Ba cách giúp tàu sân bay Mỹ giữ thế bá chủ đại dương

Tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông
Tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông
Cải thiện khả năng phòng thủ, tăng cường năng lực tấn công và kiểm soát chi phí là những giải pháp giúp Mỹ duy trì vị thế thống trị đại dương của tàu sân bay.

Mỹ là nước duy nhất trên thế giới có chiến lược hải quân dựa vào tàu sân bay và liên tục nghiên cứu để cải thiện mức độ hiệu quả của chúng. Chuyên gia quân sự Robert Farley đã chỉ ra ba cách để Mỹ giữ vững vị thế của tàu sân bay trong tương lai, theo National Interest.

Cải thiện khả năng phòng thủ

Hiểm họa lớn nhất với tàu sân bay là sự kết hợp giữa tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chính xác. Mỗi loại vũ khí đều đủ khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng với tàu sân bay. Hệ thống phòng không hạm đội khó có thể đối phó sự kết hợp của chúng, đặc biệt khi tên lửa hành trình tiếp cận từ nhiều hướng.

Đây không phải vấn đề mới với tàu sân bay. Nhiều hàng không mẫu hạm thời Thế chiến II bị đánh chìm trong các cuộc tập kích đường không. Liên Xô từng lên kế hoạch hủy diệt tàu sân bay Mỹ bằng lực lượng oanh tạc cơ Tu-22 mang tên lửa chống hạm Kh-22 khổng lồ.

Để đối phó với mối đe dọa này, hải quân Mỹ đã cải tiến năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo trong những năm qua. Nỗ lực gần đây nhất của Mỹ là tái khởi động chương trình vũ khí đánh chặn đa mục tiêu (MOKV) có khả năng tiêu diệt nhiều tên lửa và mồi bẫy cùng lúc. Việc ngăn chặn thiệt hại của biên đội tàu hộ tống rõ ràng sẽ khiến tàu sân bay trở nên nguy hiểm hơn trước các đối thủ tiềm tàng.

Tăng cường năng lực tấn công

Siêu tàu sân bay hạt nhân lớp Ford có nhiều tính năng vượt trội đáng kể so với lớp Nimitz trước đó. Hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) sẽ giúp đơn giản hóa một số nhiệm vụ trên tàu sân bay. Về lâu dài, hệ thống điện bổ sung có thể biến laser thành vũ khí phòng không hiệu quả.

Hải quân Mỹ nhận thấy triển vọng biến vũ khí năng lượng định hướng thành hệ thống phòng thủ hiệu quả. Trên lý thuyết, laser có thể giải quyết nhiều vấn đề như độ chính xác và số lượng vũ khí đánh chặn cùng lúc. Tàu sân bay trang bị hệ thống phòng thủ laser có thể ngăn chặn mối đe dọa từ nhiều tên lửa hành trình và tên  lửa đạn đạo, giúp cụm tác chiến (CBG) an toàn và uy lực hơn tại những khu vực nguy hiểm.

Việc hủy chương trình tiêm kích A-12 Avenger thời hậu Chiến tranh Lạnh và loại biên cường kích A-6 Intruder khiến tàu sân bay Mỹ mất năng lực tấn công tầm xa. Hải quân Mỹ lấp chỗ trống bằng tên lửa Tomahawk, hệ thống giúp giảm thiểu rủi ro so với máy bay có người lái.

Hải quân Mỹ cũng tập trung vào khả năng tiếp liệu trên không, coi đó là cách để mở rộng tầm hoạt động cho tiêm kích bom, dù việc này khiến khung thân nhiều máy bay quá tải.

Tranh cãi lớn nhất trong hải quân Mỹ là chương trình máy bay không người lái tấn công trinh sát đường không xuất kích từ tàu sân bay (UCLASS), một nỗ lực bổ sung UAV tàng hình tầm xa cho hải quân. Việc bổ sung UCLASS vào không đoàn tàu sân bay sẽ giúp Mỹ tăng khả năng sát thương cho lực lượng này.

Sức mạnh tàu sân bay phụ thuộc vào không đoàn trên tàu. Trong thập kỷ tới, lực lương máy bay trên hạm sẽ có sự thay đổi đáng kể. Nổi bật nhất là sự xuất hiện của tiêm kích hạm F-35C giúp tăng khả năng tàng hình, hệ thống cảm biến và năng lực liên lạc trong không đoàn tàu sân bay. Khi kết hợp với tiêm kích tác chiến điện tử EA-18G Growler, các không đoàn tàu sân bay Mỹ sẽ trở nên uy lực hơn nhiều.

Hải quân Mỹ còn theo đuổi tham vọng chế tạo tiêm kích thế hệ 6, giúp không đoàn tàu sân bay hiệu quả hơn trong việc đối phó mục tiêu được phòng thủ nghiêm ngặt.

Kiểm soát chi phí

Mối đe dọa lớn nhất với tương lai tàu sân bay Mỹ là chi phí khổng lồ cho việc đóng tàu, biên chế nhóm tàu hộ tống và không đoàn tàu sân bay. Đây là vấn đề vẫn chưa được cải thiện trong nhiều năm qua.

Cả siêu tàu sân bay lớp Ford và tiêm kích hạm F-35C đều có chi phí vượt ngoài dự kiến. Trong tương lai, hải quân Mỹ hy vọng kiểm soát ngân sách bằng cách áp dụng giải pháp đóng tàu hiệu quả hơn, đẩy nhanh việc phát triển và vận hành công nghệ mới. Chi phí khổng lồ của tàu sân bay có thể buộc hải quân Mỹ cắt giảm kích thước hoặc số lượng loại tàu này.

Tàu sân bay không chỉ là những chiến hạm lớn, sức mạnh thực sự của nó là cung cấp căn cứ không quân an toàn, di động cho một không đoàn với hàng chục máy bay các loại. Tuổi thọ các siêu tàu sân bay mới trong biên chế hải quân Mỹ là hơn 50 năm và g uy lực của chúng sẽ gia tăng đáng kể trong nhiều thập kỷ tới, chuyên gia Robert Farley nhận định.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".