Chuyện về Tổng Cục 2- Kỳ III: Cái tên Mười Hương

Ông Mười Hương tháng 4/2015.
Ông Mười Hương tháng 4/2015.
TP - Sau thời điểm Những việc cần làm ngay, đám viết chúng tôi hăng lắm. Hăng là say việc. Lắm hôm bỏ cả bữa lẵng nhẵng kéo nhau đi… Thường một nhóm dăm ba anh các báo tập trung giải quyết một vụ tiêu cực. Bám nhân mối các cơ quan điều tra để lấy thông tin  đã đành. Lại lần tìm đến một vài lãnh đạo cấp cao để tranh thủ sự ủng hộ.

Chiều ấy, ông anh đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam, người nhỉnh tuổi nhất bọn dẫn tôi đến chỗ Ban Nội chính Trung ương. Anh nói đây là một chỗ đi về và là một nhân mối quan trọng mỗi khi báo chí phải nhờ cậy để phục vụ cho công tác đấu tranh chống tiêu cực.

Người mà chúng tôi gặp chính là ông Trần Quốc Hương, Trưởng ban.

Không ngờ ông Hương lại là chỗ quen biết với ông bạn đồng nghiệp. Và có vẻ như thân nữa?

Nhưng ấn tượng với tôi buổi gặp hôm ấy ngoài những lời khuyên bảo cần thiết về nghiệp vụ báo chí mà là cặp mắt, nói đúng hơn là ánh mắt là nhỡn lực của ông Trưởng ban Nội chính Trung ương.  Người gầy mảnh nhưng ông có uy lực gì đó toát lên từ cái nhìn… Như là bao dung là sắc sảo.

Thời điểm ấy tôi chưa biết gì nhiều về ông. Chỉ loáng thoáng ông là cán bộ cỡ cao cấp từng bị biệt giam sáu năm liền dưới tay Lãnh chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn… Với lại thời điểm đó, chưa rộng rãi công khai chuyện ông Trần Quốc Hương là một cán bộ tình báo tài ba ( ông bạn tôi có biết nhưng cứ úp úp mở mở?) từng đào tạo nên những nhà tình báo nổi tiếng Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn…

Từng ngột ngạt và ít nhiều là nạn nhân của những nghi kỵ, hiểu lầm nên với đồng đội bạn bè từng gặp  oan trái, ông Mười Hương với thứ trực giác bén nhạy đã có những xử sự khôn khéo…

Năm tháng qua đi. Dạo ấy tôi đang mải mê lần theo nhiều nhân mối để thực hiện loạt bài viết về những người con trai của cụ Nguyễn Văn Vĩnh.

Trong số những người con của cụ Vĩnh ( Nguyễn Phùng người được đặt tên cho một đường phố ở thành phố Montpellier nước Pháp, Nguyễn Giang từng là bạn của Picasso, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp…) tôi rất ấn tượng với ông Nguyễn Văn Phổ, một người kém may mắn nhất.  Ông từng làm thợ ở nhà in Trung Bắc Tân Văn. Là điệp viên hoạt động nội thành… Hòa bình, ông Phổ bị nghi  là gián điệp, bị đi tù oan…

Khi tôi tìm đến nhà ông Phổ thì chỉ biết thắp lên bàn thờ nén hương muộn. Ông đã mất sau quãng đời tù oan dằng dặc đói khát tật bệnh.

Ngạc nhiên, mé dưới ban thờ còn có một tấm ảnh ông Phổ chụp với ông Trần Quốc Hương.

Tôi đã ngồi với người con trai ông Phổ, anh Nguyễn Văn Tuấn. Những năm ông Phổ còn sống,  anh đã lê lết hết các cửa để đưa đơn kêu oan cho bố nhưng vẫn vô vọng.

Một ngày nọ, người con trai ông Phổ, nghe theo lời mách đã tìm đến ông Trần Quốc Hương… Ông Hương năm xưa từng học nghề in từ ông Phổ. Rồi chính ông Hương bố trí cho ông Phổ vào nghề điệp báo quân đội cắm ngay ở Trung Bắc Tân Văn nay là Nhà máy in Tiến Bộ rồi sau đó với tay nghề tráng ảnh kẽm tài hoa, ông Phổ được điều sang làm ở Phòng thông tin Hoa Kỳ…

Danh nghĩa là Phòng thông tin. Nhưng bên trong là hoạt động của một cơ quan tình báo.

