Chuyện về chiến binh bầu trời, Bài cuối: Không để Tổ quốc bị bất ngờ

TP - “Cuộc sống vẫn còn vất vả lắm, nhưng nếu được lựa chọn lại, chúng em vẫn lựa chọn làm phi công quân sự bởi đó là đam mê và lý tưởng. Nhiệm vụ cấp trên giao lúc nào chúng em cũng sẵn sàng hoàn thành, kể cả huấn luyện hay sẵn sàng chiến đấu”, Thượng úy Vũ Hồng Việt, Phi công Phi đội 1, Trung đoàn 935 chia sẻ.   

Tre già măng mọc

Ở Trung đoàn 935 hiện có nhiều lớp phi công. Như Đại tá Phạm Thế Hữu, Chủ nhiệm bay thuộc diện lớn tuổi nhất Trung đoàn. Anh Hữu còn 3 tháng nữa mới hết tuổi bay (52 tuổi), nhưng đã dừng bay để chuyển sang công tác chỉ huy. Theo thói quen quan sát và đảm bảo không bị chói, anh luôn đeo kính đen dù ngồi trong bóng râm. Anh Hữu là một trường hợp đặc biệt ở Trung đoàn 935. “Ngày xưa, mình đi chở xe bò, tình cờ thấy đoàn khám tuyển không quân ở huyện. Thế là cho bò đứng vào rìa rồi khám thử, thế là đạt. Hồi đấy có 48 cân”, anh Hữu kể.

Về thông báo kết quả, anh trai không tin. Sau đó, anh Hữu cùng anh trai ra Hà Nội khám lại, lại chuẩn trúng tuyển phi công. “Năm 1987 thi vào, 47 người được chọn có mỗi mình bay được. Về Hà Nội gặp lại đội bạn học, chúng nó cứ bảo phải “dựng tượng” ông này vì cả lớp mình chỉ có ông lên được bầu trời”, anh Hữu nói. Anh Hữu chia sẻ, những người không bay được ngày xưa, giờ ra làm ở ngoài, nhiều người thành đạt lắm.

Chuyện về chiến binh bầu trời, Bài cuối: Không để Tổ quốc bị bất ngờ ảnh 1 Trung đoàn 935 với nhiệm vụ canh trời, giữ biển

Đợt trước, sau lần bay, anh Hữu bị ốm, dù đi kiểm tra không gặp vấn đề gì. Dù còn 3 tháng nữa, nhưng anh dừng bay để đảm bảo an toàn. Anh bảo, làm phi công vất vả, căng thẳng đầu óc. Ngày xưa bay các máy bay thế hệ trước thì bay đơn, một mình xử lý đơn giản. Bây giờ Su30Mk2 bay đôi, bản thân là chỉ huy bay, nhiều khi phải lo cho cả người đi cùng vì các em còn trẻ và ít kinh nghiệm. “Trước chuyến bay phải suy nghĩ nhiều lắm. Bay thế nào cho an toàn.

Bay ra Trường Sa thế nào, tính toán các phương án ra sao. Không phải cứ sướng lên, bay vù vù một phát là được đâu. Có nhiều vấn đề trong một chuyến bay, phải chuẩn bị kỹ lưỡng, tính hết các phương án mới thành công được”, anh Hữu nói. Theo lời anh Hữu, anh và các đồng đội bay tuần tiễu Trường Sa nhiều. Bay ra cả vùng Tư Chính nữa. Đất nước, Tổ quốc của mình, vùng trời, vùng biển của mình, bay ra chứ sợ gì ai. Và ở phía dưới, đồng đội luôn chuẩn bị các phương án sẵn sàng, cần thiết để hỗ trợ, bảo vệ.

Hiện nay, ở Trung đoàn 935 đa phần là phi công thế hệ 9X, dưới sự chỉ huy, huấn luyện của các phi công kỳ cựu như Đại tá Huỳnh Mạnh Thắng, Đại tá Phạm Thế Hữu... Thượng úy Vũ Hồng Việt, Phi công Phi đội 1, Trung đoàn 935 bảo, hàng tuần vẫn bay huấn luyện, có nhiệm vụ khác thì thực hiện theo lệnh của cấp trên, kể cả là nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Khi hai thầy trò trên cùng một chuyến bay, nghĩa là cùng chung số phận. Ở Trung đoàn, tình cảm đoàn kết, gần gũi khăng khít. Cứ lên máy bay là có sự gắn kết cao, nó khác với sự gắn kết dưới mặt đất.

“Ai cũng muốn xung phong bay ra Trường Sa. Có lệnh là bay. Khi có báo động trực chiến cũng vậy, không cần biết ngày hay đêm, không cần biết thời tiết khó khăn thế nào, chỉ cần có lệnh là lúc nào chúng em cũng sẵn sàng xuất kích, cất cánh”, Việt nói.

