Áp lực không có trên phim của phi công tìm diệt IS

Phi công hải quân Mỹ trở về trên boong tàu sân bay USS Theodore Roosevelt sau khi hoàn thành sứ mệnh không kích phiến quân IS ở Iraq hồi tháng 8. Ảnh: NYTimes.
Phi công hải quân Mỹ trở về trên boong tàu sân bay USS Theodore Roosevelt sau khi hoàn thành sứ mệnh không kích phiến quân IS ở Iraq hồi tháng 8. Ảnh: NYTimes.
Những phi công tinh nhuệ trong cuộc chiến chống IS phải chịu những áp lực nặng nề như lo sợ bị trục trặc động cơ hay không kích trúng dân thường.

Theo NYTimes, ngay sau khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ được triển khai đến vùng Vịnh để thực hiện nhiệm vụ ở Trung Đông vào tháng 5, hai chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet được phóng đi để tham gia sứ mệnh đánh bom các mục tiêu IS ở Iraq kéo dài 6,5 giờ đồng hồ.

Hai phi công trên 2 chiến đấu cơ đó là đại úy hải quân Michael Smallwood, 28 tuổi, tên liên lạc là Bones và người bạn cùng phòng của anh, đại úy hải quân Nick Smith, cũng 28 tuổi, có tên liên lạc là Yip Yip.

Nỗi lo trục trặc động cơ

Hai chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet bay kề sát nhau trên bầu trời nhưng rồi máy bay của Smith bất ngờ gặp trục trặc động cơ và mất độ cao.

Qua liên lạc vô tuyến, Smallwood biết bạn của anh định quay đầu máy bay, tìm cách hạ cánh trở lại trên tàu sân bay. Smith sau đó bấm ghế phóng ra khỏi máy bay, rơi xuống biển. Chiếc chiến đấu cơ Super Hornet trị giá 60 triệu USD cũng lao xuống nước.

Trong lúc cố gạt bỏ ra khỏi tâm trí nỗi lo lắng về số phận của người bạn, Smallwood được lệnh tiếp tục bay lên cao và đi vào không phận Iraq. Có những lần thực hiện sứ mệnh tương tự, anh chỉ bay trên bầu trời và không phóng bất kỳ hỏa lực nào trước khi quay lại tàu sân bay.

Đây là cuộc sống của một phi công Mỹ lái chiến đấu cơ ngày nay: những sứ mệnh bay chiến đấu nhàm chán, kéo dài mà bom trên máy bay vẫn còn nguyên vì phi công sợ thả bom trúng dân thường, một nỗi sợ lặp đi lặp lại.

Điều này khác xa với bộ phim bom tấn của Hollywood vào năm 1986, Top Gun, đã đưa tên tuổi của nam diễn viên Tom Cruise nổi như cồn và khiến phi công lái máy bay chiến đấu của hải quân Mỹ trở thành thần tượng của thanh thiếu niên.

Hai phi công Smallwood và Smith thuộc hàng tinh nhuệ nhất, được huấn luyện để đáp xuống các tàu sân bay đang chạy và tiếp liệu trên không, hai trong những thao tác khó nhất trong hàng không. Họ là những chiến binh chủ lực của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Trong năm đầu tiên mở chiến dịch không kích IS, các phi công Mỹ đã đảm nhiệm phần lớn công việc. Họ thực hiện hơn 4.700 vụ không kích kể từ tháng 8/2014 đến nay, chiếm 87% đợt bay không kích có người lái của liên minh chống IS. Đồng thời, họ còn yểm trợ cho lực lượng an ninh Iraq và tay súng người Kurd trên mặt đất.

IS có thể sở hữu các loại tên lửa vác vai tầm nhiệt, được biết đến với tên gọi Manpads (hệ thống phòng không vác vai cá nhân). Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, IS dường như không có khả năng bắn hạ chiến đấu cơ Mỹ. Một máy bay của không quân Jordan rơi ở lãnh thổ Syria vào tháng 12/2014, khiến một phi công bị bắt và cuối cùng bị IS thiêu sống. Tuy nhiên, máy bay này được cho là bị rơi vì trục trặc động cơ hoặc lỗi của phi công chứ không phải vì bị bắn hạ.

"Thực chất, không quân, hải quân, thủy quân lục chiến Mỹ làm chủ vùng trời này", thiếu tá Anthony Bourke, cựu phi công chiến đấu của không quân Mỹ nói. "Vậy nên dù phi công thường mơ đến những trận cận chiến trên không, thì rủi ro thực sự họ phải đối mặt ở đây là vũ khí hạng nhẹ. Tuy nhiên, nếu bạn bay ở độ cao trên 3.000 m, thì sẽ không lo bị bắn trúng", Bourke nói.

Rủi ro đối với họ là trục trặc động cơ. Khi máy bay của Smallwood bay về phía không phận Iraq trong chuyến bay tháng 5, sau khi bạn anh rơi xuống biển, Smallwood có thể nghe thấy tiếng trao đổi trên vô tuyến về hoạt động tìm kiếm và giải cứu.

