Cha, con, hai chiến tuyến và ngày đoàn tụ

Ông Lê Hoàng Văn (thứ hai từ phải sang).
Ông Lê Hoàng Văn (thứ hai từ phải sang).
TP - Tối 29 tháng 4 năm 1975, một người lính trẻ thuộc lực lượng bảo vệ yếu nhân Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam cộng hòa từ chối xuống tàu di tản ra nước ngoài. Anh hồi hộp nghe ngóng, ruột gan quặn thắt vì bố vẫn biền biệt khi các cánh quân giải phóng đã tụ hội giữa Sài Gòn trong niềm vui chiến thắng.

Định mệnh trớ trêu

Một tuần sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Lê Văn Nhường (Tư Nhường) mới được sum họp với vợ con sau gần ba mươi năm xa cách. Trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông được lệnh hành quân về căn cứ Trung ương Cục nhận nhiệm vụ mới: Tiếp quản các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ.

Ông Lê Hoàng Văn, con trai ông Tư Nhường kể: Ông già tui là công nhân nhà máy Ba Son, tham gia cách mạng trước năm 1945. Sau khi thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ, ông bị lộ, phải rút vào cứ. Nhiều lần, má tui bồng con đi thăm nhưng không gặp.

“Đêm đầu tiên, ba má tui ngủ chung trên bộ ván ngựa. Ông bà trò chuyện đến khuya. Nghe có nhiều tiếng động lạ, mấy đứa con cứ tủm tỉm cười. Sáng má dậy sớm pha trà cho ông già, mấy đứa con láu lỉnh xán lại hỏi. Má cười: Đồ quỷ, ba mày lạ chỗ, cả đêm trở mình. Tụi tao già hết rồi”.

“Nhiều người trêu chọc tôi là đứa không cha. Hỏi má ba đang ở đâu thì bà im lặng. Sau này đọc nhật ký mới hiểu bọn mật thám, phòng nhì Pháp rình rập, giăng bẫy quyết bắt bằng được ông già. Ngày nội tui mất, gia đình không báo tin vì sợ ông liều về thọ tang cha, sẽ gặp nguy hiểm. Mãi đến năm 1954, cả gia đình mới may mắn được đoàn tụ một ngày trước khi ông tập kết ra Bắc. Lúc ấy, tui mới biết mặt cha” - ông Văn kể.

Nhà nghèo, ông Văn đi ở cho một người bà con để có tiền ăn học. Chuẩn bị thi lấy bằng thành chung, ông bỏ ngang đi học nghề. Chưa kiếm được việc làm thì  bị bắt đi lính. Thấy ông Văn có nghề sửa chữa ô tô, thượng cấp cho đi học thêm một khóa quân cụ rồi gắn lon trung sỹ nhất, được phiên chế vào lực lượng bảo vệ yếu nhân, phục vụ tùy viên Tư lệnh Hải quân.

Ông Lê Hoàng Văn nhớ lại: Tui là lính kiểng, làm ít, ăn chơi nhiều, tối lại cặp kè đám người nhái vào quán bar trên đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi). Ông già đi theo cách mạng nên tui không muốn bàn tay mình vấy máu. Ổng là phó giám đốc nhà máy đóng tàu ở Hải Phòng, tham gia sửa chữa tàu không số, còn tui thuộc lực lượng chuyên săn tìm, tiêu diệt để cắt đứt đường Hồ Chí Minh trên biển. Cuộc đời đúng là oái oăm” - ông Văn cười.

Cha, con, hai chiến tuyến và ngày đoàn tụ ảnh 1 Ông Lê Hoàng Văn hiện nay.

Nhiều chuyện cười ra nước mắt

Ông Tư Nhường được tổ chức phân công làm tổ trưởng quân quản, trưởng khu cấp nước Gia Định. Ông Văn nhớ lại: Lúc ông già ra cứ, má tui còn trẻ. Bà ở vậy nuôi con, chờ chồng gần ba mươi năm, lúc sum họp thì tóc cả hai người đã bạc trắng. Tui nhớ đêm đầu tiên, ba má tui ngủ chung trên bộ ván ngựa. Ông bà trò chuyện đến khuya. Nghe có nhiều tiếng động lạ, mấy đứa con cứ tủm tỉm cười. Sáng má dậy sớm pha trà cho ông già, mấy đứa con láu lỉnh xán lại hỏi. Má cười: Đồ quỷ, ba mày lạ chỗ, cả đêm trở mình. Tụi tao già hết rồi.

Chân ướt, chân ráo về Sài Gòn được non một tháng có một phụ nữ từ Hải Phòng vào tìm ông Tư Nhường. Bà Tư Nhường lặng đi, bỏ dở chén cơm lên giường nằm, cả người tái xanh như bị trúng gió. Biết bà buồn, ông bảo con dâu làm cơm mời khách để giải tỏa mọi hiểu lầm. Hóa ra, người phụ nữ ấy là đồng nghiệp, thấy ông sống thui thủi một mình nên thương cảm, hay sang đỡ đần, chăm sóc như một người em gái.

