Chuyện về chiến binh bầu trời: Những chuyến bay đêm

TP - Chiếc máy bay Su30Mk2 từ từ tăng tốc rồi bất ngờ vút lên. Phía sau hai động cơ phụt ra hai tia lửa xanh ngắt. Cán bộ Trung đoàn 935 bảo, đó là bay tăng lực. Nếu hôm nào trời trăng sáng, bay trên bầu trời rất đẹp. Nhưng, bay đêm vẫn luôn là một kỹ năng khó, tiềm ẩn những nguy cơ, nếu không có bản lĩnh, rất khó để vượt qua…
Chuyện về chiến binh bầu trời: Những chuyến bay đêm ảnh 1

Phi công làm thủ tục trước khi cất cánh ban đêm

Cẩn trọng

 Lúc chúng tôi ở Trung đoàn 935, mấy cán bộ bảo, các anh vào đây đợt này không có bay đêm. Thật tiếc vì bay đêm rất đẹp. Đấy là đẹp với cánh phóng viên nhiếp ảnh, khi lên hình, còn để chuẩn bị một chuyến bay đêm, thực sự rất kỳ công và cẩn trọng. Nhưng bất ngờ, chúng tôi được thông báo, ngày hôm sau sẽ có bay đêm.

Sau khi ăn sáng, cán bộ của Trung đoàn dẫn chúng tôi lên phòng họp, phòng giao nhiệm vụ trước chuyến bay. Các bộ phận tề tựu đông đủ. Trong phòng họp treo đầy những bản đồ, bảng biểu chỉ dẫn bay, sơ đồ bay… Thượng tá Đỗ Mạnh Hùng, Trung đoàn trưởng chủ trì cuộc họp. Từng bộ phận đứng dậy báo cáo. Bộ phận khí tượng thông báo về tình hình thời tiết, các bộ phận báo cáo về chuyến bay ngày hôm qua, những vấn đề vướng mắc, phát sinh cần giải quyết… Cán bộ Trung đoàn cho biết, đây là việc chuẩn bị trước chuyến bay, các thông số đều phải báo cáo. “Ví dụ như tình hình khí tượng, nếu có gì thay đổi sẽ lại phải thông báo tiếp cho lãnh đạo Trung đoàn biết để xem xét. Trước chuyến bay, lãnh đạo Trung đoàn là người thực hiện chuyến bay khí tượng”, vị này giải thích.

Tan cuộc họp, các bộ phận tản đi làm công tác chuẩn bị. Chúng tôi được dẫn đi tham quan và chứng kiến phòng tập của phi công Su30Mk2. Những người không bay huấn luyện buổi đêm sẽ được rèn luyện trên buồng tập. Buồng tập được xây dựng mô phỏng buồng lái thật của Su30Mk2 tới từng chi tiết. Phải mất 15 phút mới khởi động được đầy đủ. Hai phi công trẻ bước lên, thực hiện thao tác. Màn hình hiển thị như máy bay đang trên bầu trời. Mỗi lần máy bay nghiêng, chao lượn, màn hình 3D như thật cũng thể hiện độ nghiêng theo. “Buồng lái này giống như thật, chỉ khác là không có các lực tác động như khi lái máy bay thôi”, chàng phi công trẻ tuổi nói. Ở phòng bên cạnh, tất cả các thông số phi công thực hiện, đường bay, độ cao máy bay đều được hiển thị trên màn hình máy tính. Đại tá, phi công Huỳnh Mạnh Thắng bảo, mô hình đó giá cả chục triệu USD.

Nói về chuyến bay đêm, anh Thắng bảo, chú ý quan sát vào lúc hoàng hôn, bởi máy bay phát ra tia lửa khi tăng lực, nhìn rất lung linh. Đặc biệt, nếu bay vào những lúc trăng sáng thì càng đẹp hơn nữa.

Bản lĩnh

Hơn 15h, Trung đoàn trưởng Đỗ Mạnh Hùng chuẩn bị bay khí tượng. Chuyến bay khí tượng, theo giải thích của anh em phi công là bay trước, dò xem thời tiết, khí tượng thế nào, và đều do lãnh đạo đơn vị thực hiện. Anh Hùng, cùng một phi công có kinh nghiệm bước lên phi cơ 8577, từ từ chuyển bánh ra đường băng trước khi vút lên bầu trời. Bay khoảng 30 phút, anh Hùng hạ cánh. Thời tiết có vẻ tốt, mọi việc được triển khai như kế hoạch buổi sáng. Các phi công tập trung ăn ngay ở nhà ăn cạnh sân bay. Mỗi phi công có một suất ăn gồm cá, nem rán, thịt gà, canh, bí đỏ xào… Các máy bay chuẩn bị bước vào bay huấn luyện buổi đêm. Hơn 17h, chuyến bay đầu tiên cất cánh. Một lúc sau, chuyến bay nữa vút lên bầu trời.

