Cận cảnh hai nữ biệt kích xinh đẹp lập kỳ tích

Hai nữ biệt kích Kristen Griest (trái) và Shaye Haver. (Nguồn: Reuters)
Hai nữ biệt kích Kristen Griest (trái) và Shaye Haver. (Nguồn: Reuters)
Hai cô gái xinh đẹp đã làm nên lịch sử khi trở thành hai nữ quân nhân đầu tiên tốt nghiệp trường đào tạo biệt kích (Ranger School) hàng đầu nước Mỹ hôm 21/8.

Đại úy Kristen Griest và Trung úy Shaye Haver là 2 nữ quân nhân đầu tiên tốt nghiệp trường đào tạo biệt kích (Ranger School) sau khóa huấn luyện khắc nghiệt kéo dài 62 ngày.

Khóa học bắt đầu từ tháng 4 với sự tham gia của 381 học viên nam và 19 học viên nữ. Các học viên phải hoàn thành các bài tập triển khai lực lượng trên địa hình rừng, núi và đầm lầy trong điều kiện thiếu thức ăn và ngủ không đủ giấc.

Thượng úy Shaye Haver cho biết, động lực để cô vượt qua khóa đào tạo biệt kích khắc nghiệt kể trên,
là việc giành được sự tôn trọng của đồng đội bằng cách chinh phục các thử thách một cách bình đẳng.

“Chúng tôi không chỉ giành được tình cảm của họ mà còn thuyết phục được họ,” Hayer trả lời phỏng vấn vào thứ năm vừa qua. Hai cô gái đã có được sự tôn trọng của những học viên khác khi tự mình vượt qua những cuộc tuần tra khắc khổ và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về thể chất hết sức ngặt nghèo.

“Mỗi lần chúng tôi đạt được điều gì đó, chúng tôi lại có thêm những bước đệm để tiếp tục tiến lên phía trước,” cô chia sẻ.

Hiện vẫn chưa rõ bước đột phá này có thể có tác động sâu rộng hơn tới vai trò của phụ nữ trong quân đội hay không. Năm nay, quân đội Mỹ đã cho phép phụ nữ tham gia huấn luyện như một phần của nghiên cứu nhằm tìm ra cách xóa bỏ luật cấm phụ nữ phục vụ trong hàng ngũ đặc công chiến đấu trên bộ, chẳng hạn như lực lượng bộ binh, thiết giáp và chiến dịch đặc biệt. Phụ nữ hiện vẫn không thể gia nhập trung đoàn biệt kích tinh nhuệ của quân đội Mỹ.

Người phụ nữ còn lại trong khóa học, Đại úy Kristen Griest, 26 tuổi, cho biết cô mong muốn được tham gia chiến dịch đặc biệt nếu phụ nữ được cho phép.

Lầu Năm Góc cũng đã ra lệnh cho lực lượng quân đội đưa ra kế hoạch cho phép phụ nữ làm việc tại tất cả các vị trí trước cuối năm nay.

Đối với một số cựu binh và quân nhân Mỹ, đây vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Thượng sỹ Curtis Arnold cho rằng sẽ có “khá nhiều người” muốn những người phụ nữ phải thất bại.

Haver và Griest đều đã tốt nghiệp trường West Point và đã cùng một số học viên nam tốt nghiệp đã có một buổi gặp mặt phóng viên và thứ năm vừa qua trong đêm trước ngày lễ tốt nghiệp.

Hai cô gái cho biết cách tiếp cận khóa học của họ cũng giống như những người đàn ông - vượt qua từng thử thách một. Họ chia sẻ rằng khi mới bắt đầu, họ cũng không chắc điều gì sẽ xảy ra.

“Chúng tôi tới trường đào tạo biệt kích với thái độ hoài nghi và cảnh giác,” Haver chia sẻ khi đề cập tới những người cho rằng quân đội đã hạ thấp tiêu chuẩn nhằm phục vụ cho mục đích chính trị. “Nhưng chúng tôi không cảm thấy lo lắng như thể chúng tôi cần phải chứng tỏ bản thân cho bất kỳ ai.”