Thế nhưng Smallwood biết rằng tốt nhất là nên yên lặng, tiếp tục nhiệm vụ hơn là liên tục hỏi liệu đại úy Smith và sĩ quan phụ trách vũ khí trên máy bay của Smith đã được tìm thấy chưa và còn sống hay không.

Anh phải bay thêm 5 tiếng đồng hồ nữa. Khi đến không phận Iraq, chiến đấu cơ Super Hornet của Smallwood được tiếp liệu rồi tiếp tục nhiệm vụ. Nhưng mỗi khi có thời gian rảnh tay trong chuyến bay, tất cả những gì Smallwood nghĩ đến là người bạn phi công cùng phòng và sĩ quan phụ trách vũ khí của anh ấy.

Áp lực không có trên phim của phi công tìm diệt IS ảnh 1

Michael Smallwood, một trong những phi công điều khiển chiến đấu cơ trong chiến dịch không kích IS. Ảnh: NYTimes.

Nỗi lo đánh trúng dân thường

Trục trặc động cơ không phải là rủi ro duy nhất khi bay ở độ cao hơn 7.600 m, các chiến đấu cơ Super Hornet ngày nay tạo ra lực G (lực được tạo ra thêm khi máy bay tăng tốc) lớn hơn rất nhiều so với các máy bay chiến đấu thời bộ phim Top Gun ra mắt. Các phi công ngày nay phải chịu lực 9 G thay vì 4 hoặc 5 G. Các phi công cho biết sự khác biệt là bạn sẽ cảm giác đầu của bạn nặng 41 kg thay vì 18 kg. Vậy nên, các phi công cần phải đảm bảo về mặt thể lực trước khi bay. Họ không được để mất nước hay mệt mỏi do uống rượu và vui chơi ở quán bar vào đêm trước đó.

Ngoài ra, chiến binh IS thường xuất hiện ở các khu vực đông dân cư khiến cho việc không kích bị hạn chế ở các mục tiêu nhỏ và biệt lập như xe tải, kho vũ khí và thậm chí ụ súng máy cá nhân.

Dù các phi công đã hết sức thận trọng, thương vong với dân thường vẫn xảy ra. Các quan chức ở Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, phụ trách chiến dịch quân sự Mỹ ở Trung Đông, cho biết họ nhận được thông tin về 31 vụ thương vong dân thường kể từ khi chiến dịch không kích IS được triển khai. 17 vụ sau đó bị bác bỏ vì không đáng tin và 6 vụ vẫn đang trong quá trình điều tra.

Một báo cáo, được điều tra cách đây hơn 6 tháng, đã khiến các quan chức Mỹ phải kết luận hai trẻ em có thể đã thiệt mạng trong cuộc không kích của liên minh. Các tổ chức giám sát khác cho rằng các con số này có thể bị bóp méo theo hướng giảm nhẹ đi.

"Khi bạn được yêu cầu phóng vũ khí, công chúng thế giới sẽ chỉ trích bạn nặng nề nếu bạn sát hại nhầm người", đại tá Benjamin Hewlett, 46 tuổi, tư lệnh phi đội trên tàu sân bay Roosevelt nói. Ông nói rằng trong cuộc chiến chống IS, hầu hết các quả bom đều dội trúng các mục tiêu dự kiến, chủ yếu là nhờ lý do: không có binh sĩ Mỹ nào trên mặt đất.

"Vậy nên chúng tôi không cảm thấy cần phải vội vã", ông giải thích, "Trong một cuộc chiến, bạn thường có suy nghĩ là 'người của chúng ta đang gặp hiểm nguy, tôi phải đến đó ngay'. Nhưng nếu vội vàng phóng vũ khí, người dân dưới đất có thể bị thương".

Các phi công và sĩ quan phụ trách vũ khí phải dành rất nhiều thời gian quan sát đặc điểm sinh hoạt của dân thường, để xác định xem liệu chiếc xe di chuyển trên con đường bên ngoài Ramadi, Iraq có phải là xe tải chở đầy chiến binh IS hay chỉ là một chiếc xe bán tải chở dân thường. Họ phải bay qua một khu vực được chỉ định, thường khoảng 155 km2 để tìm kiếm chiến binh cực đoan, ụ pháo hay dấu hiệu khác của kẻ thù. Có những lúc họ trở về tàu sân bay USS Theodore Roosevelt với tất cả bom vẫn còn nguyên vẹn trên máy bay.

Trở lại vụ không kích hồi tháng 5, Smallwood không rõ số phận của người bạn cùng phòng ra sao khi anh hạ cánh xuống tàu sân bay sau 23h, khi đã kết thúc nhiệm vụ kéo dài 6,5 giờ đồng hồ.

Khi xuống máy bay, anh được mọi người cho biết bạn của anh đã được đội cứu hộ cứu sống trên biển. "Tuy nhiên, tôi vẫn chạy vội xuống phòng để tận mắt nhìn anh ấy. Điều đầu tiên tôi làm là ôm anh ấy", Smallwood nhớ lại.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG