'Chị nuôi' ở tuyến đầu chống dịch

Hội phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế và ĐVTN huyện Phú Vang chuẩn bị bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ và công dân ở khu cách ly .Ảnh: D.Đ
Hội phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế và ĐVTN huyện Phú Vang chuẩn bị bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ và công dân ở khu cách ly .Ảnh: D.Đ
TP - Đồng hành với các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch COVID-19, thời gian qua, những nữ quân nhân ở Quân khu 4 đã gác việc riêng vì nhiệm vụ chung của đơn vị và sức khỏe cộng đồng, dù phải đối mặt nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Không sao nhãng nhiệm vụ

5 giờ 30 phút, tiếng kèn báo thức tại khu cách ly thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Thừa Thiên Huế vang lên báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Ở các dãy nhà ở của bộ đội, hàng trăm người dân bước ra sân bóng để tập thể dục, đi bộ hít thở không khí trong lành.

Cách đó không xa, tại bếp ăn dã chiến mới được thành lập, bộ phận hậu cần lưng áo đẫm ướt mồ hôi đang tất bật chia cơm, thức ăn cho hơn 600 người dân trong khu cách ly. Ít ai biết rằng, để hoàn thành công việc của mình, họ phải thức dậy từ 3 giờ sáng nhóm bếp, vo gạo, rửa rau, thái thịt... nấu ăn để kịp phục vụ bữa sáng lúc 6 giờ. Dù thấm mệt nhưng qua lớp khẩu trang y tế, chúng tôi vẫn cảm nhận được nụ cười, nét mặt vui tươi trên từng khuôn mặt của họ.

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Hồ Thị Thanh Bình, hội viên Hội phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ: “Để có những suất ăn đảm bảo dinh dưỡng, sức khoẻ cho người dân ở các khu cách ly, hằng ngày, chị em chúng tôi thay nhau đi chợ lựa chọn những thực phẩm tươi sống, ngon và sạch về chế biến. Ngoài ra, đơn vị trồng thêm rau xanh, muối nén thêm một số loại quả để đưa vào bữa ăn cho đa dạng, dễ ăn. Tuy vất vả nhưng không một ai phàn nàn hay sao nhãng nhiệm vụ của mình”.

Sau khi các suất ăn được đóng gói cẩn thận chuyển đến từng dãy nhà cấp phát cho mọi người xong xuôi cũng là lúc các “anh nuôi”, “chị nuôi” tranh thủ ăn bữa sáng. Rồi họ tiếp tục công việc chuẩn bị thực phẩm cho bữa cơm trưa và chiều. Tiếp sức cùng họ trong những ngày cao điểm này còn có các chị em Hội phụ nữ và ĐVTN địa phương.

Gác niềm riêng vì nhiệm vụ

Trung đoàn 996 thuộc Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình là một trong những điểm tiếp nhận công dân thực hiện cách ly tập trung ngay từ giai đoạn đầu chống dịch cho đến nay. Trong thời gian này, 8 nữ quân nhân của đơn vị đã xung phong ngày đêm bám trụ ở khu cách ly.

Từ ngày đại úy QNCN Nguyễn Thị Khánh Hòa (nhân viên hậu cần Trung đoàn 996) tham gia phục vụ công dân ở khu cách ly, anh Phạm Văn Dương thay vợ đảm nhiệm mọi công việc gia đình, từ chăm sóc các con tới việc thăm nom ông bà nội ngoại hai bên, dù anh đang mang trong mình căn bệnh nan y có thể tái phát bất cứ lúc nào.

Thương chồng vất vả, sức khỏe yếu, hằng ngày chị Hòa luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tranh thủ chút thời gian ít ỏi, chị thường gọi điện về nhắc chồng nhớ uống thuốc đúng giờ, ăn uống bảo đảm sức khỏe. “Có những đêm phải phục vụ cơm cho công dân vào cách ly muộn, khi về phòng nghỉ thấy tin nhắn động viên từ chồng tôi thấy như được thêm động lực. Chỉ mong sao hết dịch để về nhà chăm sóc chồng con, bù đắp thiệt thòi cho gia đình thời gian qua”, chị Hòa chia sẻ.

Cũng như chị Hòa, trung úy QNCN Nguyễn Thị Thương có hai con còn nhỏ, vì nhiệm vụ chị phải gửi con cho ông bà trông nom để dành thời gian cùng các đồng đội đi chợ, bảo đảm hậu cần cho cán bộ, chiến sĩ và công dân cách ly tại Trung đoàn. Do đặc thù công việc hậu cần thường kết thúc muộn nên mỗi khi gọi điện về nhà thì các con của chị đã đi ngủ. Qua người chồng kể, trước khi các con của chị ngủ đều hỏi: “Ba ơi, giờ này sao mẹ chưa về, khi nào mẹ về hả ba?...”. Những lúc như thế, chị lại ứa nước mắt vì nhớ con…

Trở về quê chuẩn bị sinh con rồi phải đi cách ly, chị Nguyễn Thị Hồng Ngân (đang mang thai tuần thứ 34, quê ở huyện Phong Điền) xúc động trước sự chăm sóc tận tình của cán bộ, chiến sĩ của Bộ CHQS Thừa Thiên Huế. “Biết tôi có bầu nên mọi người ưu tiên khẩu phần ăn nhiều chất dinh dưỡng hơn. Ở đây, tôi cảm nhận được sự sẻ chia, đùm bọc, yêu thương như chính đang ở gia đình của mình”, chị Ngân nói.  

MỚI - NÓNG