Ả-rập Xê-út sẽ trang bị vũ khí hạt nhân?

Ả-rập Xê-út sẽ trang bị vũ khí hạt nhân?
Theo tiết lộ của Gary Samore, từ lâu Ả-rập Xê-út đã bí mật đầu tư tài chính vào các dự án chế tạo vũ khí hạt nhân ở Pakistan và có thể "nhận hàng" bất cứ lúc nào.

Ả-rập Xê-út sẽ trang bị vũ khí hạt nhân?

> Lộ mã số nút bấm vũ khí hạt nhân của Mỹ
> Quân đội Ấn Độ thử tên lửa đạn đạo với 'Kẻ hủy diệt'

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Vua Abdullah bin Abdulaziz Al Saud ngày càng trở nên bất đồng vì thỏa thuận hạt nhân với Iran
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Vua Abdullah bin Abdulaziz Al Saud ngày càng trở nên bất đồng vì thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Sau khi các nước phương Tây và Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử, một số đồng minh của Mỹ ở Trung Đông có lập trường đối đầu với Iran, như Israel, Ả-rập Xê-út,… đã lên tiếng phản đối quyết liệt, vì lo sợ sức mạnh về chính trị, quân sự của Iran sẽ được phục hồi một khi các biện pháp trừng phạt - công cụ chế tài nhằm khống chế Iran hiệu quả nhất cho đến nay - được gỡ bỏ.

Giống như Israel, Ả-rập Xê-út cũng “la hét” rùm trời rằng thỏa thuận hạt nhân giữa phương Tây với Iran sẽ tạo điều kiện cho Iran “chế tạo vũ khí hạt nhân”.

Phát biểu với tờ Times of London hôm 22/11 vừa qua, Đại sứ Ả-rập Xê-út tại Anh, Hoàng tử Mohammed bin Nawaf bin Abdulaziz, còn tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không ngồi yên để đón nhận mối đe dọa mà không nghĩ cách gì để tự bảo vệ đất nước mình, khu vực mình”.

Sự cạnh tranh quyền lực là cốt lõi thúc đẩy Ả-rập Xê-út bộc lộ quan điểm chống lại thỏa thuận hạt nhân với Iran; đồng thời là động lực để Riyadh chạy đua trang bị vũ khí hạt nhân.

Theo trang báo điện tử Jane's Defence, Ả-rập Xê-útt đã bước vào cuộc đua vũ khí hạt nhân từ khá lâu, có thể trên 10 năm qua, đặc biệt là từ khi Pakistan thử thành công quả bom hạt nhân đầu tiên năm 1998.

Theo tiết lộ của Gary Samore (cựu cố vấn chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Tổng thống Mỹ Barack Obama) trên chương trình BBC Newsnight, Arập Xêút đã từ lâu bí mật đầu tư tài chính vào các dự án chế tạo vũ khí hạt nhân ở Pakistan và có thể "nhận hàng" bất cứ lúc nào.

Theo chuyên gia Gary Samore, Arập Xêút đã từng bước khởi động kế hoạch đầu tư vào chương trình vũ khí hạt nhân một cách khéo léo từ cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, với hàng loạt chuyến thăm Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Pakistan của Bộ trưởng Quốc phòng - Hoàng tử Sultan bin Abdulaziz al Saud trong những năm 1999-2002.

Đại sứ Arập Xêút tại Anh, Hoàng tử Mohammed bin Nawaf bin Abdulaziz
Đại sứ Arập Xêút tại Anh, Hoàng tử Mohammed bin Nawaf bin Abdulaziz.

Tướng Feroz Hassan Khan thuộc chương trình nghiên cứu hạt nhân của Pakistan tiết lộ rằng, các chuyến thăm này không thể chứng minh rằng 2 nước đã ký kết thỏa thuận hạt nhân. Nhưng, "Arập Xêút đã hỗ trợ tài chính rất hào phóng cho Pakistan để tiếp tục chương trình nghiên cứu hạt nhân" - tướng Khan thừa nhận.

Một số cựu quan chức lãnh đạo tình báo Pakistan từng tham gia các dự án hạt nhân cũng lập luận một cách đầy ẩn ý rằng "những đồng tiền mà Arập Xêút đầu tư cho chúng tôi là nhằm vào việc gì? Chắc chắn đó không phải là tiền từ thiện rồi".

Một cựu quan chức tình báo khác cung cấp thêm thông tin rằng, "Pakistan luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng một số lượng đầu đạn hạt nhân nhằm phòng khi Arập Xêút yêu cầu thì sẽ chuyển giao ngay".

Tên lửa CSS-2
Tên lửa CSS-2.

Từ thập niên 80 thế kỷ trước, Riyadh đã âm thầm trang bị các loại tên lửa đạn đạo CSS-2 có thể mang đầu đạn hạt nhân. Các hệ thống tên lửa này được Pakistan mua từ Trung Quốc và chuyển giao cho Arập Xêút. Riyadh đã xây dựng 2 căn cứ để phóng tên lửa CSS-2, và mùa hè năm nay đã hoàn tất xây dựng thêm căn cứ tên lửa CSS-2 thứ ba, nằm cách thủ đô Riyadh khoảng 200 km về phía tây nam, nhằm phục vụ cho việc chạy đua vũ trang với Iran và Israel.

