Căng thẳng với Mỹ, Nga - Trung vội vã chốt thương vụ S-400?

Nga - Trung đã chốt thương vụ S-400?
Nga - Trung đã chốt thương vụ S-400?
TPO - Giữa lúc mối quan hệ Nga với phương Tây và Mỹ đang ở thời điểm căng thẳng, truyền thông Mỹ bất ngờ thông tin Moscow và Bắc Kinh đặt bút ký chuyển giao 6 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400, hệ thống được cho là quân bài đối phó với kế hoạch "xoay trục" sang châu Á - Thái Bình Dương của Washington.

Hãng Lenta ngày 26/1 dẫn nguồn tin từ trang Strategy Page của Mỹ, cho biết: Theo hợp đồng, Trung Quốc sẽ trả cho mỗi tiểu đoàn S-400 500 triệu USD. Hợp đồng còn bao gồm cả các dịch vụ đào tạo các kíp xe chiến đấu, cung cấp phụ tùng và tên lửa bổ sung.

Stategy Page cho biết, biên chế của mỗi tiểu đoàn gồm 8 bệ phóng (gồm 2 tên lửa mỗi bệ), 1 xe chỉ huy, 1 đài radar và 16 tên lửa dự phòng.

Trên thực tế, Nga và Trung Quốc đàm phán mua bán S-400 từ năm 2012. Các nguồn tin thời điểm đó cho biết, các hệ thống S-400 đầu tiên có thể chuyển giao cho Bắc Kinh sớm nhất là vào năm 2017 và chỉ sau khi đáp ứng phần lớn nhu cầu của quân đội Nga.

Tháng 3/2014, Lenta dẫn nguồn tin quân sự Liên bang khẳng định, Tổng thống Nga Putin đã phê chuẩn bán S-400 cho Trung Quốc.

Tiếp đó, tháng 7/2014, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov xác nhận Bắc Kinh sẽ là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua S-400.

Gần đây nhất, tháng 11/2014, tờ Vedomosti đã viết về việc Nga và Trung Quốc ký hợp đồng bán 6 tiểu đoàn S-400 trị giá ước 3 tỷ USD, và “hợp đồng đã được ký vào đầu mùa Thu năm 2014”.

Tuy nhiên, Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự đã bác bỏ thông tin về hợp đồng và nói rằng, “vấn đề còn chưa được giải quyết”.

Theo giới phân tích quân sự, việc Trung Quốc quyết tâm trang bị hệ thống không không tối tân S-400 liên quan tới chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang châu Á – Thái Bình Dương, mà kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, hạn chế quan hệ đối tác Moscow - Bắc Kinh là những trọng tâm ưu tiên của Washington.

S-400 là hệ thống thế hệ mới tầm xa và tầm trung, được thiết kế để tiêu diệt tất cả các phương tiện tấn công phòng không vũ trụ hiện tại và tương lai, máy bay trinh sát, máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa chiến thuật và tên lửa đạn đạo tầm trung, mục tiêu siêu thanh và máy bay giám sát radar và máy bay điều khiển.

Trước đây S-400 được biết đến với cái tên S-300PMU-3 tích hợp nhiều tính năng kỹ chiến thuật vượt trội, hơn hẳn so với các phiên bản S-300 trước đó như S-300PMU1, S-300PMU2. S-300V… với tầm bắn hiệu quả lớn gấp 2 lần hệ thống tên lửa Patriot MIM-104 của quân đội Mỹ.

Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 có thể phát hiện được các mục tiêu trên không ở cự ly cách xa 250 dặm (400 km) như các loại phi cơ ném bom - chiến đấu, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

S-400 được thiết kế để phóng tên lửa theo chiều thẳng đứng, tương tự như hệ thống S-300. Sau khi phóng tên lửa bay theo hướng nghiêng phía mục tiêu định tiêu diệt, như vậy có thể đáp trả các đòn tấn công tập kích đường không của địch trên mọi hướng.

Một trong những đặc tính khiến S-400 Triumf trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo Lenta/Strategy Page
MỚI - NÓNG