Bên trong ngôi trường đào tạo chiến binh tình báo Mỹ

Một lớp học mật mã của NSA những năm 1950. Ảnh: NSA
Một lớp học mật mã của NSA những năm 1950. Ảnh: NSA
"Nếu đánh rơi bút chì, học viên còn chẳng dám cúi xuống nhặt vì sợ sẽ bỏ lỡ mất ba hệ thống mã hóa", một thành viên NSA kể về độ khó của lớp học tại trường chuyên đào tạo nhân viên tình báo.

Một ngày nọ, vợ của Leonard Reinsfelder thấy một mẩu giấy bỏ lại trên xe trong lúc bà tới một trung tâm mua sắm: "Hãy bảo chồng bà gọi cho chúng tôi. Chúng tôi nghĩ rằng có thể mời ông ấy làm việc". Ngoài số điện thoại kèm theo, không còn thông tin nào khác.

Và sự nghiệp của ông Reinsfelder tại Trường Mật mã Quốc gia bắt đầu từ đó. Đây là ngôi trường có chức năng như một đại học của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và cộng đồng tình báo nói chung.

Reinsfelder là một giáo viên tiếng Tây Ban Nha tại trường trung học, với nhiều bằng cấp. Ông đã nhận công việc dù không biết sẽ làm gì. Không thông tin nào được tiết lộ cho đến khi ông bước vào trường và được kiểm tra an ninh.

Theo Washington Post, trường Mật mã Quốc gia là một ngôi trường đặc biệt. Nơi này được canh gác cực kỳ cẩn mật, đặc biệt với những người mới. Có rất nhiều chốt kiểm soát trên đường vào lớp học. Danh tính một số học viên được giữ kín. Và tất nhiên, không hề có bài tập để mang về nhà làm vì tất cả thông tin đều được giữ bí mật.

Tất cả điện thoại di động, máy tính đều bị cấm đem vào trường, khiến quang cảnh khu vực giải lao trông xa lạ và có cảm giác như thời xa xưa. Trường có điện thoại cố định, một số được bảo mật để phục vụ công việc, số khác không bảo mật dùng để liên lạc với gia đình.

Và ngôi trường có nhiệm vụ nghe lạ lùng nhất: dạy cho học viên, những người có nhiệm vụ bảo vệ đất nước, cách đi trước công nghệ cũng như những mối đe dọa không ngừng biến đổi.

NSA những năm gần đây bị chỉ trích mạnh mẽ vì những hoạt động thu thập đủ loại dữ liệu, và đây cũng là cơ quan đáng sợ với một số người. Họ chính là tâm điểm trong cuộc tranh luận về quyền riêng tư và vấn đề an ninh quốc gia. Đây cũng là một cơ quan khổng lồ, một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất khu vực Washington, và toàn bộ những người làm ở đây cần liên tục học tập.

Lịch sử

Ngôi trường giữ vị trí then chốt trong việc đảm bảo cho nước Mỹ được an toàn, Frank Cilluffo, phó chủ tịch kiêm giám đốc Trung tâm an ninh mạng và nội địa, Đại học George Washington nói, và đề cao ảnh hưởng của tin tức tình báo tới các quyết định chính sách ở những cấp cao nhất.

"Các bạn là những chiến binh thầm lặng, dù là những người mặc quân phục hay là thường phục. Các bạn đều giúp cứu những sinh mạng", Cilluffo nhấn mạnh.

Theo Cilluffo, Trường Mật mã Quốc gia thậm chí có nguồn gốc từ trước năm 1965, vào thời Cách mạng Mỹ.

"George Washington là bậc thầy tình báo đầu tiên của Mỹ", ông Cilluffo cho biết. Các cấp dưới của Washington khi đó đã học cách chặn những thông điệp được lính Anh gửi đi và thay thế chúng. "Ông ấy đã phát triển một loạt những mẹo tinh vi, bao gồm cả các mật mã".

Sau chiến tranh, Washington tuyên bố rằng tình báo chính là chìa khóa để chiến thắng, và cho biết thêm điều này cũng hoàn toàn đúng với hai cuộc thế chiến, Cilluffo nói.

Sau Thế chiến II, một số người nhận ra rằng họ đang tham gia công việc độc đáo đòi hỏi những kỹ năng không ai khác có, David Hatch, một nhà sử học của NSA cho biết. Ông gia nhập cơ quan này từ vài thập kỷ trước với tư cách nhà phân tích.

Khi NSA lớn mạnh, các lãnh đạo nhận ra rằng họ cần một chương trình đào tạo và huấn luyện được chuẩn hóa cho các nhân viên, vốn gồm đủ thành phần, từ quân nhân mới rời ghế nhà trường, tới các học giả với nhiều bằng cấp. Họ cũng cần lớp học cho những người vừa mới gia nhập NSA.

Trong những ngày đầu, chỉ có 8 chương trình được giảng dạy. Các nhà phân tích khi đó sử dụng bút chì, một tờ giấy và một dụng cụ đơn giản có cạnh thẳng với ba lỗ - một vòng tròn lớn, vòng tròn nhỏ và hình chữ nhật – để lập biểu đồ mạng lưới liên lạc.

"Sách giáo khoa" là những tài liệu viết tay hoặc đánh máy về việc truyền sóng radio, phân tích tín hiệu hoặc các loại ngôn ngữ.

Bên trong ngôi trường đào tạo chiến binh tình báo Mỹ ảnh 1 Một dụng cụ thường thấy để vẽ biểu đồ mạng lưới liên lạc. Ảnh: Washington Post

Chương trình học "khó nhằn"

Có một số nhà mật mã huyền thoại (với người trong ngành) đã từng dạy ở đây, trong đó có một người thổi sáo nổi tiếng khắp thế giới cho đến khi Thế chiến II khiến sở thích của ông - mã hóa và mật mã – trở nên đặc biệt quan trọng.

Lambros Callimahos có ngoại hình trông khá lập dị khi thường đội mũ nồi và mang kiểu áo choàng không tay của cảnh sát Paris, uống trà Anh, trong khi khuyến khích học viên hút thuốc. Ông đã nghĩ ra một "đất nước" hoàn toàn huyền bí, với lịch sử, chính trị, ngôn ngữ riêng cùng hàng chục hệ thống mã hóa mà học viên phải giải mã. Callimahos sẽ thường hỏi những câu như: "Ý nghĩa mật mã của ngày 16/12 là gì?".

Các buổi học luôn khó đến khó tin. Một người bạn của Hatch từng kể với ông rằng nếu đánh rơi bút chì, ông ấy sẽ không dám cúi xuống nhặt, vì sợ sẽ bỏ lỡ mất ba hệ thống mã hóa.

Các cựu học viên cho biết các buổi học không chỉ dạy cho họ các kỹ năng mới mà họ còn học những cách suy nghĩ hoàn toàn mới. Một người đã thuật lại việc đầu mình thực sự đau nhức, theo đúng nghĩa đen, khi kết thúc một ngày học.

Trường Mật mã Quốc gia luôn phải nhanh chóng thích nghi với những đòi hỏi của nhiệm vụ từ Chiến tranh Lạnh tới Chiến tranh Việt Nam, hay những căng thẳng tại Trung Mỹ đầu những năm 1980, những sự kiện gần đây hơn như Bức tường Berlin sụp đổ, vụ tấn công 11/9 cho đến sự lớn mạnh của IS. Thay đổi giờ diễn ra nhanh hơn trước rất nhiều. Trường cũng có một bộ phận chuyên dạy về hoạt động và an ninh mạng.

Lãnh đạo ngôi trường phải đảm bảo rằng hầu hết 1.300 khóa học không chỉ được giảng dạy qua cơ sở, mà còn trực tuyến trên toàn thế giới thông qua kết nối bảo mật.

Họ bắt đầu những cuộc họp thường kỳ với những nhân viên trẻ nhất, James Aldrich, lãnh đạo trường cho biết, vì họ nhận ra các học viên đang học bằng những cách thức không ngừng thay đổi. Đôi khi họ học trên những ứng dụng một tuần trước còn chưa ra đời.

Và họ buộc phải không ngừng suy nghĩ trước một bước. Ngôi trường đã liên kết với đại học Dakota để các nhân viên, thường là những quân nhân trẻ gia nhập quân ngũ ngay sau khi rời nhà trường, có thể đạt được nhiều tín chỉ về học thuật về không gian mạng.

Ngôi trường hiện hợp tác với nhiều đại học và các trường khác trên khắp nước Mỹ để thúc đẩy các chương trình ngôn ngữ then chốt, như tiếng Arab, tiếng Trung, tiếng Dari, Hindu, Ba Tư, Nga, Bồ Đào Nha…Đó chính là lí do vì sao Reinsfelder xuất hiện trong lớp học của học sinh lớp một tại Delaware một buổi nọ, lắng nghe trẻ em nói tiếng Trung.

NSA muốn đảm bảo rằng các học viên trẻ có được những kỹ năng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Mùa hè này, tại một cơ sở ở California, một trong số hàng chục cơ sở khắp nước Mỹ, những cô gái từ những cộng đồng thu nhập thấp "đã về nhà với một chiếc Raspberry Pis nhỏ - máy tính có giá chỉ 65 USD nhưng hoạt động tốt", Reinsfelder kể. Họ đã học được cách chiếm quyền điều khiển máy bay không người lái.

Bên trong ngôi trường đào tạo chiến binh tình báo Mỹ ảnh 2

Trụ sở NSA ở Maryland. Ảnh: Reuters

Và tất nhiên, các lớp học vẫn đang diễn ra tại trụ sở chính của Trường Mật mã Quốc gia tại Maryland, vốn là một nhà kho cũ được chuyển đổi thành cơ sở giáo dục. Mỗi ngày trong tuần, nhiều nam nữ mặc quân phục và cả thường phục, đi qua cổng an ninh, rảo bước trên những hành lang được cố ý thiết kế giống hệt nhau với những cánh cửa màu xám. Họ là học viên? Có khả năng là vậy.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.