Xin trích ra đây lời nhận xét của ông Nguyễn Văn Đăng, nguyên đại đội trưởng đơn vị PC 256, Tiểu đoàn 610A, Trung đoàn 75 người chỉ huy trực tiếp nhóm điệp báo thời gian hoạt động trong nội thành...

Từ Phòng thông tin này, rất nhiều tài liệu quan trọng đã được Nguyễn Phổ sao chụp và đưa đến các hòm thư liên lạc chuyển ra chiến khu. Sáu năm hoạt động trong lòng địch, nhóm điệp báo này đã đưa được rất nhiều tài liệu có giá trị ra ngoài cho tới ngày giải phóng Thủ đô mà vẫn không bị lộ...

Trong câu chuyện, người con trai ông Phổ đã bật khóc khi nhắc đến những sự giúp đỡ của nhiều người trong đó có cái ơn của bác Hương đã từng tất tả kiên trì đi gõ các cửa minh oan trả lại danh dự và quyền lợi cho gia đình Nguyễn Phổ!

Và cả chuyện mẹ anh, vợ ông Phổ quá đau khổ uất ức đã một thời gian dài xuống tóc đi tu.

Có chi tiết như là kết thúc có hậu  của câu chuyện buồn ấy là ông Phổ được quy đổi 17 năm tù oan  thành 55 triệu đồng tiền truy lĩnh lương và 45 triệu tiền bồi thường những vật dụng của gia đình ông bị tịch thu năm 1955.

Năm 1997 ông Phổ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì.

Một bất ngờ nữa, anh Tuấn đã kể tôi nghe chuyện ông Phổ sau thời điểm được minh oan đã lặn lội vào Nam thăm nhà văn Vũ Bằng, người trong lưới điệp báo hoạt động ở nội thành. Chính vì không bị lộ mà  Vũ Bằng được cử vào Nam hoạt động.

Sau đó tôi đã có ý tìm gặp ông Mười Hương mấy bận để hỏi kỹ về chuyện này  nhưng không có duyên gặp…

Bù lại đã tìm đọc kha khá những gì sách báo đã viết về nhà tình báo Trần Quốc Hương.

Đó là những xen, những trường đoạn như trích ra từ bộ phim nhiều tập về ông Mười Hương. Đến mỗi đoạn như thế lại bất chợt nghĩ ngay đến người cặp mắt có những ánh nhìn ấn tượng.  Cứ như một thứ biệt nhỡn gì đó để ông  có thể nhìn xa nhìn ra từ những thanh niên Việt Nam bình thường mai sau trở thành những Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ; Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Hữu Thúy; Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Ngọc Thảo; Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Xuân Ẩn...  cặp mắt ấy đã tìm ra, đã chọn lọc được biết bao nhà tình báo chiến lược xuất sắc đã đi vào sử sách, vào văn học, thậm chí đã trở thành huyền thoại tình báo trong nước và quốc tế.

Dõi xa, nhìn ra có lẽ xuất phát từ cái tâm lành? Tâm ấy đã bầu nên tầm Mười Hương.

Chuyện về Tổng Cục 2- Kỳ III: Cái tên Mười Hương ảnh 1

Ông Mười Hương (thứ 3 từ trái sang) và các điệp viên trong một lần gặp gỡ.

Nhớ lại sự kiện ông Mười Hương được tha là trường hợp gặp may. Đơn giản thời điểm đảo chính 1963, Ngô Đình Diệm đổ. Lực lượng đảo chính của Dương Văn Minh do lo thanh trừng phe phái của Diệm nên phần nào cũng ngó lơ số tù chính trị cũ. Và bất ngờ chúng cho thả dễ dàng một số đông. Trong số được thả ấy,  đối phương không ngờ đã để lọt mất một nhân vật tình báo cộng sản, Mười Hương. Sau này người ta tìm thấy tờ bìa hồ sơ tù chính trị Trần Quốc Hương có những dòng tắc trách quan liêu thế này

… Do đương sự ngưng hoạt động năm 1955, hơn nữa không gia nhập Đảng cộng sản và đã bị giam giữ 6 năm.

