4 sẽ phát hiện ra máy bay của ta chậm hơn. Khi đã ở độ cao, tích lũy được tốc độ, có phát hiện ra thì F4 của Mỹ cũng không làm gì được.

Trận đánh của ông đêm 27-12 như thế nào?

Rất đơn giản. Tất nhiên chúng tôi đã có tính toán trước. Tôi cất cánh từ sân bay Yên Bái, vừa lên thì gặp rất nhiều F4 đuổi theo. Khẩu lệnh ở dưới đất là cứ vượt qua nó mà đi, không đánh lại. Tôi vòng phải, vòng trái, nó bên này mình chạy bên kia, phải tích lũy được tốc độ, độ cao. Khi phát hiện B52, cách nó khoảng 3 km, tôi bắn cả hai quả tên lửa tiêu diệt.

Khi bắn rơi B52 thì cảm xúc của ông như thế nào?

Rất phấn khởi. Không phải chỉ riêng tôi, cả binh chủng đều phấn khởi, bởi vì lực lượng phòng không không quân đã bắn rơi tất cả các loại máy bay của Mỹ rồi, nhưng đến lúc đó B52 là “át chủ bài” của Mỹ mà sau 9 ngày đêm không quân chưa bắn được.

Tất nhiên không quân bay đêm cùng bảo vệ mục tiêu, phá đội hình làm địch phân tán để lực lượng, phòng không đánh tốt hơn. Nhưng không quân chưa đánh được B52 tức là vẫn còn cái nợ. Tôi là người trả cái nợ này!

Ngay giây phút đó ông nghĩ gì?

Nói thật là chẳng nghĩ gì. Bắn xong, phải “chạy” thật nhanh, để làm sao nó không bắn được mình.

Cuộc sống đời thường

Sau chiến thắng B52, cuộc sống của ông ra sao?

Tôi vẫn là bộ đội, tiếp tục bay chiến đấu và ở Bộ Tư lệnh cho đến năm 1996, là Phó tư lệnh Không quân. Sau đó chuyển sang làm Chủ nhiệm Tổng cục công nghiệp Quốc phòng cho đến lúc về hưu. Về hưu rồi, tôi không tham gia bất cứ cái gì.

Anh hùng Phạm Tuân bây giờ - 40 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không
Anh hùng Phạm Tuân bây giờ - 40 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

Nhìn lại chiến công 40 năm trước, ông có thấy mình rất may mắn?

Cũng có thể nói như vậy. Nhưng may mắn ở đây là hợp thời cơ. Thời cơ có, ta chớp được thời cơ đó để đánh. Giỏi mấy mà thời cơ chưa có thì cũng không làm được gì. Mình không ngồi chờ thời cơ đến, mà phải tạo ra thời cơ để đánh nó.

Bản lĩnh của một phi công có hai yếu tố: ý chí và biết đánh. Tức là biết phát hiện ra quy luật và hành động theo quy luật. Chỉ ý chí chưa đủ, vì nếu anh không có cách đánh, hay có cách đánh mà không quyết tâm, sợ nó chẳng hạn, thì không đánh được. Ý chí và cách đánh đi với nhau mới tạo nên bản lĩnh. Không chỉ chiến tranh, cuộc sống đời thường cũng như vậy.

Quy luật chiến tranh là quy luật khốc liệt nhất rồi. Trong kinh tế cũng vậy, rất quyết tâm làm có làm được không? Các tập đoàn kinh tế vừa qua đổ vỡ, có phải không quyết tâm đâu mà là làm sai quy luật. Kinh điển Mác nói: “Không có gì đau đớn bằng sự trả thù của quy luật”, đúng không?

Ông suy nghĩ gì về công cuộc bảo vệ đất nước hiện nay?

Hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phải luôn đi đôi với nhau, xây dựng tốt thì có tiềm lực để bảo vệ tốt; bảo vệ tốt làm hậu thuẫn cho xây dựng.

Bây giờ tiềm lực quốc phòng được nâng lên rất nhiều, không lạc hậu như ngày xưa, nhưng để đầy đủ phải có thời gian. Nhưng cái quan trọng, tôi nghĩ là con người đó như thế nào.

Trước hết những người lính, phải biết mình đứng ở đâu, làm gì để bảo vệ Tổ quốc. Nhưng chỉ người lính chưa đủ, mà phải toàn dân cùng có quyết tâm, có ý chí, để tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Cảm ơn ông.

Nguyễn Tuấn
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG