Bên trong lò luyện đặc công

TP - Họ có võ công cái thế, rèn luyện “mình đồng da sắt, đao thương bất nhập”; sử dụng thành thạo các loại vũ khí, luôn phấn đấu “trăm phát trăm trúng”. Họ đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn.

Khổ luyện ngày đêm

Sáng sớm, thao trường Lữ đoàn Đặc công 198 sôi nổi khí thế luyện quân. Chỗ này, cán bộ, chiến sĩ rèn các thế võ đối kháng, một đánh hai, đánh ba với tay không hay có vũ khí. Chỗ kia, đội chống khủng bố, chống bạo loạn đang đổ bộ từ tầng cao xuống để khống chế các đối tượng, giải cứu con tin theo tình huống giả định.

Chúng tôi đã quen với việc ngày nắng tập trên đồi cát nóng, ngày lạnh cởi áo quần lặn xuống nước, thức trắng đêm xuyên rừng, chạy bộ hơn 40km, ngâm mình dưới nước hơn 20 giờ, bơi cả chục kilômét. Bất kể đêm, ngày, chúng tôi sẵn sàng trực chiến và xung trận khi có lệnh”.

 Đại úy Nguyễn Văn Tình (Đội trưởng Đội 10 Chống khủng bố)

Thao trường huấn luyện là cánh rừng xen lẫn những bụi cây rậm rạp đầy cỏ dại. Những bãi cát lô nhô đầy lô cốt, mô hình xe tăng, tường cao, hào sâu, bàn chông, dây thép gai sắc lạnh…, tất cả như một chiến địa. Trên bãi tập, các chiến sĩ với quần xà lỏn, áo rằn ri, tay ôm súng lăn, lê, trườn qua hàng rào thép gai bùng nhùng dày đặc chông. Các anh níu nhau vượt qua một cách nhẹ nhàng, khéo léo. 

Lau những giọt mồ hôi nhễ nhại, thượng úy Đỗ Viết Nam, Tổ trưởng mũi 3, Đội 10 chống khủng bố, bộc bạch: “Công việc của chúng tôi là chống khủng bố, đánh chiếm các bến cảng, nhà cao tầng, nhà kho, tiêu diệt khủng bố và giải cứu con tin. Chúng tôi bảo vệ tất cả các mục tiêu trọng yếu từ Tây Nguyên đến các tỉnh miền Trung, các vùng biên cương, bến cảng, nên khổ luyện là điều cốt yếu”.

Bên cạnh những chiến binh cũ, các chiến sĩ mới của Liên đội 37 cũng đang say sưa tập luyện. Nhập ngũ chưa đầy tháng nhưng binh nhì Y Nam Niê (Mũi 2, Đội 8, Liên đội 37) nhớ tường tận chế độ sinh hoạt hằng ngày khi mới vào quân ngũ: “Một ngày tân binh phải thực hiện đủ 11 chế độ, từ thức dậy, gấp nội vụ gọn gàng, đánh răng, rửa mặt rồi ăn sáng.

 Khoảng 7h, tất cả tập trung thành hàng rồi hành quân ra thao trường. Sau những bài tập về đội hình đội ngũ, chúng em được các chỉ huy hướng dẫn học võ thuật, cách lăn, lê, bò, trườn, nheo mắt ngắm bắn. 

Cả ngày lăn lộn ngoài thao trường khổ cực lắm nhưng đi lính được vào đặc công là vinh dự và tự hào, nên em không còn thấy nhọc nhằn nữa”. Những thanh niên vốn quen sự bao bọc, chở che của gia đình, nhà trường sau một tháng huấn luyện đã chững chạc, trưởng thành, thích nghi dần với môi trường quân ngũ.

Công phu tuyệt đỉnh

Bên trong lò luyện đặc công ảnh 1

Các chiến sĩ mới của Liên đội 37 đang luyện tập võ thuật

10 năm tham gia lực lượng đặc công cũng là khoảng thời gian cái tên “người sắt” gắn bó với trung úy Phạm Văn Bích (Đội chống khủng bố). Quê Thanh Hóa, tốt nghiệp trung học phổ thông, anh đi nghĩa vụ quân sự rồi thi đỗ Trường Sĩ quan đặc công, chuyên ngành Trung cấp võ thuật. Về Lữ đoàn, ngoài việc luyện tập, anh trau dồi nội công.

 Nhìn dáng vẻ có phần thư sinh của Bích, không ai nghĩ khi lên gân, anh trở thành “mình đồng da sắt” trước kiếm, đao sắc nhọn. Anh vận khí rồi bình thản nằm trên hai lưỡi kiếm, đặt thêm khối bê tông nặng 80 kg lên bụng rồi cho đồng nghiệp dùng búa tạ nện. Người xem kinh ngạc khi tấm bê tông vỡ vụn còn “làn da sắt” của anh không hề hấn gì.

“Người sắt” còn nằm trên hàng trăm miếng thủy tinh sắc nhọn, kê tấm gỗ lên bụng, cho xe máy chở 2-3 chiến sĩ đi qua đi lại thoải mái. Khi cộng sự dùng cây giáo đâm vào yết hầu anh, mũi giáo bị cong, chứ anh không hề gì.

 “Người sắt” cười nói: “Tôi muốn khám phá khả năng, sức mạnh tiềm ẩn của con người, hơn nữa là để phục vụ cho công việc nên tập thử. Thời gian đầu, chuyện chấn thương xảy ra như cơm bữa, nhiều lúc vận khí không đạt dẫn đến tổn thương nội tạng nhưng tập dần rồi quen. Nếu có đam mê, bản lĩnh thì người nào cũng có thể làm được”.

