Chuyện tình lính đảo Cô Tô

Chị Nguyễn Thị Mai Thanh và con gái là hậu phương vững chắc để Trung úy Vũ Quý Ngọc hoàn thành nhiệm vụ.
Chị Nguyễn Thị Mai Thanh và con gái là hậu phương vững chắc để Trung úy Vũ Quý Ngọc hoàn thành nhiệm vụ.
TP - Vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, những người lính trẻ của Tiểu đoàn đảo Cô Tô (Lữ đoàn 242, Quân khu 3, Quảng Ninh) đã viết nên những chuyện tình đẹp nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Tình yêu từ những người vợ, người yêu đã giúp các anh giữ vững vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đất lạ hóa quê hương

Đó là câu chuyện tình của Trung úy Vũ Quý Ngọc (SN 1981, quê Thái Bình), nhân viên quân y Tiểu đoàn đảo Cô Tô và Nguyễn Thị Mai Thanh (SN 1993) ở xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô). Sinh ra và lớn lên ở Quỳnh Phụ (Thái Bình), học xong THPT, anh Ngọc đi bộ đội và học lớp Trung cấp Quân y I. Sau đó, anh nhận nhiệm vụ công tác ở đảo Cô Tô đến nay. Đam mê công việc, ngoài 30 tuổi vẫn chưa lập gia đình, rồi anh gặp Mai Thanh, một cô gái trẻ trong xã mà đơn vị đóng quân. Qua nhiều lần đắn đo, suy nghĩ, anh Ngọc mới dám “đánh bạo” đến nhà Thanh chơi.

“Tôi xem đảo Cô Tô là quê hương của mình. Tình yêu đảo, yêu vợ con là động lực để tôi cố gắng rèn luyện chiến đấu, cùng đồng đội giữ vững biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Trung úy Nguyễn Khắc Trọng chia sẻ

Mở cổng đón khách lạ, Mai Thanh cất tiếng “cháu chào chú ạ!” làm anh Ngọc ngại đỏ mặt đáp “anh chào em”. Cô gái hỏi “thế chú đến tìm bố cháu à?”. “Không em”, anh Ngọc nói. “Thế chú tìm mẹ cháu à?”, Thanh hỏi. “Không em”, anh Ngọc bối rối hơn. Mai Thanh hỏi tiếp “Thế chú tìm ai?”, “Anh tìm em, muốn đến nhà chơi với em”, anh Ngọc mạnh dạn nói.

Sau lần gặp đó, sau có thời gian rỗi là anh Ngọc đến nhà Thanh chơi và đề nghị cô “Gọi anh thôi, đừng gọi chú”. “Tôi thích Thanh từ cái nhìn đầu tiên, nhưng với tôi tỏ tình giống như  đánh địch, phải chờ thời cơ mới ra “đòn” quyết định”, anh Ngọc hài hước. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, 6 tháng sau, anh ngỏ lời và được Thanh nhận lời.

Thanh cho biết, anh Ngọc rất thương yêu vợ nhưng mang vẻ mộc mạc, chất phác của người lính đảo. “Khi mình yêu anh Ngọc, nghĩ ra viễn cảnh một ngày anh cầu hôn mình trên bờ biển, hay một nơi nào thật lãng mạn và lúc đó mình sẽ ôm chặt anh, nói lời đồng ý. Nhưng mình bất ngờ trong một lần về chơi nhà anh Ngọc, anh nhờ luôn mẹ anh cầu hôn giúp và chỉ đứng bên cạnh gãi tai”, Thanh cười kể. Tháng 11/2013, cả tiểu đoàn đảo Cô Tô vui mừng chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Đến nay, tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái khi cô con gái đã được 18 tháng tuổi.

Tương tự, Trung úy Nguyễn Khắc Trọng (SN 1983, quê Hải Dương), nhân viên quân khí tiểu đoàn đảo Cô Tô cũng có vợ là người ở đảo. Vợ anh, chị Phan Thị Tú (SN 1983) là giáo viên Trường Mầm non xã Đồng Tiến. Đơn vị anh - chị công tác là đơn vị kết nghĩa, hai người quen nhau trong đợt tập văn nghệ chung. Đến nay, hai người đã sinh được hai người con (một trai, một gái). Anh Trọng bộc bạch: “Tôi xem đảo Cô Tô là quê hương của mình. Tình yêu đảo, yêu vợ con là động lực để tôi cố gắng rèn luyện chiến đấu, cùng đồng đội giữ vững biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Chuyện tình của tân binh

Vũ Đức Long (SN 1996, quê Hải Phòng), binh nhì Tiểu đội 6, Trung đội bộ binh 2 (Tiểu đoàn đảo Cô Tô) tham gia nghĩa vụ quân sự trong đợt tháng 9 vừa qua. Long cho biết, cậu gửi điện thoại nhờ trung đội trưởng giữ hộ, tối khi hoàn thành nhiệm vụ lại đến xin phép gọi về nhà nói chuyện với gia đình, người yêu. Long yêu một cô gái đang học ở quê. Vì nhớ người yêu, nhiều đêm nằm ngủ, Long khóc và cậu đã có một quyết định dại dột trong đợt Tết Trung thu 2015.

“Gần Tết Trung thu, mình gọi điện cho Thảo, em bảo ngày lễ mà không có người yêu đi chơi cùng nên tủi thân lắm. Đêm đó, mình không ngủ được, nhớ người yêu quá, nên dại dột trốn đơn vị về thăm người yêu.  “Tuổi trẻ nên mình nông nổi dẫn đến quyết định sai lầm. Nhưng may mắn mình được các anh chị, chỉ huy đồn trực tiếp khuyên bảo, tạo điều kiện để mình được sửa chữa lỗi lầm”, Long nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Đại úy Nguyễn Văn Hồng (Chính trị viên phó, Bí thư Liên chi Đoàn Tiểu đoàn đảo Cô Tô) cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc tuyến đảo Đông Bắc của Tổ quốc, trước những âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đảng ủy, Chỉ huy Tiểu đoàn luôn quan tâm, chăm lo tới đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt là chiến sĩ mới nhập ngũ hay sĩ quan trẻ mới ra trường lần đầu tiên đặt chân trên tuyến đảo sẽ không khỏi bỡ ngỡ, số ít đồng chí có biểu hiện buồn chán. Nắm bắt được điều đó, cán bộ các cấp đã động viên, thăm hỏi bằng tinh thần, thái độ chân tình, cởi mở giúp cho cán bộ, chiến sĩ.

“Trên đảo Cô Tô hiện có 10 gia đình quân nhân của đơn vị. Các đồng chí có hậu phương bên cạnh, do vậy luôn yên tâm lập nghiệp, xây dựng huyện đảo vững mạnh về kinh tế và vững chắc về quốc phòng, an ninh. Chỉ huy đơn vị đã thường xuyên quan tâm, động viên, thăm hỏi tặng quà nhân các ngày lễ, tết, vun vén cho chuyện tình cảm, tình yêu đôi lứa, tích cực xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện”, Đại úy Hồng nói.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.