Bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố của Nga ở Syria

Máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 oanh tạc mục tiêu khủng bố ở Syria. Ảnh: Tass
Máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 oanh tạc mục tiêu khủng bố ở Syria. Ảnh: Tass
TPO - Các máy bay chiến đấu tối tân của Nga đã lần đầu tiên xuất kích từ một căn cứ quân sự trên lãnh thổ Iran, và thực hiện dội bom xuống mục tiêu khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng trên lãnh thổ Syria.

Sau không kích là tên lửa hành trình

Trong một thông báo phát đi vào tối qua 17/8, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận việc triển khai máy bay ném bom Tu-22M3 và cường kích – ném bom Su-34 tại Iran để thực hiện các cuộc tấn công vào mục tiêu IS tại Syria.

Theo đó, ngày 16/8//2016, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 và Sukhoi Su-34 đã cất cánh với số lượng bom đầy đủ từ sân bay Hamadan (Cộng hòa Hồi giáo Iran), giáng đòn không kích các mục tiêu của nhóm khủng bố IS và al-Nusra ở các tỉnh Aleppo, Deir ez-Zor và Idlib.

Cuộc không kích của máy bay Nga đã phá hủy 5 kho chứa lớn vũ khí, đạn dược, nhiên liệu và dầu nhờn của khủng bố cùng một số trại huấn luyện chiến binh trong khu định cư Serakab, Al-Bab, Aleppo và Deir ez-Zor, 3 trạm kiểm soát ở các khu vực thành phố Jafri và Deir ez —Zor. Một số lượng lớn chiến binh cũng đã bị tiêu diệt trong cuộc tấn công của không quân Nga.

Bên cạnh việc đưa Tu-22M3 đồn trú tại Iran, Nga cũng đề nghị Iran mở cửa không phận để nước này có thể triển khai thêm các loại vũ khí tấn công tầm xa khác như tên lửa hành trình hoặc máy bay ném bom chiến lược cất cánh từ Nga.

Iran: “Sự hợp tác với Nga là cần thiết”

Phát biểu trước báo giới vào hôm qua 16/8, Tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran, ông Ali Shamkhani khẳng định, Tehran và Moscow đều nhất trí về sự hợp tác chiến lược này và Iran sẵn sàng chia sẻ các cơ sở quân sự với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Trong khi đó, Sabbah Zanganeh, thành viên của Ủy ban Các vấn đề quốc phòng Iran cũng khẳng định: “Sự hợp tác giữa Iran và Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria đã đạt đến một tầm cao mới”

Kể từ thời điểm phát động chiến dịch chống khủng bố tại Syria (tháng 10/2015), có thể nói, vai trò của Nga là rất rõ ràng và vô cùng quan trọng.

Trong bối cảnh các phiến quân IS mất dần lợi thế ở Syria và đang tìm kiếm sự chi viện từ bên ngoài, thì để ngăn chặn mọi tuyến đường mà IS có thể sử dụng, quyết định của Tehran cho phép không quân Nga sử dụng căn cứ của Iran có tính chất quyết định.

Ngoài ra, quyết định của Nga trong việc sử dụng một căn cứ quân sự ở Iran để thực hiện chiến dịch không kích ở Syria cũng sẽ giúp Moscow tiết giảm đáng kể chi phí trong chiến dịch chống khủng bố.

Trước đó, bên cạnh việc thực hiện các chuyến bay từ căn cứ quân sự không quân Hmeymim, Moscow cũng đã phải huy động hàng loạt máy bay ném bom hạng nặng, như Tu-22M3, Tu-160, Tu-95... từ lãnh thổ Liên bang, sang Syria để hỗ trợ chiến dịch ném bom chống IS.

Theo Hiến pháp Iran (được thông qua sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979) cấm việc thiết lập một căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, Hiến pháp không ngăn cản giới chức Iran cho phép một quốc gia khác sử dụng căn cứ không quân của họ.

Mỹ nghi Nga vi phạm Nghị quyết Liên Hợp Quốc

Giới chức Mỹ cho rằng, việc Nga sử dụng căn cứ quân sự ở nước Cộng hòa Hồi giáo Iran để thực hiện chiến dịch không kích chống khủng bố ở Syria, có thể vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner ngày 17/8 cho biết, Washington đang xem xét, việc Nga sử dụng căn cứ quân sự tại Iran để tấn công các mục tiêu ở Syria có vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hay không.

“Chúng tôi đang điều tra vấn đề này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói, đồng thời thừa nhận rằng giới chức Mỹ hiện chưa có kết luận về vấn đề này.

“Nếu thông tin là chính xác, rất có thể Nga vi phạm Nghị quyết số 22311 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó quy định việc bán hoặc cung cấp các máy bay quân sự cho Iran phải được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an”, ông Toner nói.

Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm, giới làm luật Mỹ “đang nghiên cứu vấn đề này và cố gắng để đưa ra thật nhiều chi tiết”.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.