Châu Á là điểm nóng của thị trường vũ khí toàn cầu

Châu Á đang là mảnh đất màu mỡ đối với các nhà thầu vũ khí quốc tế, trong đó có Mỹ. Ảnh: Reuters.
Châu Á đang là mảnh đất màu mỡ đối với các nhà thầu vũ khí quốc tế, trong đó có Mỹ. Ảnh: Reuters.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), thị trường vũ khí thế giới những năm qua có nhiều biến động lớn, với sự nổi lên của các quốc gia châu Á. Vài năm trở lại đây, tại châu Á, nhất là khu vực Tây Á đang trở thành khu vực sôi động nhất của thị trường vũ khí toàn cầu.

Hiệp ước về buôn bán vũ khí toàn cầu cần được giám sát chặt chẽ

SIPRI đánh giá, tổng kim ngạch buôn bán vũ khí toàn cầu giai đoạn 2008-2012 đã tăng 10% so với giai đoạn 2002-2008 và con số này tiếp tục tăng tốc trong thời gian gần đây. Thị trường vũ khí toàn cầu trở nên sôi động đặc biệt sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 và Washington sau đó phát động cuộc chiến chống khủng bố ở quy mô toàn cầu.

Các số liệu đã xác nhận các quốc gia châu Á và châu Đại dương đang tăng cường mua sắm vũ khí, trang bị quân sự, trong khi đó xu thế ngược lại đang diễn ra tại châu Mỹ và châu Âu. 5 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới cũng được xác định lần lượt là Mỹ, Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc với kim ngạch chiếm 74% tổng giao dịch xuất khẩu vũ khí trên toàn cầu.

“Sự tăng trưởng của thị trường vũ khí thế giới là tín hiệu cảnh báo nền hòa bình và an ninh toàn cầu. Chính vì thế, cơ chế thực hiện các Hiệp ước về buôn bán vũ khí toàn cầu cần được giám sát chặt chẽ và thực hiện đúng quy định”, Chủ tịch Hội đồng quản trị SIPRI, Jan Eliasson tuyên bố.

Kim ngạch nhập khẩu vũ khí tại Trung Đông tăng gấp đôi

Vốn là khu vực ẩn chứa nhiều bất ổn và xung đột, không quá ngạc nhiên khi kim ngạch nhập khẩu vũ khí của khu vực Trung-Cận Đông tiếp tục tăng 103% trong thời gian qua, chiếm 32% tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí toàn cầu. Saudi Arabia tiếp tục giữ vị trí quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới trong giai đoạn 2012-2017 với tổng giá trị các hợp đồng vũ khí tăng 225% so với 5 năm trước đó. Trong giai đoạn này, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Qatar cũng tăng gấp đôi các đơn hàng đặt mua vũ khí, trang bị mới. Đây chính là “mỏ vàng” của nhà thầu vũ khí quốc tế.

Phân tích về hiện tượng này, chuyên gia chuyên trách về vấn đề mua sắm vũ khí và chương trình quân sự thuộc SIPRI, Siemon Wezeman đánh giá: “Nhu cầu về vũ khí, trang bị quân sự mới của khu vực Cận Đông còn rất lớn. Phần lớn các hợp đồng được ký khi giá dầu thế giới ở mức đỉnh hồi năm 2014. Ở thời điểm hiện tại, dù giá dầu giảm sâu, nhưng nhiều hợp đồng vẫn đang được thực hiện tạo ra hiệu ứng tăng trưởng ảo”.

Theo chuyên gia Siemon Wezeman, khu vực Cận Đông trở thành điểm nóng của thị trường vũ khí thế giới nhờ các yếu tố: Các quốc gia khu vực này đều có nguồn tài chính mua sắm vũ khí rất lớn; năng lực sản xuất quốc phòng nội địa hạn chế; chương trình vận động hành lang mạnh mẽ của các nhà thầu vũ khí quốc tế và đặc biệt là những xung đột ẩn chứa trong khu vực.

“Nhiều quốc gia trong khu vực luôn trạng thái căng thẳng với nhau (Iran với Saudi Arabia; Israel với Syria…) và các cuộc xung đột đang diễn ra trong khu vực; sự thiếu tin tưởng lẫn nhau và các mối thách thức khác đã buộc các quốc gia Trung Đông liên tục phải tăng cường tiềm lực quốc phòng thông qua các hợp đồng vũ khí lớn”, chuyên gia Siemon Wezeman đánh giá.

Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia phân tích các vấn đề địa chính trị, Christoph Germann có góc nhìn hoàn toàn khác: “Nhiều quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới đều có chung đặc điểm là: Họ đều là đồng minh của Mỹ, quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Những quốc gia nhập khẩu vũ khí đều có lý do để biện minh cho việc tăng cường vũ trang hóa của mình là họ đang phải đối phó với thế lực vượt trội”.

Châu Á là điểm nóng của thị trường vũ khí toàn cầu ảnh 1 Chính khả năng tự lực quốc phòng hạn chế đã buộc các quốc gia châu Á phải phụ thuộc vào nguồn vũ khí nhập khẩu / Defensenews.

Ấn Độ - cực mới trong thị trường vũ khí toàn cầu

Ấn Độ đang đứng đầu danh sách các quốc gia Nam Á nhập khẩu nhiều vũ khí, trang bị quân sự nhất trong giai đoạn 2012-2017. Sự bất ổn trong khu vực đã buộc giới chức New Delhi phải tăng cường tiềm lực quốc phòng và điều này được “hiện thực hóa” bằng 12% giá trị nhập khẩu vũ khí toàn cầu. Nguồn cung vũ khí chính cho Ấn Độ được xác định là 62% từ Nga. Bên cạnh đó, Mỹ trong vài năm trở lại đây đang trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho quốc gia Nam Á này với tổng giá trị các hợp đồng tăng tới 557% so với giai đoạn 2008-2012.

Theo đánh giá của chuyên gia Siemon Wezeman, việc Ấn Độ tăng cường nhập khẩu vũ khí liên quan tới xung đột trong khu vực, cũng như việc nền kinh tế quốc gia Nam Á này tăng trưởng nóng trong trong nhiều năm qua. Ngoài ra, một yếu tố cần tính tới là ngành công nghiệp quốc phòng nội địa của Ấn Độ chưa tạo được những sản phẩm vũ khí làm hài lòng giới chức quân sự nước này.

“Ngành công nghiệp quốc phòng nội địa của Ấn Độ dù nhận được sự quan tâm đặc biệt, nhưng từ năm 1950 tới nay vẫn chưa tạo được những sản phẩm quân sự nội địa đủ để gây dấu ấn với giới chức quốc phòng nước này. Chính vì thế, Ấn Độ hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn vũ khí nhập khẩu, dù vẫn tiếp tục nỗ lực tăng cường khả năng tự lực quốc phòng”, chuyên gia Siemon Wezeman nhận xét.

Chuyên gia Siemon Wezeman và Christoph Germann đều có chung nhận định, tăng trưởng của thị trường vũ khí toàn cầu sẽ còn tiếp tục trong tương lai gần và châu Á vẫn tiếp tục là điểm nóng.

Theo Theo Quân đội nhân dân
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.