Chay đua vũ trang, Nga – Mỹ làm 'nóng' Bắc Cực

Tàu tuần dương tên lửa hạt nhân hạng nặng Đô đốc Nakhimov
Tàu tuần dương tên lửa hạt nhân hạng nặng Đô đốc Nakhimov
Nga sẽ tăng cường tiềm lực và khả năng tác chiến trên biển cho lực lượng Hải quân trong mối quan tâm lớn tới Bắc Cực. Trong khi, hải quân Mỹ cũng có kế hoạch để “củng cố vị trí” của họ ở khu vực này.

Mỹ hiện có lực lượng hải quân mạnh mẽ nhất thế giới với 283 tàu chiến. Trong khi Nga, đối thủ thách thức chủ yếu của Mỹ, hiện sở hữu 208 tàu chiến các loại. Tuy nhiên, Nga đang ấp ủ kế hoạch thu hẹp khoảng cách về số lượng tàu chiến giữa hai nước.

Hãng tin quân sự vpk.name ngày 22/1 dẫn cuộc phỏng vấn của RIA Novosti với Phó Tư lệnh, Chuẩn Đô đốc hải quân Nga, Victor Bursuk, khẳng định, Nga đang tăng cường tiềm lực và khả năng tác chiến trên biển của lực lượng hải quân.

Theo Phó Tư lệnh Victor Bursuk, trong năm 2014, Nga sẽ đóng mới 40 tàu chiến các loại (Mỹ dự tính đóng mới 35 tàu chiến), trong đó trọng tâm là tàu ngầm hạt nhân lớp Borei, tàu ngầm diesel-điện Varshavyanka.

Bên cạnh đó, ông Victor Bursuk cũng khẳng định, Hải quân Nga đang nhanh chóng hiện đại hóa tàu tuần dương hạt nhân Đô đốc Nakhimov và một số tàu ngầm hạt nhân tấn công chiến lược.

Ngoài ra, việc đóng mới tàu sân bay hạt nhân đầu tiên cũng đang được Nga tính đến.

Tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng tại Bắc Cực

Theo giới phân tích quân sự, sở dĩ Nga quyết tâm đầu tư mạnh cho lực lượng hải quân, cũng như ưu tiên phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, xuất phát từ chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin hồi cuối năm 2013 về việc gia tăng ảnh hưởng của Nga tại Bắc Cực sau động thái một số quốc gia tuyên bố chủ quyền tại khu vực này.

Chay đua vũ trang, Nga – Mỹ làm 'nóng' Bắc Cực ảnh 1

Chiến hạm thuộc hạm đội tàu phá băng Mỹ USCGC Polar Star

Giới khoa học thế giới tin rằng, sự nóng lên toàn cầu kéo theo tình trạng tan băng là cơ hội cho các quốc gia từ lâu có tham vọng thăm dò khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào vốn nằm sâu dưới lớp băng Bắc Cực.

Hồi đầu tháng 1/2014, Nga tuyên bố tăng cường tuần tra ở Bắc Cực với sự trợ giúp của tình báo và các loại máy bay Tu-142 và IL-38. Họ cũng có kế hoạch khôi phục và mở thêm một số sân bay ở Bắc Cực nhằm phục vụ mục đích dân sự và quân sự như thời Chiến tranh Lạnh.

Theo báo cáo của lực lượng hải quân, năm 2014, nhiều tàu chiến mới của Nga sẽ được điều động luân phiên tham gia bảo vệ lợi ích của quốc gia này ở Bắc Cực.

Về phía Mỹ, vào tuần trước, hải quân quốc gia này công bố kế hoạch nhằm “củng cố vị trí” của họ ở vùng Bắc Cực với chi phí lên tới 8,4 tỉ USD, và kế hoạch đóng mới 10 tàu phá băng Bắc Cực trị giá 7,8 tỉ USD.

Nếu các dự án được thực thi, ba công ty lớn nhất ngành đóng tàu quân sự của Mỹ là Lockheed Martin, General Dynamics và Nuntington Ingalls sẽ bắt tay thực hiện tham vọng của Mỹ ở Bắc Cực, đối đầu trực diện với Nga tại khu vực này.

Theo vpk.name
MỚI - NÓNG