Tranh thủ khi các phi công ăn trước chuyến bay, trung úy chuyên nghiệp Trần Hữu Thọ, Bếp trưởng bếp ăn phi công chia sẻ, toàn bộ thực phẩm nấu cho phi công được đăng ký ở ngành quân nhu. Đồ ăn của phi công không như của bộ binh và có những đặc trưng riêng. Anh Thọ bảo, việc nấu ăn cũng phải linh động theo giờ bay của phi công. Nếu bay vào buổi sáng, thì ngay từ nửa đêm, các nhân viên của nhà bếp đã phải dậy hầm xương, nấu phở cho buổi sáng. Có hôm, nhân viên còn không kịp nghỉ ngơi vì huấn luyện bay đến xuyên trưa mới nghỉ. Còn những hôm bay huấn luyện đêm, các món ăn được đưa ra ngay sân bay để tiết kiệm thời gian.

Trước giờ bay, thượng úy Đỗ Bảo Tùng đứng trước sa bàn vẽ ngay cạnh nhà ăn sân bay để ôn lại bài. Anh Tùng bảo, bay đêm khó hơn bay ban ngày, nhiều thông số phức tạp. Sa bàn trên sân giúp anh nhớ lại các động tác để chuẩn bị bay tốt hơn. Trên điện thoại của Trung tá Phan Việt Anh, Tham mưu trưởng Trung đoàn cũng có “tài liệu” là bức ảnh chụp sơ đồ, thông số bay chi chít số liệu bằng tiếng Nga. “Đợt này bay nâng cao nên nhiều kỹ thuật khó. Bay đêm nên nhiều khi không nhìn thấy gì, chủ yếu theo số liệu trên buồng lái, không quan sát được bên ngoài. Đặc biệt là khi thực hiện nhào lộn, máu dồn xuống dưới chân, mắt mở mà không thấy gì. Lúc đó núi với đất cũng chỉ một màu đen như nhau. Nếu không chuẩn bị kỹ, bản lĩnh sẽ rất nguy hiểm”, anh Việt Anh nói. Ôn bài xong, anh Việt Anh ra máy bay. Chuyến bay của anh được “tăng lực”, thực hiện các kỹ thuật phức tạp. Chiếc chiến đấu cơ vút lên trời với hai luồng lửa xanh phía sau. Hơn nửa tiếng, anh Việt Anh hạ cánh, mặt vẫn tươi cười. “Tí mình còn bay thêm chuyến nữa, cũng tăng lực như vừa rồi”, anh Việt Anh nói. Vừa uống cốc nước chè đỗ đen, anh Việt Anh bảo, không quan trọng là nghỉ bao nhiêu phút, mà quan trọng là bao giờ đến lượt mình bay tiếp. Xuống một tí rồi bay lên luôn cũng được.

Hơn 22h, anh Việt Anh vẫn quần thảo trên bầu trời sân bay Biên Hòa, Đồng Nai. Tiếng động cơ rền vang cả khu vực. Đốm lửa từ đèn của máy bay cứ lên rồi xuống, vừa ở chỗ này đã vút sang chỗ kia. Sáng hôm sau, ngồi uống nước, anh Việt Anh bảo, tối qua thực hiện nhiều động tác khó, nhào lộn nhiều nên quần kháng áp bóp chặt vào chân, qua đêm rồi vẫn bị tê. “Cái quần sẽ bơm khí nén vào chân. Càng tải lớn nó càng bóp chặt”, anh Việt Anh bảo. Tính ra, trang phục của phi công chiến đấu Su30Mk2 cũng cả tỷ bạc. “Bộ hôm qua mình mặc suýt soát 1 tỷ đồng. Mũ bay cũng gần tỷ rồi. Tính ra trang phục gần 2 tỷ đồng. Tham mưu trưởng Trung đoàn 935 cũng bảo, nếu không có đồ bảo hộ, lên tới độ cao lớn mà buồng lái máy bay bị hở, phi công không sống quá 3 phút, nên mọi thao tác, kỹ năng phải thành thục, kinh nghiệm. “Hôm trước bay huấn luyện ở tốc độ cao nhất, gấp 2 lần tốc độ âm thanh. Cứ hình dung là máy bay và người ở cùng một điểm xuất phát. Khi người nói ra từ điểm A mà ở điểm B nghe thấy thì máy bay đã gấp đôi khoảng cách AB đó rồi”, anh Việt Anh nói thêm.

Chuyện về chiến binh bầu trời: Những chuyến bay đêm ảnh 2 Máy bay Su30Mk2 cất cánh lúc hoàng hôn

_____

Bay đêm nguy hiểm vì khó phân biệt giữa núi và đất, đặc biệt về cảm giác độ cao… Những khi tăng lực, tốc độ cao, chỉ không tập trung trong tích tắc là hậu quả khó lường. Vì thế, bay đêm thường là những phi công có năng lực, có kinh nghiệm…

(Còn nữa)

Tr.P - H.M.T

MỚI - NÓNG