“Chúng tôi cảm thấy mình đã đóng góp không kém gì nam giới, và chúng tôi nghĩ rằng họ cũng cảm thấy như thế,” Griest chia sẻ.

Thiếu úy Michael Janowski, 24 tuổi, cho biết ban đầu anh cũng cảm thấy hoài nghi trước khả năng vượt qua khóa học của các cô gái.

Một tối nọ, khi đang vật lộn với một vật nặng, anh đã lên tiếng nhờ đồng đội giúp đỡ anh mang vác một phần thiết bị. Phần lớn học viên chỉ nhìn anh một cách vô cảm.

Haver là người duy nhất tình nguyện giúp đỡ Janowski mang vác một phần thiết bị, mặc dù cô cũng đã hết sức mệt mỏi. Từ đó trở đi, anh không còn cảm thấy hoài nghi nữa.

Những học viên nam khác cũng chia sẻ những câu chuyện tương tự.

Thiếu tướng Austin Miller, chỉ huy trung tâm Maneuver Center of Excellence của quân đội Mỹ cho biết các tiêu chuẩn vẫn được giữ nguyên như cũ, và ông không gặp phải bất kỳ sức ép nào từ các lãnh đạo cấp cao khiến ông phải điều chỉnh lại tiêu chuẩn.

Các nữ học viên cũng ủng hộ quan điểm này. “Không có người phụ nữ nào muốn học trường biệt kích nếu họ thay đổi các tiêu chuẩn đào tạo cả, bởi điều này sẽ hạ thấp chất lượng của đội ngũ biệt kích nói chung,” Griest cho biết.

Trường đào tạo biệt kích (Ranger School) là một khóa học kéo dài 2 tháng, trong đó yêu cầu các học viên phải thực hiện những cuộc tuần tra đường dài cũng như nhiều thử thách huấn luyện khắc nghiệt khác. Các học viên thường xuyên phải thực hiện nhiệm vụ trong tình trạng thiếu ngủ hoặc thiếu thức ăn. Tỷ lệ loại của trường thường ở mức 60%.

Hầu hết các học viên đều không thể hoàn thành khóa huấn luyện trong lần đầu tiên thử sức, và phải bắt đầu lại từ đầu hoặc lặp lại một giai đoạn huấn luyện nào đó trước khi tốt nghiệp.

Hai nữ quân nhân tốt nghiệp vào thứ sáu vừa qua đã dành 123 ngày để hoàn thành khóa huấn luyện biệt kích. Sự bền bỉ của hai nữ quân nhân đã khiến ngay cả những huấn luyện viên biệt kích dày dạn kinh nghiệm tại trường cũng phải ấn tượng.

“Hai quân nhân sẽ tốt nghiệp vào ngày mai, họ đã hoàn toàn giành được sự tôn trọng của toàn bộ các huấn luyện viên thuộc lữ đoàn huấn luyện biệt kích,” Arnold nhận xét.

Ông cũng cho biết thêm rằng hai nữ quân nhân đã giành được điểm số cao ở mục đánh giá chéo - một tiêu chuẩn đánh giá tại trường biệt kích, trong đó những học viên khác có thể rất khắt khe trong việc đánh giá xem đồng đội của họ có thực hiện đủ yêu cầu khi không có mặt huấn luyện viên hay không.

Hai nữ học viên đã mang động lực tới cho rất nhiều học viên khác. “Đây là một môi trường rất nam tính,” Arnold cho biết. “Hãy thử tưởng tượng rằng bạn đang trên đường đi bộ hành quân 19 km, và một nữ quân nhân chỉ nặng khoảng hơn 54 kg bỏ xa bạn khi hành quân... Điều này chắc chắn đã mang lại cho họ sự tôn trọng từ các học viên khác.”

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG