Bốn vũ khí Mỹ lừng lẫy một thời cần 'nghỉ hưu'

"Ong bắp cày" F/A-18 Hornet là một trong số những vũ khí lỗi thời mà quân đội Mỹ cần cất vào kho do những hạn chế khó khắc phục, theo đánh giá của một tạp chí quân sự.

Tên lửa liên lục địa LGM-30G Minuteman III

Được đưa vào biên chế trong những năm 60 của thế kỷ 20, tên lửa liên lục địa (ICBM) LGM-30G Minuteman III đã góp phần tạo nên hệ thống răn đe hạt nhân chiến lược của Mỹ.

Minuteman III là dòng ICBM cuối cùng còn được sử dụng trong quân đội Mỹ, trong khi LGM-118 Peacekeeper mới và nhiều tính năng hơn đã "nghỉ hưu" từ lâu.

Bốn vũ khí Mỹ lừng lẫy một thời cần 'nghỉ hưu' ảnh 1

Tên lửa LGM-30G Minuteman III rời bệ phóng. Ảnh: Wikipedia

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991 và Chiến tranh Lạnh kết thúc, Minuteman III vẫn hoạt động nhằm đề phòng cho tình huống xấu nhất nếu một cuộc chiến mới nổ ra.

Tuy nhiên, cho tới nay, dù quân đội Mỹ nâng cấp Minuteman III nhiều lần, song chúng đã cũ và đòi hỏi chi phí bảo trì ngày càng tốn kém, theo National Interest.

Chiến đấu cơ F/A-18 Hornet

F/A-18 Hornet từng là mẫu chiến đấu cơ tuyệt vời mà Mỹ dùng để thay thế LTV A-7 Corsair II và McDonnell Douglas F-4 Phantom II của Hải quân, cũng như hỗ trợ máy bay Grumman F-14 Tomcat.

Dù Hornet vẫn phục vụ trong hải quân, các chuyên gia cho rằng chúng đã lỗi thời. Trên thực tế, Hải quân Mỹ liên tục phải kéo dài tuổi thọ của "ong bắp cày" từ 6.000 tới 10.000 giờ bay, trong một số trường hợp.

Bốn vũ khí Mỹ lừng lẫy một thời cần 'nghỉ hưu' ảnh 2

Tiêm kích F/A-18 Hornet. Ảnh: Wikipedia

Quá trình "chăm sóc" loại tiêm kích này cũng rất tốn kém và khó khăn, vượt ngoài sức tưởng tượng của Hải quân Mỹ và nhà sản xuất Boeing.

Bên cạnh đó, lực lượng kỹ thuật còn mỏng cũng là trở ngại lớn cho quá trình sửa chữa. Nhiều chuyên gia cho rằng, quốc hội Mỹ cần cân nhắc việc mua thêm dòng tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet – phiên bản mới với nhiều tính năng hơn – để thay thế F/A-18 Hornet.

Tên lửa không đối không tầm trung Raytheon AIM-120

Raytheon AIM-120 từng là loại tên lửa không đối không tiên tiến nhất thế giới, xuất hiện những năm đầu thập niên 90, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. So với "người tiền nhiệm" AIM-7 Sparrow, AIM-120 đã được cải tiến nhiều khi bổ sung hệ thống dẫn đường quán tính và radar chủ động.

Tuy nhiên, các đối thủ tiềm năng của dòng tên lửa này đã học được cách đánh bại chúng. Thiết bị gây nhiễu trên các máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Nga và Trung Quốc như Sukhoi Su-35S Flanker-E là trở ngại lớn đối với AIM-120.

Bốn vũ khí Mỹ lừng lẫy một thời cần 'nghỉ hưu' ảnh 3

Tên lửa Raytheon AIM-120. Ảnh: USAF

Trong khi đó, các phi công Mỹ luôn than phiền rằng họ phải sử dụng nhiều tên lửa chỉ để nhắm mục tiêu duy nhất.

"Đôi khi, 6 tên lửa AIM-120 trên tiêm kích F-22 vẫn không đủ. Tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu của tên lửa loại này khá thấp khi phải đối phó với các chiến đấu cơ thế hệ 4 được trang bị công nghệ ghi nhớ tín hiệu vô tuyến kỹ thuật số (DRFM)", một phi công cấp cao của quân đội Mỹ cho hay.

Do vậy, theo National Interest, tên lửa AIM-120 AMRAAM cần được thay thế trong thời gian sớm nhất. Dù sở hữu những tiêm kích hiện đại nhất thế giới, Mỹ vẫn gặp rắc rối lớn nếu tên lửa gắn trên chúng hoạt động không hiệu quả.

Súng trường M-16 và M-4

Quân đội Mỹ nhận thấy rằng súng trường M-16 và biến thể của nó M-4 là những vũ khí hoạt động kém hiệu quả kể từ cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục giữ chúng trong biên chế.

Bốn vũ khí Mỹ lừng lẫy một thời cần 'nghỉ hưu' ảnh 4

Mỹ chưa thể thay thế súng trường M-16 bằng các loại hiện đại khác do chi phi. Ảnh minh họa: Thefiringline.com

Trở ngại cố hữu của dòng súng trường M-16 là dễ nhiễm bẩn do hệ thống bắn tiếp xúc trực tiếp với bụi bên ngoài khí quyển. Do vậy, chúng luôn phải được giữ sạch sẽ - điều khó có thể thực hiện trong điều kiện chiến trường.

Quân đội Mỹ có thể thay thế mẫu súng trường M-16 và biến thể của nó bằng loại Heckler & Koch HK416, song điều này là không thể do vấn đề chi phí.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.