Học tập cải tạo xong, ông Lê Hoàng Văn thất nghiệp. Ông Tư Nhường bèn nhận con vào làm công nhân cấp nước. Đến bây giờ ông Văn còn rùng mình mỗi khi nhắc lại chuyện cũ. Mang tiếng là con thủ trưởng nhưng ông Văn lại được phân công làm những công việc nặng nhọc nhất như đào đường, sửa chữa, lắp đặt ống nước. Hồi ấy máy móc thiếu thốn, công nhân đào đường chủ yếu bằng xà beng, xẻng công binh, bàn tay phồng rộp lên, túa máu, đau đớn vô cùng. Sợ nhất là những sáng mùa đông, phải dầm mình trong làn nước lạnh buốt để vá ống nước bị xì, bể.

Trong cơ quan, có người can ngăn. Ông Tư Nhường gạt phắt: Trước giờ nó chỉ quen hưởng thụ bơ, sữa, rượu Tây, chọn việc nhẹ nhàng. Hỏng. Cần rèn luyện nhiều hơn mới mong trở thành người có ích cho xã hội.

Một hôm, thấy thằng con rể mặt mày tái nhợt, lạnh run, ông bố vợ xót ruột bèn can thiệp. Nể sui gia, ông Tư Nhường chuyển con sang đơn vị khác.

Cha, con, hai chiến tuyến và ngày đoàn tụ ảnh 2 Ông Lê Văn Nhường (Tư Nhường) và vợ năm 1976.
Tết Bính Thìn năm 1976, cái tết đầu tiên sau ngày thống nhất, sáng mùng một, ông Tư Nhường ăn mặc chỉnh tề, bảo lái xe đưa đến từng nhà sui gia chúc tết. Ngày ấy mới giải phóng, tình hình an ninh trật tự còn phức tạp, ông đi đâu cũng có ba cận vệ, Thấy mọi người gói bánh tét, ông buột miệng nói thèm bánh chưng Bắc. Bà Văn đặt mua một cặp và học cách làm dưa hành, giò thủ.

“Ông già ăn uống đạm bạc lắm. Buổi trưa, cơm tập thể cơ quan chỉ có đĩa rau muống luộc chấm với nước muối. Xót ruột, tui mua con gà làm thịt, gói kỹ đem vào phòng làm việc cho ổng ăn riêng thì bị la một trận” - bà Văn kể.

Mùng ba Tết, ông Tư Nhường đùng đùng xách ba lô ra khỏi nhà làm mọi người bàng hoàng. Thì ra thằng cháu đích tôn không chịu nghe nhạc đỏ, cứ mở đi, mở lại những bài nhạc xuân lưu hành trước giải phóng có ca từ và giai điệu não nề, rên rỉ. Khuyên bảo, la mắng thằng nhỏ vẫn không nghe.

“Hai vợ chồng tui bê khay trà, rượu sang xin lỗi, xin ông trở về. Ông bảo không giận thằng bé vì nó còn nhỏ, nghịch ngợm. Ông bỏ đi vì sợ những người xung quanh hiểu lầm ông thích nghe nhạc vàng” - ông Văn kể.  

Công ty cấp nước ngày ấy trực thuộc Sở Nhà đất và Công trình công cộng (nay là Sở Xây dựng; Giao thông vận tải TPHCM). Thấy nhiều người được cấp nhà, căn nhà gia đình đang ở đã bắt đầu chật chội. Mỗi lần các con gợi ý, ông Tư Nhường gạt phắt: Mình có nhà rồi. Xin làm gì. Tham thế?

Ông Văn tâm sự: Thấy nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ được cấp nhà trị giá hàng trăm lượng vàng, đã có lúc tui trách ông già hâm. Ngày ông già chuẩn bị về hưu, có người gợi ý biếu cho cán bộ tổ chức một cây thuốc lá để được bố trí đi an dưỡng ở Liên Xô nhưng ổng không chịu. Quả nhiên, những người biếu thuốc lá được đi Liên Xô, còn ông già tui an dưỡng ở Thanh Đa (quận Bình Thạnh).

“Đến khi xảy ra các vụ việc liên quan đến một số quan chức cấp cao cố ý chây ỳ không trả nhà công vụ hoặc gian lận để được cấp nhà đất sai quy định, bị dư luận lên án… mới thấy thương ổng. Ông già tui một đời liêm khiết. Ngay đến xăng xe được cấp đi không hết, ổng cũng bảo tài xế đem trả về kho. Cũng nhờ ngày đó ổng hà khắc mà sau này gặp khó khăn, tui đã không gục ngã. Bị giảm biên chế, từ một quản đốc, tôi đã dẹp bỏ tự ái xuống làm nhân viên bảo vệ. Nhờ vậy có điều kiện thời gian chăm các con tôi ăn học đến nơi đến chốn” - ông Văn tâm sự. n

Ông Lê Hoàng Văn nhớ lại: Tui là lính kiểng, làm ít, ăn chơi nhiều, tối lại cặp kè đám người nhái vào quán bar trên đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi). Ông già đi theo cách mạng nên tui không muốn bàn tay mình vấy máu. Ổng là phó giám đốc nhà máy đóng tàu ở Hải Phòng, tham gia sửa chữa tàu không số, còn tui thuộc lực lượng chuyên săn tìm, tiêu diệt để cắt đứt đường Hồ Chí Minh trên biển. Cuộc đời đúng là oái oăm”.

MỚI - NÓNG