Cuộc chiến bí mật của Nga, Mỹ và các cường quốc khác dưới đáy đại dương

Một tàu ngầm của hải quân Mỹ
Một tàu ngầm của hải quân Mỹ
TPO - Trong những năm 1960, khả năng của Mỹ ở vùng biển sâu đã khiến Liên Xô cảnh giác. Nếu người Mỹ có thể xác định vị trí tàu ngầm bị chìm hoặc thu hồi vệ tinh từ những vùng sâu được cho là bất khả xâm phạm, thì hoạt động dưới nước của họ đã đe dọa trực tiếp đến an ninh của Liên Xô.

Khi một cơn chấn động dưới đáy biển vào tháng 7 năm 2015 gây ra một trận lở đá giữa các đảo Saipan và Tinian ở Quần đảo Bắc Marianas, nó đã cắt đứt tuyến cáp quang duy nhất kết nối quần đảo với mạng lưới toàn cầu. Các chuyến bay có kiểm soát không lưu, máy rút tiền tự động ngưng hoạt động, kết nối web và điện thoại bị ngắt.

Tất cả những tác động đáng sợ của một cuộc tấn công mạng đã trở thành hiện thực đối với người dân trên đảo. Một tàu sửa chữa cáp Đài Loan cuối cùng đã khôi phục được liên kết, nhưng đó chỉ là sự cố do một sự cố tự nhiên xảy ra. Một quốc gia có lực lượng hoạt động dưới đáy biển sâu có thể gây ra thêm bao nhiêu sự gián đoạn nhằm vào các đối thủ thông qua ý định ác ý? Theo National Interest, Mỹ đã phát triển những khả năng tinh vi để tiếp cận những thứ dưới nước.

Một trong những kỹ thuật gián điệp vĩ đại nhất của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh liên quan đến việc khai thác thông tin liên lạc của Hải quân Liên Xô qua cáp ngầm trong những năm 1970 và 1980. Trước khi tàu IVY BELLS bị điệp viên Liên Xô Ronald Pelton làm cho “lộ sáng”, những thủy thủ bí mật và con tàu ngầm gián điệp và "con bọ" chạy bằng năng lượng hạt nhân của nó đã làm nên lịch sử hoạt động gián điệp.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn thực hành chiến tranh hỗn hợp thì khả năng cắt cáp ngầm theo ý muốn và ở độ sâu lớn sẽ mang lại cho kẻ thủ ác một vũ khí rất mạnh. Cắt mạng lưới hydrophone (thiết bị thu thập thông tin bằng cách ghi lại âm thanh) dưới biển và bạn khiến đối thủ của mình bị điếc. Cắt cáp Internet và bạn có vũ khí làm tê liệt hệ thống mạng và đủ loại dịch vụ đi kèm.

Trong những năm 1960, khả năng tiến bộ của Mỹ ở vùng biển sâu đã khiến Liên Xô phải cảnh giác vì lý do chính đáng. Nếu người Mỹ có thể xác định vị trí tàu ngầm bị chìm và thu hồi các vệ tinh (sau khi chúng được sử dụng và cho rơi xuống biển) từ những vùng sâu được cho là bất khả xâm phạm, thì hoạt động đen dưới nước của họ đã đe dọa trực tiếp đến an ninh của Liên Xô.

Giữa làn sóng hoạt động dưới biển sâu những năm 1960 — bao gồm chương trình lặn SEALAB, các sứ mệnh tìm kiếm và thu hồi tàu ngầm gặp nạn USS Thresher, USS Scorpion, một quả bom khinh khí bị thất lạc và một phương pháp cứu hộ tàu ngầm mới — đô đốc Hyman Rickover đã có được chiếc tàu ngầm mơ ước. Ra mắt vào năm 1968, NR-1 là một kỳ tích về sự khéo léo của người Mỹ - một chiếc tàu ngầm mini chở theo 4 người chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể lặn sâu 1.000m và ở đó trong nhiều tuần.

Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã phát triển các khả năng hoạt động đen dưới nước rất tinh vi. Các mục tiêu bao gồm hệ thống hydrophone SOSUS của Hải quân Mỹ chạy dọc Đại Tây Dương từ Greenland đến Vương quốc Anh ở độ sâu lên đến 4.000m. Với ưu thế về luyện kim titan và kỹ năng công nghệ hạt nhân, Liên Xô đã chế tạo một số đối thủ cạnh tranh với NR-1.

Liên bang Nga được thừa kế những tài sản. Một đơn vị của Bộ Quốc phòng (GUGI, hoặc Tổng cục Nghiên cứu Biển sâu) đã giám sát các chương trình đó. Các hệ thống bí mật dưới đáy biển sâu của Nga vẫn tồn tại sau sự sụp đổ của Liên Xô và nhận được tài trợ ngay cả trong những năm khó khăn trong thập niên 1990. Ngay cả khi Mỹ mất khả năng của NR-1 khi tàu nghỉ hưu, Nga vẫn tăng cường các hoạt động dưới đáy biển sâu.

Từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2012, một đoàn thám hiểm Bắc Cực của Nga đã lập bản đồ đáy biển của Bắc Băng Dương để định vị các nguồn tài nguyên và thiết lập các ranh giới trên biển. Một tàu ngầm "nghiên cứu" biển sâu đã đặt một lá cờ nhỏ của Nga dưới đáy biển Bắc Cực ở độ sâu hơn 4.000m để ghi nhớ tuyên bố của Nga.

MỚI - NÓNG