Các nước lớn 'loạn' thông tin về vụ phóng tên lửa Triều Tiên

Hình ảnh tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được cho là Hwasong-14 do hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cung cấp.
Hình ảnh tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được cho là Hwasong-14 do hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cung cấp.
TPO - Mỹ và Hàn Quốc xác nhận tên lửa đạn đạo trong vụ phóng ngày hôm qua 4/7 của Triều Tiên là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), trong khi Nga lại phủ nhận thông tin này.

Ngày 4/7, vài giờ sau khi phóng thử tên lửa lần thứ 11 trong năm vào buổi sáng, phát thanh viên nổi tiếng Ri Chun Hee của đài truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV) tuyên bố, nước này đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, có khả năng tấn công tiểu bang Alaska của Mỹ, theo Yonhap.

Theo bản tin, tên lửa Hwasong-14 được phóng lên vào lúc 9h sáng nay từ một bệ phóng di động tại vực lân cận Banghyon, tỉnh Bắc Pyongan. Tên lửa đạt được độ cao 2.802km và trúng mục tiêu sau khi bay được 930 km ở phút thứ 39.

Tuyên bố trên từ Bình Nhưỡng khác với dự đoán trước đó của Hàn Quốc và Mỹ rằng, Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung.

Tuy nhiên, sau đó, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson xác nhận, Triều Tiên vừa phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần đầu tiên.

“Mỹ lên án mạnh mẽ việc Triều Tiên phóng ICBM. Vụ việc đánh dấu sự leo thang mới của mối đe dọa đối với Mỹ, đồng minh và các đối tác của chúng tôi, với khu vực và thế giới”, ông Tillerson.

Các nước lớn 'loạn' thông tin về vụ phóng tên lửa Triều Tiên ảnh 1 Hwasong-14 bay lên từ bệ phóng. Ảnh: KCNA

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng xác nhận thông tin này trong cuộc họp Quốc hội, Yonhap đưa tin.

Bộ Trưởng Quốc phòng Han Min-koo cho biết, tên lửa ICBM mới của Triều Tiên có thể là phiên bản nâng cấp của tên lửa KN-17 hoặc Hwasong-12., với tầm bắn ở khoảng 7.000 – 8.000 km, nhưng không tìm thấy bằng chứng xác thực để chứng minh khả năng trở lại bầu khí quyển.

“Nếu chế độ Triều Tiên đẩy mạnh những cuộc khiêu khích liều lĩnh, họ sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc từ cộng đồng quốc tế, và cuối cùng tự hủy hoại”, ông Han nhấn mạnh.

Khác với kết luận của Mỹ và Hàn Quốc, Nga lại cho rằng, tên lửa đạn đạo trong vụ thử nghiệm sáng qua là tên lửa đạn đạo tầm trung, không phải ICBM.

“Các dữ liệu thông số về quỹ đạo của mục tiêu đạn đạo trùng khớp với đặc tính hoạt động của một tên lửa đạn đạo tầm trung”, tuyên bố nhấn mạnh.

Theo Theo Reuters, Yonhap
MỚI - NÓNG