Vượt khó để canh trời, giữ biển

Việt quê ở Quỳnh Phụ (Thái Bình), nhà không có ai làm trong quân đội, nhưng từ bé đã ước mơ được làm phi công. Và ước mơ đó trở thành sự thật. Việt bảo, khi thi được vào trường quân sự, bản thân chỉ có một mục tiêu duy nhất là phi công chiến đấu bởi Việt rất tâm đắc với câu nói, đại ý, đã là phi công thì phải là phi công chiến đấu. Đến nay, Việt tự tin vì đã có rất nhiều cái “đầu tiên” như lần đầu tiên được “lên trời”, chuyến bay đầu tiên với máy bay Yak 52, L-39, chuyến bay đầu tiên với Su30Mk2, chuyến bay đêm đầu tiên; rồi chuyến bay đầu tiên ra Trường Sa, lần đầu sử dụng vũ khí trong diễn tập, huấn luyện.

Chuyện về chiến binh bầu trời, Bài cuối: Không để Tổ quốc bị bất ngờ ảnh 2 Những phi công trẻ ở Trung đoàn 935 luôn trau dồi kỹ năng, khổ luyện để làm chủ trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc

“Có những cột mốc không bao giờ quên”, Việt nói. Để đào tạo được một phi công, Việt cho biết rất vất vả và siêu tốn kém. Như Việt, phải mất 4 năm 3 tháng học tại trường. Bây giờ, thời gian còn dài hơn. Có khi vào cùng một khóa nhưng ra trường ở các giai đoạn khác nhau. Nói như  “các cụ” ngày xưa, cứ cân nặng của phi công chiến đấu bao nhiêu thì quy ra từng ấy cân vàng, mà nhiều khi không tính được chi phí. Ví dụ, một Trung đoàn bay chỉ có vài chục phi công, nhưng có cả nghìn người “phục vụ”.

“Ai cũng muốn xung phong bay ra Trường Sa. Có lệnh là bay. Khi có báo động trực chiến cũng vậy, không cần biết ngày hay đêm, không cần biết thời tiết khó khăn thế nào, chỉ cần có lệnh là lúc nào chúng em cũng sẵn sàng xuất kích, cất cánh”. 


Thượng úy Vũ Hồng Việt

Việt chia sẻ, bay nhiều nên cũng quen dần với áp lực, không còn quá căng thẳng như trước. Cũng có những nguyên tắc phải tuân thủ tuyệt đối trước khi bay, như trước ngày bay 24h và trong ngày bay không được động đến rượu bia và chất tạo hơi. Phải ăn cơm bếp nấu và phải ngủ tại đơn vị. “Nếu đạt điều kiện thì được bay, còn thừa cân, thể lực yếu thì dừng, bao giờ đủ tiêu chuẩn mới được bay lại.

Ai có biểu hiện bất thường là quân y kiểm tra ngay. “Được bay, anh em phấn khởi lắm. Tất cả đều hào hứng. Ai không được bay đều cảm thấy buồn, nhất là các đồng chí hết tuổi bay, cảm giác rất lưu luyến”, Việt nói. Quan trọng nhất, theo Việt, khi lên máy bay phải biết gác chuyện gia đình sang một bên. Dù sao phi công cũng là một con người, vẫn có nhu cầu của con người bình thường. Cũng phải có gia đình riêng. Nhưng khi tác chiến thì công việc là hàng đầu, “Khi thực hiện nhiệm vụ phải biết gạt gia đình sang một bên, bởi lên máy bay rồi chỉ còn trách nhiệm là hàng đầu. Lúc về, tắt máy, hạ cánh an toàn khi đó nghĩ gì thì nghĩ”, Việt tâm niệm.

Cùng thế hệ phi công trẻ với Việt, Trung úy Nguyễn Phi Long cũng chung tâm sự. Long bảo, đi theo nghề phi công chiến đấu là niềm đam mê, là niềm tự hào của bản thân và gia đình. Long bảo, nếu cứ so sánh với phi công dân dụng, đúng là họ kiếm nhiều tiền hơn, và tiền thì ai cũng cần nhưng… biết bao nhiêu cho đủ.

Vì thế, Long và các đồng đội vẫn chăm chỉ tập huyện để làm chủ trang bị, kỹ thuật hiện đại, sẵn sàng bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. “Em đã đi trực sẵn sàng chiến đấu ban ngày rồi, nhưng ban đêm thì cần thêm thời gian rèn luyện nữa, bởi bay đêm cần nhiều kỹ năng, kinh nghiệm hơn”, Long nói.

MỚI - NÓNG