Xin nói thêm về nguồn gốc tên lửa CSS-2 và sự ra đời quả bom hạt nhân của Pakistan. Trong khi đi tìm "chỗ dựa" để đối đầu với Ấn Độ những năm cuối thập niên 90 thế kỷ XX, Pakistan đã tìm đến Trung Quốc nhờ giúp đỡ, và đã hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh trong lĩnh vực quốc phòng, trong đó có những hợp đồng mua tên lửa CSS-2 và bản thiết kế chế tạo vũ khí hạt nhân.

Abdul Qadeer Khan là nhà khoa học Pakistan phụ trách chính công việc nghiên cứu chế tạo quả bom. Về sau, ông bị phương Tây cáo buộc là đã bán công thức chế tạo bom hạt nhân và thiết bị ly tâm làm giàu uranium cho Libya và CHDCND Triều Tiên. Và AQ Khan cũng chính là đầu mối giao dịch, mua bán thiết bị, công thức hạt nhân cho một số quốc gia khác. Các công thức này dùng để chế tạo đầu đạn hạt nhân thích hợp sử dụng cho tên lửa CSS-2.

Ảnh vệ tinh khu vực căn cứ tên lửa CSS-2 mới nhất của Arập Xêút
Ảnh vệ tinh khu vực căn cứ tên lửa CSS-2 mới nhất của Arập Xêút.

Từ những bằng chứng nêu trên, trong dư luận thế giới ngay từ cuối những năm 90 thế kỷ XX đã xuất hiện các cáo buộc Arập Xêút mưu đồ sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, giới chức Arập Xêút khi đó đã bác bỏ các cáo buộc này, biện hộ rằng Arập Xêút có tham gia Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), đồng thời kêu gọi "một khu vực Trung Đông không vũ khí hạt nhân"(!?).

Đến năm 2003, Riyadh đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về chiến lược an ninh trước một môi trường an ninh thay đổi và tương lai vũ khí hạt nhân trong khu vực. Một tài liệu mật bị rò rỉ tiết lộ nội dung 3 phương án ứng phó của Riyadh đối với vấn đề vũ khí hạt nhân: một là, tự mình nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân; hai là, hợp tác với một cường quốc hạt nhân khác; và ba là, thúc đẩy xây dựng một vùng phi hạt nhân ở Trung Đông.

Cùng thời gian đó xảy ra nhiều biến động an ninh nghiêm trọng trong khu vực với cuộc chiến Iraq do Mỹ tiến hành lật đổ ông Saddam Hussein (một đồng minh của Riyadh) khiến quan hệ Riyadh-Washington bắt đầu rạn nứt. Đồng thời mối lo ngại về chương trình hạt nhân Iran của Riyadh cũng ngày càng tăng, theo chuyên gia Gary Samore. Các năm sau đó, những lời đồn đoán trong giới ngoại giao về sự hợp tác hạt nhân giữa Arập Xêút và Pakistan (phương án 2 trong tài liệu mật của Riyadh) bắt đầu rộ lên.

Tài liệu ngoại giao Mỹ do trang WikiLeaks tiết lộ ghi nhận rằng, vào năm 2007, phái bộ ngoại giao Mỹ tại Riyadh đã lưu ý Washington về việc họ nhận được các câu hỏi của giới ngoại giao Pakistan rằng Mỹ có biết về "sự hợp tác giữa Arập Xêút và Pakistan" hay không. Các nhà ngoại giao Pakistan giấu tên cho rằng, việc Arập Xêút muốn đứng ra đảm nhận vai trò "bảo vệ" cho cả khu vực bằng cách trang bị vũ khí hạt nhân là vấn đề cạnh tranh quyền lực giữa Riyadh với Tehran.

Quả thật, từ năm 2009, Vua Abdullah của Arập Xêút từng bộc lộ ý định của mình qua lời cảnh báo với đặc phái viên Mỹ ở khu vực Trung Đông Dennis Ross vào năm 2009 rằng, nếu Iran mà vượt qua ngưỡng cửa, thì "chúng tôi sẽ có vũ khí hạt nhân ngay". Từ đó đến nay, giới chức Arập Xêút đã phát đi nhiều tín hiệu về ý định sở hữu vũ khí hạt nhân để "cân bằng" sức mạnh với Iran.

"Để cho Iran có năng lực hạt nhân mà chúng tôi lại không có được là điều không thể chấp nhận được" - tờ Times of London trích dẫn một phát biểu của giới chức Arập Xêút năm 2012.

Đầu năm 2013, vấn đề "quả bom" của Arập Xêút càng rõ ràng hơn. Một quan chức cấp cao của NATO đã nói với phóng viên chương trình BBC Newsnight rằng ông đã nhìn thấy một báo cáo tình báo rằng Pakistan đã chế tạo vũ khí hạt nhân cho Arập Xêút, và số vũ khí đó hiện đang sẵn sàng để "giao hàng".

Tháng 10/2013, Amos Yadlin, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo quân đội Israel tiếp tục khẳng định tại một hội nghị ở Thụy Điển rằng, nếu Iran mà chế tạo được "quả bom", thì "người Arập Xêút sẽ không đợi lâu. Họ đã có sẵn "quả bom", họ sẽ đến Pakistan và mang về thứ mình cần"

Theo Nguyên Khang
Công an nhân dân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).