  Trở lại miền Bắc sau 6 năm nếm trải địa ngục trần gian nhưng Mười Hương không phải được hít thở ngay tràn trề buồng phổi không khí tự do.

Tại sao Mười Hương được tha và tha  một cách dễ dàng như thế? Bao nhiêu câu hỏi xoắn bện về ông ở những cấp quản lý. Ông như bị cách ly ở K5 Quảng Bá (dành cho các cán bộ từ chiến trường ra) hàng tháng trời. Ông hiểu và tuân thủ những nguyên tắc ngặt nghèo của ngành… Nhưng sao lâu thế? Và ông đương rất cô đơn.  Vừa bị nghi kỵ cộng thêm nỗi đau người vợ từ thuở tao khang trong thời gian ông hoạt động và bị giam cầm đằng đẵng trong ngục Chín Hầm đã ngoặt hướng đời sang một phía khác… Trong người không một mảnh giấy tờ, ông đánh liều tìm đến cấp trên trực tiếp tuyển mộ ông vào ngành khi đó là ông Trần Hiệu đang đương chức Viện phó Viện KSND Tối cao. Nhưng không có giấy tờ, bảo vệ không cho gặp.

May thời gian đó kéo dài không lâu. Ông đã trở lại công việc cũ với cương vị cao hơn phụ trách tình báo kỹ thuật trước khi lên đường trở lại miền Nam.

Từng ngột ngạt và ít nhiều là nạn nhân của những nghi kỵ, hiểu lầm nên với đồng đội bạn bè từng gặp  oan trái, ông Mười Hương với thứ trực giác bén nhạy đã có những xử sự khôn khéo…

Ông Mười Hương từng phụ trách an ninh Lễ Tuyên ngôn độc lập 2/9 ở Quảng trường Ba Đình (còn ông Nguyễn Hữu Đang - người từng nhiều năm hoạt động cùng nhau thời gian khó - chịu trách nhiệm tổ chức buổi lễ) nên khi ông Đang gặp nạn, ông đã tích cực khéo léo can thiệp. Ông Nguyễn Tài, con trai nhà văn Nguyễn Công Hoan, một cán bộ công an trung kiên từng bị giam cầm trong sào huyệt Mỹ-Thiệu khi được thả cũng bị nghi ngờ, tố giác… Ông Mười Hương đã tích cực can thiệp. Sau này ông Nguyễn Tài được minh oan, được phong tặng Anh hùng LLVT, trở thành lãnh đạo ngành Hải quan và công an với chức Tổng Cục trưởng và Thứ trưởng.

Hoạt động bí mật, hoạt động tình báo - công việc thầm lặng khổ ải ấy có biết bao thứ đặc thù. Như việc thẩm tra sau thời gian bị địch bắt, sau thời kỳ đứt liên lạc chẳng hạn. Và khi có trục trặc không phải ai cũng có sẵn năng lực để có thể nhận ra ngay để thông cảm với những khuất lấp, mất mát. Và cũng không phải ai cũng dũng cảm để làm cái việc đó. Dẫu hiếm hoi nhưng ông Mười Hương hình như đã có con mắt xanh trong việc cởi bỏ những oan sai của đồng chí mình. Tôi tin sẽ tiếp tục có những cuốn sách, bộ phim với những góc độ khác nhau về ông già Mười Hương.

Chắc ở đâu đó và dịp nào đó, ông vẫn âm thầm, miệt mài truyền nghề, kinh nghiệm cho lớp hậu sinh? Năm kia, tôi đã chứng kiến ông Mười Hương có một động tác truyền lửa cho thế hệ trẻ. Ông đã đem bức thư pháp Nam quốc sơn hà… với những câu thơ Thần của Lý Thường Kiệt do những người bạn kháng chiến của ông thể hiện đến tặng một cơ sở Đoàn TNCS ở thành phố Hồ Chí Minh nhân phong trào góp đá xây Trường Sa.

Làng tình báo nước Việt đương có một vị tiên chỉ cao niên cửu thập. Ông Mười Hương như một nhân chứng sống, như một cuốn sử sinh động đang minh chứng một thời cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng ta có những huyền thoại  Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ...

Mà ông là tác giả.

(Còn nữa)
MỚI - NÓNG