Luôn giành giải nhất trong các cuộc thi bắn súng Lữ đoàn, thượng úy Đỗ Viết Nam (Tổ trưởng mũi 3, Đội 10 chống khủng bố) được biết đến là tay súng có hạng. Tốt nghiệp phổ thông trung học, anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào Lữ đoàn Đặc công 198. Sau 3 năm huấn luyện, anh được chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp, trực tiếp nhận nhiệm vụ tại Đội chống khủng bố. 

Trẻ tuổi nhưng anh đã sử dụng thành thạo các loại súng chiến đấu và bắn giỏi như nhau. “Khi còn là hạ sĩ quan tôi đã mê bắn súng. Năm đầu tiên về Lữ đoàn, tôi tham gia thi bắn súng tại Hội thi thể dục thể thao binh chủng (năm 2003). Dù chỉ đứng thứ 6/21 vận động viên nhưng tôi nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của cấp trên và đồng nghiệp nên càng hứng thú luyện tập hơn”, thượng úy Nam cho biết. 

Từ đó, anh liên tục có mặt trong các cuộc thi bắn súng ở cấp Lữ đoàn, toàn quân và dần khẳng định tên tuổi khi liên tiếp giành giải cao. Mục tiêu anh luyện tập không phải là tấm bia hình người to vẫn thường bố trí tại các thao trường huấn luyện bộ binh, mà là những viên gạch xếp hình với diện tích 15x15cm để cách xa 800 - 1.000m. Khi đạn vọt khỏi họng súng là mục tiêu vỡ vụn, vì vậy có câu “Bắn giỏi ghi danh/Là Đỗ Nam xạ thủ”.

Bên trong lò luyện đặc công ảnh 2 “Người sắt” Phạm Văn Bích luyện công

“Thỏi thép nguội” Nguyễn Hữu Đoàn (Đội chống khủng bố) mang hàm trung úy, 34 tuổi, gần 15 năm quân ngũ và hơn chục năm gắn bó công tác huấn luyện. Là một trong những cao thủ võ thuật của đội, anh ra đòn nhanh, chính xác với các thế đánh hiểm. Không phải con nhà nòi nhưng niềm yêu thích đường côn bài quyền khiến anh sớm tinh thông võ nghệ. Là một trong ít người thực hiện thành thục các bài quyền cao đẳng như “Kim cương quyền”, “Long hổ quyền”, “La hán quyền”, “Thanh long quyền pháp”, anh được đồng đội gắn biệt danh Đoàn “võ sư”. 

Năm 2012, anh cùng đội võ thuật Lữ đoàn tham gia Hội thao võ thuật toàn quân và xuất sắc giành giải 3/15 đội thi. Không chỉ vậy, trung úy Đoàn còn có tuyệt kỹ phi dao “trăm phát trăm trúng”. Với khoảng cách 7 - 10m, bất kể địa hình, hạn chế không gian, tầm nhìn, chỉ trong tích tắc, hàng loạt ám khí dao, sao được anh găm chính xác vào tấm bảng huấn luyện. 

Anh tiết lộ, muốn đường phi chính xác, phải có kỹ thuật tốt, tạo được phản xạ nhanh, đường ném mạnh, “sắc ngọt”. Ngoài những kỹ năng đặc biệt, các chiến đấu viên được trang bị nhiều loại vũ khí, thiết bị hiện đại như Micro UZI của Israel, súng bắn tỉa của Nga, máy định vị, ống nhòm nhìn đêm, áo giáp…

Bản lĩnh hơn người

Những Bích “người sắt”, Nam “xạ thủ”, Đoàn “võ sư”, Đỉnh “vật cản” cùng tất cả đội hình ở đây đều là những chiến sỹ ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam. Các anh đang tiếp tục tô thắm 16 chữ vàng truyền thống vẻ vang của bộ đội đặc công: Đặc biệt tinh nhuệ, Anh dũng tuyệt vời, Mưu trí táo bạo, Đánh hiểm thắng lớn. 

Thượng tá Phan Ích Dân, Phó Chính ủy Lữ đoàn, cho biết, để trở thành con người đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, mỗi người lính đặc công phải đảm bảo tố chất, phẩm chất, tự rèn cho mình ý chí, bản lĩnh kiên cường, sắt đá, linh hoạt tác chiến, hoàn thành nhiệm vụ trong mọi điều kiện khó khăn, nguy hiểm nhất. Luồn sâu, đánh hiểm, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, đánh nở hoa trong lòng địch, luôn đảm bảo yếu tố bất ngờ, táo bạo và chắc thắng là cách gọi và phương châm chiến đấu của đặc công nên việc luyện tập ở đây chưa bao giờ ngừng nghỉ.

Lữ đoàn Đặc công 198 được thành lập ngày 19/8/1974, là đơn vị chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đơn vị đánh trận then chốt mở màn chiến dịch Tây Nguyên bằng việc nổ súng đánh chiếm, giữ kho Mai Hắc Đế, sân bay Buôn Ma Thuột, sân bay Hòa Bình, giải phóng và tiếp quản Đà Lạt. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Lữ đoàn đánh chiếm, chốt giữ một số mục tiêu trên cửa ngõ tiến vào Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho Quân đoàn 3 tiến vào đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Lữ đoàn Đặc công 198 tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Lữ đoàn đã được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.